Trẻ đánh bạn: Bố mẹ nên làm gì để ngăn chặn hành vi tiêu cực này?

Cảm xúc & Kết nối xã hội - 05/03/2020

Trẻ đánh bạn có thể vì nhiều lý do và bố mẹ cần chú ý để can thiệp kịp thời cũng như tìm cách giúp trẻ điều chỉnh bản thân tốt hơn.

Trẻ đánh bạn vì bất kể lý do gì thì nó cũng có thể được kiềm chế bằng cách này hay cách khác. Có lẽ bố mẹ sẽ rất bối rối và băn khoăn rằng mình nên làm gì khi trẻ đánh bạn. Việc đầu tiên bố mẹ nên làm đó chính là giữ bình tĩnh hết sức có thể và tuyệt đối không nên phản ứng quá tiêu cực với con ngay tại thời điểm đó.

Để ngăn chặn và điều chỉnh hành vi tiêu cực của trẻ, bố mẹ hãy tham khảo bài viết dưới đây của ODPHUB nhé!

1. Ngăn chặn việc trẻ đánh bạn một cách bình tĩnh và cương quyết

Nếu bố mẹ thấy trẻ xô đẩy, nhổ bậy, cắn hoặc trẻ đánh bạn và người thân thì hãy can ngăn hành vi đó ngay lập tức với một thái độ bình tĩnh. Nếu trẻ bị rơi vào một tình huống thiếu công bằng, hãy cố gắng khắc phục điều này sau khi xoa dịu trẻ. Hành động đó sẽ trấn an con và giúp con biết cách giải quyết vấn đề vào những lần sau. Tất nhiên bố mẹ có thể sẽ phải thực hiện điều này đi đi lại lại nhiều lần, nhưng hãy tỏ ra nhất quán và đừng bao giờ ngó lơ bất kỳ lý do gì khiến con có hành vi tiêu cực.

mẹ can thiệp kịp thời ngăn chặn trẻ đánh bạn
Khi trẻ đánh bạn, bố mẹ nên can thiệp ngay lập tức để ngăn chặn hành vi tiêu cực này.

2. Kết nối hành vi của trẻ với cảm xúc của “nạn nhân”

Trẻ đánh bạn và có thể lặp lại hành vi này nhiều lần chính vì trẻ chưa có đủ nhận thức để hiểu hành vi của mình gây tổn thương ra sao với người khác. Vậy nên bố mẹ hãy cố gắng giúp trẻ hiểu hành vi đánh và đánh đau người khác không phải là cách hay để giải quyết vấn đề.

3. Cố gắng né tránh các tình huống gây xung đột

Nếu trẻ hay đánh bạn khi chơi cùng những đứa trẻ khác, vậy thì hãy cố gắng loại bỏ những món đồ chơi kích thích sự bùng phát cảm xúc của trẻ.

Nếu người trẻ luôn gây hấn hầu hết là anh chị em ruột, hãy cố gắng tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sự xung đột đó. Các xung đột này thường diễn ra trong giờ chơi, giờ ăn hoặc thời gian xem TV.

Nếu các hành vi tiêu cực diễn ra quá thường xuyên, hãy dạy các bé lớn trong nhà cách gọi trợ giúp hoặc di chuyển khỏi khu vực nguy hiểm. Suốt thời gian đó, bố mẹ hãy cố gắng không đánh con. Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể giảm thiểu các cơn giận dữ của con bằng cách cho con thấy những gì diễn ra tiếp theo nếu con tiếp tục có hành vi như vậy.

mẹ giúp trẻ né tránh những nguyên nhân gây tiêu cực và cùng chơi với nhau hòa bình vui vẻ
Bố mẹ nên chú ý tới những vấn đề có thể khiến trẻ nảy sinh xung đột với bạn bè hoặc anh chị em để có thể giữ được không khí hòa thuận nhé!

4. Đưa ra các ví dụ

Bố mẹ hãy đảm bảo không bao giờ áp dụng các hình phạt về thể xác để kỷ luật trẻ, mà nên dùng lời nói và cử chỉ để thể hiện ý kiến bản thân. Thay vì nghe lời và làm theo hướng dẫn của bố mẹ là không dùng bạo lực, trẻ sẽ dễ tiếp thu hơn thông qua những hành động bố mẹ làm hàng ngày. Nếu bố mẹ thường xuyên sử dụng đánh đòn như hình thức răn đe trẻ, thì trẻ cũng sẽ nhìn đó mà có hành vi bạo lực với mọi người.

5. Giúp trẻ đốt cháy năng lượng

Khuyến khích con đốt cháy năng lượng bằng những trò chơi tự do ngoài sân chơi cũng là cách giúp trẻ bớt căng thẳng và giảm nguy cơ dẫn tới việc trẻ đánh bạn. Nhưng nhớ đảm bảo trẻ không bị đói, bị mệt hoặc khó chịu trong người vì tất cả những điều này đều khiến trẻ dễ có các hành vi tiêu cực.

Mẹ cùng bé đi dạo đốt cháy năng lượng, để trẻ không sử dụng năng lượng vào việc xấu
Cùng trẻ ra ngoài chơi hoặc vận động có thể giúp trẻ đốt cháy năng lượng thay vì "nhàn cư vi bất thiện".

6. Tự giáo dục bản thân

Nếu việc trẻ đánh bạn và người thân xung quanh diễn ra thường xuyên hơn mức bình thường, hãy xem lại cách dạy con của bố mẹ.

Ví dụ: Bố mẹ có thể tự giáo dục bản thân về việc trừng phạt con không dùng bạo lực. Nếu mọi việc vượt quá tầm kiểm soát, hãy nhờ đến sự trợ giúp của bạn bè, thành viên trong gia đình, giáo viên của con hoặc chuyên gia tâm lý trẻ nhỏ để giải quyết tình trạng đang diễn ra.

7. Quản lý thời gian ngồi trước màn hình điện tử của trẻ

Nhận thấy trẻ em ngày nay bị bủa vây bởi các phương tiện truyền thông với tần suất quá lớn, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) đã khuyên cha mẹ và những người chăm sóc nên có kế hoạch cho trẻ tiếp xúc với các phương tiện truyền thông khi ở nhà. Xem TV, máy tính, điện thoại quá nhiều sẽ khiến trẻ không có thời gian ngủ, chơi, trò chuyện hoặc ăn uống.

Tất cả những điều này đều có ảnh hưởng xấu lên các hành vi xã hội của trẻ. AAP cũng khuyến nghị các bậc phụ huynh chỉ nên cho trẻ tiếp xúc với các phương tiện truyền thông hiện đại trong một khoảng thời gian nhất định trong ngày, còn lại nên khuyến khích trẻ vui chơi và tiếp xúc với cuộc sống thật bên ngoài.

>>> Bố mẹ nên đọc: Cẩm nang sử dụng thiết bị điện tử phù hợp với lứa tuổi của trẻ

bố mẹ kiểm soát thời lượng và nội dung trên thiết bị điện tử của trẻ
Bố mẹ nên kiểm soát chặt chẽ thời lượng cũng như chất lượng sử dụng thiết bị điện tử của trẻ để đảm bảo trẻ không tiếp xúc quá nhiều với những nội dung không phù hợp.

8. Để mắt tới các hành vi của con

Nếu tình trạng bạo lực vẫn tiếp tục diễn ra cả sau khi con đã lớn, bố mẹ cần liệt kê các vấn đề có thể liên quan đến sự phát triển của con.

Ví dụ: Con bị nhạy cảm với cảm giác (ghét ánh sáng, tiếng ồn).

Thông thường các hành vi tiêu cực này sẽ suy giảm theo năm tháng, nhưng nếu nó diễn ra quá thường xuyên không có sự thuyên giảm và còn gây ảnh hưởng đến khả năng tương tác của con với mọi người, bố mẹ nên tìm đến sự tư vấn của các chuyên gia tâm lý trẻ em.

Cho dù có phải mất thời gian và sự kiên nhẫn, nhưng cuối cùng bố mẹ cũng sẽ nhận ra đâu mới là việc mình cần làm. Điều quan trọng khi đối phó với sự hung hăng của con không phải là cố phản ứng thái quá với chúng. Sự la hét, những trận đánh đòn sẽ chỉ đem đến tác dụng ngược, vì nó khiến trẻ cho rằng chỉ có sự gây hấn mới là cách thu hút sự chú ý và loại bỏ xung đột. 

Và quan trọng hơn tất cả, khi trẻ đánh bạn, bố mẹ hãy tỏ ra nhất quán với phương pháp giáo dục con của mình. Trẻ rất thông minh nên chúng sẽ sớm nhận ra bạn không chùn bước nếu chúng không chịu “ngoan ngoãn”! Bố mẹ cũng đừng bỏ qua bài viết này nhéTrẻ đánh bạn: 9 nguyên nhân chính bố mẹ cần thấu hiểu

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận