Phát triển ngôn ngữ ở trẻ 3-12 tháng tuổi: Những cột mốc quan trọng

Giao tiếp & Ngôn ngữ - 18/11/2019

Trong giai đoạn 3-12 tháng tuổi, khả năng nghe, hiểu, nói của trẻ có rất nhiều thay đổi. Bố mẹ hãy xem những dấu ấn quan trọng nhất trong sự phát triển ngôn ngữ của trẻ ở giai đoạn này nhé!

Có rất nhiều sự kiện sẽ xảy ra trong quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ từ 3 tháng đến 1 tuổi đấy bố mẹ ạ!

Khả năng biểu đạt

Trong năm đầu đời, sự phát triển ngôn ngữ của trẻ thể hiện qua việc trẻ có rất nhiều cách biểu đạt những mong muốn, ý kiến của mình. Cụ thể là: 

Giai đoạn 3-4 tháng tuổi:

  • Giao tiếp bằng ánh mắt với bố mẹ.
  • Ậm ẹ những tiếng “a”, “ư”...
  • Bi bô những tiếng đơn giản (có cả phụ âm và nguyên âm) như: “ga ga”, “ba ba”, “ma ma” hoặc “da da”.

Giai đoạn 5-7 tháng tuổi: 

  • Biết bắt chước một vài âm thanh, cử chỉ của bố mẹ, như ho, cười, tặc lưỡi...
  • Thích chơi đùa bằng cách tạo ra nhiều âm thanh khác nhau, như nói “ai ee”, “buuu”, “ahh” với những cao độ và âm lượng khác nhau. 

bé sơ sinh nằm trên giường cười, phát triển ngôn ngữ
Trẻ thích chơi đùa bằng cách tạo ra nhiều âm thanh khác nhau.

Giai đoạn 8-9 tháng tuổi: 

  • Tạo ra các âm thanh dài hơn và những tiếng bi bô có vẻ gần giống như đang trò chuyện. 
  • Nói “mama” hoặc “baba”, dù có thể trẻ chưa hiểu ý nghĩa của những từ đó. 

Giai đoạn 10-11 tháng tuổi:

  • Giao tiếp có mục đích, chủ yếu là để yêu cầu, đòi hỏi, từ chối hoặc chào đón người khác.
  • Khi muốn thứ gì đó, trẻ sẽ chỉ vào vật đó, hoặc nhìn bố mẹ rồi sau đó nhìn sang đồ vật mình cần.

Giai đoạn 12-14 tháng: trẻ có thể đã biết nói và hiểu một vài từ, như “bà”, “mẹ”, “măm”...

mẹ ngồi cạnh con trai đang cười, phát triển ngôn ngữ
Trẻ 12-14 tháng có thể đã biết nói và hiểu một vài từ, như “bà”, “mẹ”...

Phản ứng

Trẻ 3-12 tháng tuổi phản ứng lại với bố mẹ theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ: 

  • Tạo ra âm thanh, biểu cảm hứng thú hoặc yên lặng khi bố mẹ trò chuyện hoặc gọi tên trẻ.
  • Tạo ra âm thanh ậm ừ, gừ gừ và cười to, như khi đang được bố mẹ thay tã.
  • Cười khi bố mẹ chơi cùng.
  • Thích các trò chơi có hành động như ú òa.
  • Biết ra hiệu bằng tay như vẫy hoặc chỉ.
  • Có phản ứng bằng cách nhìn, mắt mở to, lắng nghe hoặc cười khi được người khác gọi tên.

mẹ ôm bé nằm trên giường, phát triển ngôn ngữ
Trẻ 3-12 tháng tuổi phản ứng lại với bố mẹ theo nhiều cách khác nhau.

Khả năng hiểu

Lúc nào trẻ cũng lắng nghe và học hỏi về thế giới xung quanh. Trong một năm đầu đời này, trẻ sẽ hiểu: 

  • Ý nghĩa của từ “không” (khi được khoảng 10 tháng tuổi), mặc dù không phải lúc nào trẻ cũng làm theo lời bố mẹ. 
  • Những hướng dẫn đơn giản bằng lời nói và hành động mẫu. Ví dụ, khi trẻ gần 1 tuổi, nếu bố mẹ đưa tay ra và nói “đồ chơi”, trẻ sẽ biết đưa cho bố mẹ đồ chơi mà trẻ đang cầm.

mẹ ngồi bên bé chơi xếp hình, phát triển ngôn ngữ
Trẻ hiểu những hướng dẫn đơn giản bằng lời nói và hành động mẫu.

Thực tế, mỗi trẻ có tốc độ phát triển khác nhau, không phải trẻ nào cũng trải qua chính xác những cột mốc như trên. Tuy nhiên, nếu bố mẹ có bất kỳ lo lắng nào về sự phát triển ngôn ngữ của trẻ, hãy hỏi ý kiến bác sĩ ngay nhé.

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận