6 điều bố mẹ cần đặc biệt lưu ý để bé đi tắm biển an toàn và vui vẻ
Thể chất & Dinh dưỡng - 31/05/2020
Du lịch biển có lẽ là điều bé nào cũng mong chờ trong kỳ nghỉ hè, do đó để bé đi tắm biển an toàn thì có 6 điều cơ bản mà bố mẹ cần lưu ý.
Điều mà bé mong đợi nhất trong mùa hè nóng nực đó chính là bố mẹ cho bé đi tắm biển để được thỏa sức nô đùa, bơi lội dưới làn nước mát. Và đặc biệt, sau một kỳ nghỉ cách ly rất dài cũng như thời gian học bị lùi lại, bé càng thêm háo hức mong chờ bố mẹ sắp xếp một chuyến du lịch ngắn ngày để bé được nghỉ ngơi, thư giãn trước khi quay lại trường học.
Đi du lịch chính là trải nghiệm khiến cho tình cảm gia đình trở nên bền chặt hơn, đồng thời tạo cho trẻ những mảnh ghép tuyệt vời trong cái rương ký ức của mình. Tuy nhiên, biển cũng là nơi xảy ra nhiều tai nạn, chấn thương. Vì vậy, để bé được vui chơi an toàn và có những kỷ niệm đẹp thì trước khi cho bé đi tắm biển, bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu và dạy cho bé cách bảo vệ bản thân thật tốt khi vui chơi tại vùng sóng nước này nhé!
Luôn mang theo áo phao, phao bơi
Theo Hội Chữ Thập Đỏ, quy tắc an toàn bơi lội ở biển có sự khác biệt với ở hồ bơi thông thường, bởi vì ngay cả khi ở vùng nước biển nông thì tác động của sóng biển vẫn có thể gây chuột rút ở chân. Ở vùng không gian sông nước bao la, đặc biệt là ở biển lớn với triều cường khó dự đoán thì Hội Chữ Thập Đỏ khuyên rằng khi bố mẹ đi tắm biển thì nên chuẩn bị áo phao cho từng thành viên để đảm bảo an toàn cho cả gia đình.
Dạy bé tránh bị sóng vỗ bất ngờ
Những cơn sóng cuộn có thể đánh chìm trẻ ngay cả khi trẻ đứng ở vùng nước nông, đặc biệt là những trẻ nhỏ. Vì vậy, bố mẹ nên dạy trẻ rằng nên quay lưng về phía bờ và hướng mặt ra phía biển để có thể quan sát được các cơn sóng, tránh bị sóng đánh chìm bất ngờ.
>>>Tham khảo thêm:
Dạy con không vùi chân xuống cát
Ngâm vùi chân xuống lớp cát mát mẻ đem lại một cảm giác rất thú vị, tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu về chấn thương ở biển cho biết “trò chơi” này có khả năng đặt trẻ vào tình huống nguy hiểm. Trẻ có thể bị bong gân và thậm chí là có thể rơi vào tình huống tệ hơn, đó bị kẹt chân trong cát và bị sóng đánh chìm khi không thể di chuyển được.
Theo chuyên gia cứu hộ y tế - tiến sĩ Paul Cowan thì đối tượng trẻ dưới 16 tuổi có nguy cơ gặp chấn thương ở biển cao nhất, bởi trẻ thường chơi và lội nước ở vùng nước nông ven bờ. Tuy nhiên theo ông Cowan thì khu vực càng gần bờ thì lại càng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Vùng nước nghỉ hay còn gọi là vùng lướt sóng là khu vực giao thoa giữa nền đất, cát khô và những con sóng vỗ. Tại đây, khi sóng vỗ và rút ngược về biển thì sẽ làm xói mòn lớp cát dưới chân trẻ bằng lực cuốn mạnh. Thế nên kể cả khi trẻ đứng ở nơi có mực nước ngang đầu gối thì vẫn có thể gặp chấn thương nếu chạm đáy nền cát cứng, chưa kể là con sóng vỗ ngược hoàn toàn có thể khiến cho trẻ bị mất cân bằng và dễ bị đánh chìm.
Vì lý do này nên bố mẹ cần ở bên, chú ý quan sát khi trẻ vui đùa ở biển và theo dõi tình hình sóng nước để đảm bảo an toàn cho con.
Cảnh giác với sứa biển
Một sinh vật mà bố mẹ cần cảnh giác mỗi khi cho các em bé đi tắm biển đó là sứa biển. Sứa biển bơi dập dềnh rất khó để xác định và sẽ chích độc khi chạm vào cơ thể người. Xúc tu của sứa có chứa độc tố, độc tố này sẽ ngấm vào cơ thể qua da. Độc tố thường có tác dụng sau 10-15 phút, trường hợp nhẹ thì trẻ chỉ bị phản ứng ngoài da với triệu chứng ngứa rát, mẩn đỏ. Trong trường hợp bị sứa chích với độc tố nặng thì trẻ có thể bị sốc phản vệ với triệu chứng đau đầu, chóng mặt, tức ngực, hạ huyết áp, mạch đập nhanh, thanh quản phù lên gây khó thở, buồn nôn và vã mồ hôi, lúc này bố mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đi cấp cứu.
Hiểu biết về dòng chảy rút xa bờ
Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Hoa Kỳ, mọi người cần có hiểu biết về dòng chảy rút xa bờ (rip current), đây là dòng chảy với lực kéo rất mạnh kéo nước từ bờ biển ra ngoài biển. Với vận tốc nước kéo dao động từ 0,5m/s đến 1m/s và không ai có thể bơi ngược lại được với dòng nước này, thậm chí với sự thay đổi đột ngột của sóng biển, vận tốc nước kéo ra biển có thể lên đến 2,5m/s, kéo thẳng người ra biển sâu.
Để đảm bảo an toàn khi cho bé đi tắm biển, bố mẹ cần tìm hiểu trước về thời tiết và nghe lời khuyên từ những chuyên viên cứu hộ về tình hình biển. Bố mẹ có thể quan sát bằng mắt thường để nhận biết được dòng chảy rút xa bờ, đó là đoạn nước ở giữa 2 con sóng đang cuộn với mặt nước lặng.
Không quên bôi kem chống nắng
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa có khả năng điều chỉnh thân nhiệt tốt như người trưởng thành thế nên trẻ thường có nguy cơ cao bị ốm do nhiệt độ cao. Theo Hiệp hội Nhi Khoa Hoa Kỳ, trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi nên ở trong bóng râm, tránh ánh nắng trực tiếp và gián tiếp để tránh nguy cơ say nắng. Đặc biệt, bố mẹ không nên cho trẻ ra ngoài trời nắng trong khoảng từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều vì lúc này ánh nắng mặt trời là gay gắt nhất.
Khi cho các bé đi tắm biển, đặc biệt là các bé sơ sinh, bố mẹ cần lên kế hoạch vui chơi ngoài bãi biển vào thời điểm ánh nắng mặt trời chưa gay gắt. Bố mẹ có thể mang theo ô dù hoặc lều tránh nắng. Đồng thời cần đảm bảo cơ thể trẻ không bị mất nước, đối với trẻ sơ sinh, mẹ nên cho bé bú mẹ hoặc bú bình thường xuyên, và mang theo nước uống cho trẻ lớn hơn.
Bên cạnh đó, bố mẹ đừng quên bôi kem chống nắng cho trẻ nhé! Kem chống nắng sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất khi bố mẹ thoa cho trẻ 15-30 phút trước khi ra ngoài nắng và thoa lại sau mỗi 2 giờ.
Biển luôn là địa điểm yêu thích của các bé trong mùa hè, vì vậy, bố mẹ hãy lưu ý những quy tắc an toàn ở trên để bé đi tắm biển vui vẻ và có những kỷ niệm tuyệt vời nhất nhé!
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận