Trẻ sợ nước không dám tập bơi, bố mẹ nên làm gì?
Thể chất & Dinh dưỡng - 02/12/2019
Không phải trẻ nhỏ nào cũng đủ bạo dạn để sẵn sàng xuống bể tập bơi. Tuy nhiên, bơi lại là kỹ năng sống rất cần thiết cho mỗi trẻ, bố mẹ hãy từng bước giúp trẻ vượt qua nỗi sợ nước nhé!
Có rất nhiều trẻ nhỏ thích tắm ở nhà nhưng khi ra bể bơi hoặc biển lại tỏ ra sợ nước, không dám tập bơi hoặc thậm chí chỉ là nhúng chân xuống nước. Vậy bố mẹ nên làm thế nào nhỉ? Hãy để ODPhub.com mách bạn một số cách hay giúp trẻ hết sợ nước nhé!
Điều gì khiến trẻ sợ nước?
Khi còn rất nhỏ, trẻ thường rất thích thú khi được nghịch nước, dù là ở chậu tắm, bể bơi, hay bãi biển. Lúc này, trẻ chưa thấy nước có gì đáng sợ. Nhưng khi lớn hơn một chút, nhiều trẻ bắt đầu sợ nước vì những lý do như:
- Trẻ đột nhiên nhận ra rằng những bể bơi, hồ nước… quá rộng lớn và bí ẩn
- Trẻ đã nhận ra rằng nước có thể gây nguy hiểm
- Trẻ chưa đủ khả năng để diễn giải và hiểu được những nỗi sợ của mình, do đó, trẻ càng dễ sợ hãi
Ngoài ra, có những lý do khác khiến trẻ đặc biệt sợ nước, như:
- Trẻ từng có trải nghiệm đáng sợ đối với nước (dù chỉ là ở chậu tắm tại nhà), như bị trượt chân, bị hắt nhiều nước vào người, bị sặc nước...
- Trẻ từng có những trải nghiệm khó chịu đối với nước, như nước lọt vào mắt, tai hay mũi. Trẻ không muốn chịu những trải nghiệm đó nữa nên e ngại xuống nước.
- Nếu trẻ bị một số triệu chứng rối loạn cảm giác như các giác quan dễ bị quá tải thì trẻ cũng có thể khó chịu khi thấy nhiều nước, cát… hoặc trẻ sẽ dễ bị kích động khi nghe những tiếng ồn ào do các hoạt động ở dưới nước tạo ra.
Trẻ sợ nước: Những cách tốt nhất giúp trẻ vượt qua nỗi sợ
Để trẻ dần vượt qua nỗi sợ nước, từ đó có thể tập bơi, bố mẹ nên:
- Cho trẻ làm quen từ từ: Ngày đầu tiên, có thể chỉ để trẻ nhúng bàn chân xuống nước. Ngày thứ hai, cho nước ngập đến đầu gối… Bố mẹ cứ để trẻ thấy thoải mái khi tiếp xúc với nước chứ đừng giục giã.
- Cho trẻ dùng những phụ kiện vui nhộn: Một chiếc kính bơi đúng màu trẻ thích hoặc những chiếc phao có hình thù ngộ nghĩnh sẽ khiến trẻ hào hứng khi tập bơi. Những phụ kiện này còn giúp trẻ thấy an toàn hơn. Tuy nhiên, dù thế nào thì bố mẹ cũng luôn phải để mắt đến trẻ, vì không một đồ dùng nào thay thế sự giám sát của bố mẹ được.
- Tìm giáo viên thân thiện và có kinh nghiệm: Nhiều trẻ có xu hướng nghe lời người khác hơn là bố mẹ. Vì thế, bố mẹ hãy tìm một giáo viên dạy bơi thật kiên nhẫn và vui tính để dạy trẻ nhé.
- Xuống bể cùng con: Trẻ sẽ yên tâm hơn khi có bố mẹ ở sát bên mình. Bố mẹ có thể dành vài ngày đầu tiên để xuống bể cùng trẻ, nắm tay và đỡ chân trẻ, rồi mới tách ra dần dần. Tuy nhiên, bố mẹ vẫn nên ở cách trẻ chỉ khoảng một sải tay thôi để đảm bảo an toàn.
- Nói chuyện về nỗi sợ: Rất có thể, có một lý do cụ thể nào đó khiến trẻ sợ nước. Bố mẹ nên trò chuyện với trẻ để hiểu rõ điều này. Ví dụ, có thể trẻ từng xem một đoạn phim đáng sợ có liên quan tới nước, hoặc nghĩ rằng dưới bể có quái vật… Khi đã biết nguyên nhân thực sự thì bố mẹ sẽ dễ động viên trẻ vượt qua nỗi sợ.
Tuy nhiên, nếu trẻ cực kỳ sợ nước mà bố mẹ không hiểu được lý do, cũng như không thể giúp được trẻ vượt qua nỗi sợ thì bố mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ tâm lý nhé.
Nếu bố mẹ định cho con đi tập bơi thì đừng bỏ qua những bài viết này của ODP nhé:
- Khi nào là thời điểm vàng để cho trẻ tập bơi?
- Những điều bố mẹ cần lưu ý khi chuẩn bị cho trẻ tập bơi
Nguồn: Verywellfamily.com
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận