Trẻ mấy tháng biết nói? Những dấu hiệu nào cho thấy trẻ chậm nói?
Giao tiếp & Ngôn ngữ - 06/02/2020
Bố mẹ đang nuôi con nhỏ hẳn sẽ có những thắc mắc chung như trẻ mấy tháng biết nói, dấu hiệu nhận biết trẻ chậm nói là gì... Hãy cùng ODP tìm hiểu qua bài viết sau nhé!
Tốc độ phát triển ngôn ngữ ở mỗi trẻ là không giống nhau. Tuy nhiên, khi thấy con mình chậm nói hơn các bạn cùng tuổi, bố mẹ thường rất lo lắng. Vậy trẻ mấy tháng biết nói là bình thường và làm sao để biết con có bị chậm nói hay không?
“Trẻ mấy tháng biết nói?” - câu hỏi chung của nhiều bố mẹ
Trước khi biết cách phát âm và nói được những từ cơ bản thì trẻ sẽ chỉ biết tạo ra những âm thanh ê a. Đây là điểm chung của trẻ em trên khắp thế giới, bất kể tiếng mẹ đẻ là gì.
Dần dần, trẻ mới luyện tập cách phát âm và trẻ tập nói dựa theo những gì mình nghe được từ những người xung quanh, đặc biệt là bố mẹ.
Vậy trẻ bao nhiêu tháng biết nói? Dưới đây là những cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ từ 0-3 tuổi để giúp bố mẹ có được câu trả lời:
Từ 0-3 tháng tuổi:
- Trẻ sơ sinh giao tiếp chủ yếu bằng cách khóc; khi đói thì chép môi, mút, rúc ti mẹ; ngáp và cong người khi mệt hoặc bị kích động.
- Biết quay đầu về hướng có âm thanh và khóc khi cần gì đó
- Tạo ra âm thanh ậm ừ, gừ gừ, thậm chí có thể ê a
Từ 3-6 tháng tuổi:
- Cười khi tương tác với bố mẹ
- Khóc khi đói hoặc cảm thấy không thoải mái
- Ê a và bắt chước các âm thanh
- Biết cười thành tiếng
Từ 6-12 tháng tuổi:
- Có phản ứng khi được gọi tên
- Biết nói các âm lặp lại như “baba” hay “mama”
- Hiểu khi người lớn nói “không”
- Bắt chước các cử chỉ như gật đầu khi đồng ý và lắc đầu thay cho từ “không”
- Biết chỉ vào đồ vật
Từ 12-18 tháng tuổi:
- Biết các động tác đơn giản như lắc đầu hay vẫy tay chào
- Nói được “baba”, “mama”, “bà”...
- Có phản ứng với những yêu cầu đơn giản như lắc đầu khi được hỏi: “Con đã xong chưa?”
- Có thể nói được một số từ
- Chỉ vào những gì mình muốn
- Vừa lắc đầu vừa nói “không”
Từ 2-3 tuổi:
- Nói kết hợp 2-3 từ với nhau
- Khi được hỏi thì chỉ vào đúng đồ vật hoặc tranh trong sách
- Làm theo những chỉ dẫn đơn giản
- Nhớ tên những người thân quen và các bộ phận trên cơ thể
>>> Bố mẹ nên tìm hiểu thêm:
- Phát triển ngôn ngữ ở trẻ 3-12 tháng tuổi: Những cột mốc quan trọng
- Phát triển ngôn ngữ ở trẻ 1-2 tuổi: Những cột mốc quan trọng
- Phát triển ngôn ngữ ở trẻ 2-3 tuổi: Những cột mốc quan trọng
Trẻ biết nói sớm có phải là trẻ thông minh hơn không?
Nhiều người cho rằng trẻ biết nói sớm thường thông minh hơn một chút so với các trẻ khác. Nhưng cũng có những ý kiến khẳng định thời điểm biết nói và trí thông minh của trẻ không hề có sự liên hệ nào với nhau. Một ví dụ điển hình là nhà Vật lý học Anh-xtanh hơn 3 tuổi mới biết nói, nhưng khi lớn lên thì ông trở thành một thiên tài.
Thực tế, cho tới nay, câu trả lời chính xác cho câu hỏi: “Trẻ biết nói sớm có thông minh không?” vẫn chưa rõ ràng.
Mỗi trẻ sẽ có tốc độ phát triển khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như môi trường sống, môi trường giáo dục, di truyền… Do vậy, sẽ rất khó để khẳng định rằng trẻ nói sớm thì về sau có thông minh hơn các bạn khác hay không.
Những dấu hiệu nhận biết trẻ chậm nói
Để biết trẻ có chậm nói hay không, bố mẹ nên dựa vào những cột mốc trong quá trình phát triển ngôn ngữ kể trên và so sánh với mức độ phát triển của trẻ.
Nếu trẻ không có bất kỳ phản ứng nào với âm thanh hoặc không tạo ra âm thanh nào cả thì bố mẹ nên đưa trẻ tới gặp bác sĩ ngay. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu trẻ:
- Thích dùng cử chỉ hơn lời nói khi giao tiếp, gặp khó khăn khi muốn bắt chước âm thanh, hầu như không hiểu các yêu cầu đơn giản bằng lời nói ở giai đoạn 18 tháng tuổi.
- Chỉ có thể bắt chước chứ không tự nói những điều mình muốn - vào thời điểm 2 tuổi. Hoặc trẻ chỉ biết nói đi nói lại một vài từ, không thể làm theo những chỉ dẫn đơn giản, có giọng nói khác thường (giọng mũi, giọng rè rè...).
Nguyên nhân khiến trẻ chậm nói có thể là do trẻ:
- Có vấn đề về lưỡi hoặc vòm miệng, hoặc thắng lưỡi bị ngắn (làm cản trở chuyển động của lưỡi).
- Có vấn đề ở các vùng não phụ trách ngôn ngữ, khiến lưỡi, môi và hàm khó phối hợp để tạo ra âm thanh, thậm chí gây khó ăn.
- Gặp vấn đề về thính giác, khiến trẻ gặp khó khăn trong việc nói, hiểu, bắt chước và sử dụng ngôn ngữ.
- Bị viêm tai giữa, đặc biệt là viêm mãn tính (ảnh hưởng đến thính giác của trẻ). Dù vậy, chỉ cần một bên tai trẻ nghe được bình thường thì các kỹ năng ngôn ngữ của trẻ vẫn có thể phát triển bình thường.
Qua bài viết trên, ODPHUB hy vọng bố mẹ đã tìm ra được câu trả lời cho câu hỏi: “Trẻ mấy tháng biết nói?” hay "Khi nào trẻ biết nói?" và có thể nhận ra các dấu hiệu nếu con mình chẳng may bị chậm nói.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận