Khủng hoảng tuổi lên 2 và những cách để bố mẹ cùng trẻ dễ dàng vượt qua
Cảm xúc & Kết nối xã hội - 27/11/2019
Khủng hoảng tuổi lên 2 là mốc phát triển bình thường nhưng lại rất khó khăn của trẻ. Bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu cách giúp trẻ vượt qua giai đoạn này nhé!
Khủng hoảng tuổi lên 2 là một giai đoạn phát triển bình thường của trẻ, thường xảy ra khi trẻ vừa muốn dựa vào bố mẹ, vừa hình thành mong muốn tự lập. Hầu như trẻ nào cũng trải qua giai đoạn này, cho nên, việc hiểu rõ trẻ sẽ giúp bố mẹ “xử lý khủng hoảng” hiệu quả hơn.
Sơ lược về khủng hoảng tuổi lên 2
Giai đoạn khủng hoảng này không nhất thiết bắt đầu sau khi trẻ được 2 tuổi, mà có thể đến sớm hơn. Thậm chí, một số trẻ có biểu hiện thay đổi tâm trạng thường xuyên và hay cáu giận từ trước khi tròn 1 tuổi.
Khi trẻ bước vào giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2, bố mẹ nên thông cảm và luôn nhớ rằng, trẻ không hề cố ý chống đối bố mẹ. Thực ra, trẻ đang cố thể hiện sự độc lập của mình, nhưng lại không có đủ kỹ năng giao tiếp và vốn từ vựng về cảm xúc để bày tỏ. Do không có cách nào thể hiện được các cảm xúc của mình, trẻ trở nên bực bội, cáu kỉnh, có những hành vi như la hét, cắn, đá hoặc bỏ chạy.
Lúc này, nếu bố mẹ đáp lại theo những cách tương tự như trẻ đang làm (cũng giận dữ, la hét), thì trẻ sẽ cho rằng đây là cách giao tiếp được chấp nhận. Từ đó, trẻ có xu hướng lặp lại những hành vi này. Cho nên, điều bố mẹ cần làm là giúp trẻ mở rộng vốn từ vựng và kỹ năng xử lý cảm xúc của mình, chứ không phải là nổi giận với trẻ.
>>> Tham khảo ngay: Những cơn cáu giận của trẻ dưới góc nhìn khoa học
Phương pháp xử lý khủng hoảng tuổi lên 2
Để chế ngự được những cơn khủng hoảng cảm xúc của trẻ, thì bố mẹ cần kiểm soát cảm xúc của mình trước. Khi trẻ làm ầm ỹ, thì dù ở đâu, bố mẹ cũng cần giữ bình tĩnh. Trẻ 2 tuổi chưa biết thách thức bố mẹ, mà chỉ đơn giản là thực hiện những hành vi để bố mẹ phải chú ý mà thôi.
Để giúp trẻ “hạ hỏa”, bố mẹ hãy thử những cách sau:
- Đầu tiên, hãy thử chuyển hướng chú ý của trẻ sang những thứ khác như sách truyện hoặc một việc gì đó mà trẻ có thể giúp bố mẹ. Tuy nhiên, không nên dụ trẻ bằng đồ ăn hay một thứ mà trẻ đang đòi hỏi.
- Nếu bố mẹ không thể làm cho trẻ nghĩ đến việc khác, hãy phớt lờ hành vi của trẻ. Điều này cho trẻ thấy rằng hành vi đó sẽ không đem lại phản ứng mà mình muốn. Bố mẹ cần hành động thật kiên định, đừng “đầu hàng” nhé!
- Nếu trẻ làm ầm ỹ ở nơi công cộng, bố mẹ hãy dẫn trẻ ra một góc và chờ trẻ bình tĩnh lại. Không cần nói gì với trẻ cả. Bố mẹ cần hành xử nhất quán dù ở nhà hay ở ngoài đường. Bởi nếu không như vậy thì trẻ sẽ nhận ra và biết tìm cơ hội để ăn vạ.
- Khi trẻ đã bình tĩnh và cư xử tốt hơn, bố mẹ không cần nhắc lại những hành vi tiêu cực trước đây. Thay vào đó, hãy khen ngợi những hành động tốt của trẻ bằng thật nhiều lời nói yêu thương, ấm áp.
3 cách đối phó với khủng hoảng tuổi lên 2 của trẻ
Trẻ thường có tâm trạng tốt nhất khi mọi sinh hoạt diễn ra theo thói quen ổn định, bao gồm cả việc ăn ngủ đúng giờ. Cho nên, bố mẹ hãy cố gắng ít làm xáo trộn giờ ăn ngủ của trẻ. Nếu bố mẹ cho trẻ đi đâu quá giờ ăn thì cũng nên chuẩn bị sẵn thức ăn mang theo. Món ăn sẽ là “công cụ” giúp ổn định cảm xúc của trẻ, khiến trẻ quên đi cơn cáu giận và cũng giúp trẻ đỡ đói (từ đó, cũng tránh cáu kỉnh vì đói).
Ngoài ra, bố mẹ có thể tham khảo những bí quyết sau đây để giúp cho giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2 của trẻ diễn ra suôn sẻ hơn:
- Cố gắng đưa ra một vài lựa chọn nhất định thay vì hỏi trẻ muốn gì. Điều này giúp trẻ cảm thấy mình có quyền tự quyết nhưng cũng không bị quá tải trước nhiều lựa chọn. Ví dụ, bố mẹ nên hỏi: “Con muốn ăn táo hay ăn cam?” thay vì “Con muốn ăn gì?”.
- Bố mẹ có thể áp dụng phương pháp sử dụng hệ quả, được điều chỉnh cho phù hợp với lứa tuổi, để thay đổi hành vi của trẻ.
- Tạo môi trường an toàn và thân thiện với trẻ. Ví dụ, bố mẹ nên cất những đồ vật dễ vỡ đi, chứ nếu không, trẻ với tay lấy và làm vỡ rồi bị phạt, thì như thế là bất công cho trẻ.
Khủng hoảng tuổi lên 2 kéo dài bao lâu?
Khủng hoảng tuổi lên 2 sẽ giảm bớt khi trẻ có thể hiểu rõ bản thân hơn, truyền đạt được ý muốn của mình tới người khác cũng như học cách giữ bình tĩnh để kiểm soát cảm xúc của mình. Mỗi trẻ lại có một tốc độ phát triển, học hỏi khác nhau, thế nên rất khó để khẳng định cụ thể được khủng hoảng tuổi lên 2 sẽ chấm dứt khi nào.
Tuy nhiên, bằng cách thấu hiểu những thay đổi về tâm lý của con, yêu thương và tôn trọng con, ODPHUB tin rằng bố mẹ sẽ giúp con vượt qua giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2 đầy khó khăn này và con sẽ ngày càng trở nên tự tin hơn đấy!
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận