Trẻ đánh bạn: 9 nguyên nhân chính bố mẹ cần thấu hiểu

Cảm xúc & Kết nối xã hội - 06/03/2020

Trẻ đánh bạn và mọi người xung quanh do nhiều nguyên nhân. Vì thế, bố mẹ cần chú ý quan sát để có thể điều chỉnh hành vi của trẻ kịp thời.

Hành vi bạo lực của trẻ 1 đến 3 tuổi thực chất không phải là hiện tượng bất thường. Trẻ đánh bạn hoặc những người xung quanh bởi trẻ thiếu những kỹ năng ngôn ngữ cần thiết, thiếu khả năng kiểm soát xung lực để điều khiển hành vi, cũng như muốn khẳng định sự độc lập của bản thân. Ngoài ra, phản ứng và hành vi bạo lực của trẻ còn do trẻ bắt chước hành vi đánh đòn từ cha mẹ hoặc người chăm sóc trực tiếp. 

Một em bé đáng yêu kháu khỉnh khi bước lên độ tuổi từ 1 đến 3 với suy nghĩ, những nguyên tắc riêng, chắc chắn trẻ sẽ phải đối mặt với rất nhiều sự thay đổi cũng như thách thức xảy ra. Vì thế sẽ là bình thường nếu bố mẹ thấy bé yêu của mình có hành vi cắn, cãi cọ, thậm chí là bé hay đánh bạn và người thân.

Tuy nhiên, trước khi bắt đầu thắc mắc mình đã làm sai ở đâu, hoặc tự trách móc bản thân không biết dạy con, thì bố mẹ hãy tìm hiểu 9 nguyên nhân khiến trẻ từ 1 đến 3 tuổi có hành vi bạo lực trong bài viết dưới đây của ODPHUB nhé:

1. Trẻ đang trong quá trình khám phá cơ thể và những tác động nó tạo ra

Hành vi bạo lực bố mẹ thấy ở trẻ lại là một phần trong quá trình phát triển của trẻ. Trẻ đều có xu hướng đánh người khác tại một thời điểm nhất định (cho dù bố mẹ có hoặc không ai làm gì trẻ cả). Thực chất, hành vi này là để trẻ nắm bắt và khám phá tác động của cơ thể, khám phá liệu điều gì sẽ xảy ra nếu trẻ vung tay chạm vào một vật hoặc người nào đó, liệu trẻ vung tay mạnh hơn thì chuyện gì sẽ diễn ra tiếp theo.

trẻ ném đồ đạc, trẻ đánh bạn để thử nghiệm chức năng của cơ thể
Trẻ đang trong giai đoạn khám phá khả năng của cơ thể mình, thế nên việc trẻ đánh bạn hay ném đồ đạc chính là hành vi thử nghiệm của trẻ.

Tất cả mọi thứ diễn ra thời điểm này về cơ bản còn vô cùng mới mẻ với trẻ, vậy nên những hành động con làm đều là bởi con cảm thấy tò mò. Tất nhiên, trẻ sẽ sớm nhận thấy hành vi của mình gây chú ý cho dù sự chú ý đó có mang tính tiêu cực. Tuy nhiên quyết định có hoặc không tiếp tục hành vi đó của trẻ còn phụ thuộc những yếu tố tác động khác.

2. Trẻ đánh bạn và mọi người xung quanh vì thiếu khả năng tự chủ

Khoảng thời gian trẻ được 18 tháng tuổi là lúc trẻ bước vào sự hỗn độn trong các mối quan hệ và giao tiếp với mọi người. Trẻ bắt đầu học cách nói chuyện và đi lại, phạm vi những người xung quanh trẻ cũng được mở rộng hơn. Cùng lúc đó, trẻ còn phải học cách điều hướng tương tác với anh chị em, với bạn bè và cả những người bạn ở công viên hoặc sân chơi. Nói tóm lại, một mặt, não bộ trẻ đang dạy trẻ cách thể hiện cá tính, mặt khác, trẻ cũng trong quá trình phát triển nhiều kỹ năng phức tạp hơn.

Một em bé 18 tháng tuổi tất nhiên không có khái niệm về sự tự kiểm soát, cũng không biết rằng mình không thể làm bất cứ điều gì theo ý mình. Điều đó khiến trẻ có những hành vi theo bản năng bất kể là tức giận hay thất vọng, dẫn đến việc trẻ đánh bạn và người thân. Đỉnh điểm của những hành vi này thường lên cao trào khi trẻ được 2 tuổi - khủng hoảng tuổi lên 2, và suy giảm dần trong khoảng 3 năm sau đó. Điều thú vị ở đây, đó là các trung khu trong não bộ có liên quan đến sự tự kiểm soát sẽ không hoàn toàn trưởng thành cho tới khi trẻ kết thúc độ tuổi thiếu niên.

>>> Tham khảo thêm:

trẻ đánh bạn do không biết kiểm soát cảm xúc
Trẻ 2 đến 3 tuổi rất dễ cáu kỉnh, và ở lứa tuổi này trẻ chưa biết cách để kiềm chế cảm xúc của mình, dẫn đến việc trẻ đánh bạn để giải tỏa sự bức xúc.

3. Trẻ thiếu các kỹ năng xã hội và ngôn ngữ

Ở độ tuổi từ 1 đến 3, trẻ vẫn chưa thể thành thạo các kỹ năng ngôn ngữ cần thiết để có thể nói với bạn về cảm xúc của mình, hoặc để điều tiết một tình huống xã hội nào đó khiến trẻ không thoải mái. Theo tự nhiên, trẻ thể hiện bản thân và sự thể hiện đó có thể là một hành vi bạo lực. Chính vì trẻ chưa biết, chưa thấm nhuần những chuẩn mực hay quy tắc xã hội giúp kiềm chế hành vi bản thân giống người lớn, nên trẻ vẫn vô tư thực hiện nó nhiều lần. Tuy nhiên bạn cũng đừng quá lo lắng, vì những kỹ năng này dần dần sẽ được chọn lọc một cách từ từ nhưng chắc chắn.

4. Trẻ thiếu sự đồng cảm và tầm nhìn

Trong khoảng 2 tuổi rưỡi trở lên, trẻ thường không thể nhìn thấy ai khác ngoài chính bản thân mình. Chính vì thế trẻ sẽ không có biểu hiện quan tâm đến cảm xúc của mọi người, cũng không thể tự hiểu rằng khi trẻ đánh bạn thì sẽ khiến bạn bị đau. Ở độ tuổi này, trẻ vẫn coi bạn bè như đồ vật để xử lý cảm xúc khi thấy không thoải mái. Mặc dù trẻ có thể sẽ thấy buồn khi nhìn bạn khóc sau khi bị mình đánh hoặc đẩy, nhưng trẻ lại không thể lường trước được hậu quả của sự việc mình làm.

trẻ đánh bạn do chưa kiểm soát được cảm xúc và chưa nhận thức được hành động của mình có thể khiến bạn bị đau
Vì chưa có đủ nhận thức và kỹ năng kiểm soát cảm xúc nên trẻ chưa thực sự hiểu rằng việc trẻ đánh bạn có thể khiến bạn bị đau.

5. Trẻ đang trong quá trình đối phó với những sự thay đổi

Thời điểm trẻ bước sang độ tuổi từ 1 đến 3, các mối quan hệ xung quanh trẻ sẽ không chỉ dừng ở phạm vi gia đình, mà nó còn bao gồm cả các nhóm bạn trẻ quen ở sân chơi, bạn bè ở lớp. Sự phức tạp trong các mối quan hệ sẽ khiến trẻ bị áp lực khi không biết phải thích nghi với môi trường xung quanh như thế nào. Và bởi trẻ không thể điều khiển mọi thứ như ý muốn, nên hành động hung hăng có thể là phản ứng bản năng giúp trẻ khẳng định sự độc lập. 

Trẻ đánh bạn để lấy món đồ chơi mình thích, đẩy anh chị em cản đường đi của mình có lẽ là cách duy nhất trẻ có thể sử dụng để giải quyết tình huống, nhất là với các tình huống trẻ mới gặp lần đầu. Trong một số trường hợp, hành động hung hăng của trẻ có thể do trẻ muốn thử nghiệm điều gì đó. Ví dụ: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu mình đánh ai đó? Liệu người đó có khóc không? Không biết những bạn khác cũng hành động như vậy hay khác mình nhỉ?

6. Trẻ đang thử nghiệm các ranh giới

Bố mẹ có luôn dành hầu hết thời gian của mình bên con hay không? Nếu có, thì đây rất có thể là lý do khiến bố mẹ cũng trở thành mục tiêu chính cho những hành vi xấu của con. Thực tế, lý giải cho điều này lại mang tính rất tích cực.

Trẻ đánh bố mẹ để thử nghiệm giới hạn được cho phép
Ngay cả bố mẹ và người lớn cũng có thể trở thành đối tượng để trẻ... đánh thử.

Theo các chuyên gia, bố mẹ trở thành mục tiêu chính của những hành vi tiêu cực của trẻ là bởi khi ở cùng bố mẹ thì trẻ mới có thể thoải mái bộc lộ cảm xúc của mình nhất. Trẻ dễ có hành vi tiêu cực khi ở bên bố mẹ là bởi trẻ cảm thấy an toàn khi làm điều đó với bố mẹ. Hơn nữa, não bộ trẻ đang phát triển mạnh mẽ thời điểm này, nên trẻ sẽ bắt đầu hiểu về các mối quan hệ, hiểu mình có thể đẩy mọi thứ đi bao xa. Nói tóm lại, rất có thể trẻ đang thử nghiệm các ranh giới thông qua hành vi xấu của mình.

7. Trẻ bị đói, buồn ngủ hoặc cảm thấy không khỏe

Bên cạnh những yếu tố bên trong, việc trẻ đánh bạn đôi khi còn có thể đến từ các tác nhân bên ngoài có thể kiểm soát. Những tác nhân này bao gồm:

  • Đói: Vì không thể truyền đạt bằng lời rằng mình bị đói hoặc khát nên trẻ sẽ có những hành vi bị cho là hư.
  • Thiếu ngủ: Kể cả người lớn cũng dễ bị căng thẳng, cáu kỉnh khi thiếu ngủ, thì đối với một đứa trẻ, điều này hoàn toàn có thể xảy ra.
  • Cảm thấy không khỏe: Sức khỏe sa sút cũng là nguyên nhân khiến trẻ có những hành vi gây khó chịu, thậm chí là bạo lực.
  • Không được chú ý: Trẻ có thể sẽ làm những hành động tiêu cực khi nhận thấy mình bị ngó lơ hoặc không được chú ý.

8. Trẻ bắt chước người chăm sóc

Các nghiên cứu về bạo lực giữa bố mẹ và con (CPV), nhất là với người mẹ, thường cho thấy tỷ lệ bạo lực cao giữa bố mẹ và các em bé nhỏ tuổi. CPV cũng là chỉ số phản ánh tình trạng bạo lực gia đình. Nó có thể là bạo lực giữa bố mẹ với nhau, bạo lực thể xác hoặc những phương pháp trừng phạt thân thể được áp dụng để kỷ luật con cái. CPV cũng rất hiếm khi không có sự góp mặt của bạo lực giữa bố mẹ với con cái. Theo thống kê, cứ 10 em bé bị bố mẹ đánh đòn thì hầu như cả 10 em bé này về sau đều có khả năng có hành vi bạo lực, dẫn dến việc trẻ hay đánh bạn.

trẻ đánh bạn do ảnh hưởng từ hành vi bạo lực của bố mẹ
Hành vi tiêu cực của trẻ rất có thể là do phải chứng kiến bố mẹ thể hiện tính bạo lực.

9. Trẻ tiếp xúc với những nội dung bạo lực trên internet nên bị ảnh hưởng

Không thể phủ nhận việc truyền thông, báo chí, các chương trình TV có ảnh hưởng không nhỏ lên hành vi của một đứa trẻ. Các chương trình TV có quá nhiều chi tiết la hét, xô đẩy, đánh đấm sẽ ảnh hưởng ít nhiều lên hành vi của trẻ. Theo một nghiên cứu được tiến hành, trẻ nhỏ chơi các game thực tế ảo có yếu tố bạo lực thường dễ trở nên hung hăng hơn những đứa trẻ chơi các game không có yếu tố này.

Nếu bố mẹ đang băn khoăn không biết nếu trẻ hay đánh bạn phải làm sao để can ngăn và điều chỉnh hành vi của trẻ thì hãy tham khảo thêm bài viết này: Trẻ đánh bạn: Bố mẹ nên làm gì?

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận