Phát triển ngôn ngữ ở trẻ 2-3 tuổi: Những cột mốc quan trọng

Giao tiếp & Ngôn ngữ - 20/11/2019

Ở giai đoạn 2-3 tuổi, vốn từ vựng của trẻ tăng lên gần gấp đôi. Trẻ nói được những câu dài và rõ ràng hơn, có thể vừa chơi vừa trò chuyện thoải mái.

Trẻ 2-3 tuổi học thêm từ mới hằng ngày, nên vốn từ vựng tăng lên nhanh chóng, quá trình phát triển ngôn ngữ diễn ra mau lẹ hơn. Ở giai đoạn này, số từ mà trẻ hiểu được sẽ nhiều hơn số từ mà trẻ có thể sử dụng được.

Trẻ sẽ biết dùng và kết hợp nhiều loại từ hơn, như danh từ, động từ, tính từ, đại từ, từ chỉ địa điểm, các từ so sánh tương đối và tuyệt đối, từ để hỏi... Ngoài ra, trẻ cũng bắt đầu biết cách xưng hô: “con”, “bố”, “mẹ”, “bà”... và hiểu được các khái niệm “của con”, “của bố mẹ”...

Cụ thể hơn, ở lứa tuổi này, trẻ sẽ phát triển những kỹ năng sau:

Nói đúng ngữ pháp

Ở giai đoạn này, trẻ sẽ: 

  • Bắt đầu biết nói các câu gồm 2-3 từ (trước khi tròn 3 tuổi), như: “Ăn cơm”, “Mẹ lấy”, “Mẹ đi xe”...
  • Nói những câu đúng ngữ pháp và đầy đủ hơn. Ví dụ, thay vì “Con ăn”, thì trẻ nói: “Con đang ăn”. 

bé gái há miệng, phát triển ngôn ngữ
Trẻ nói được những câu đúng ngữ pháp và đầy đủ hơn.

Hiểu ngôn ngữ

Trong quá trình phát triển ngôn ngữ, trẻ sẽ hiểu ngày càng nhiều những gì người khác nói với mình, cũng như cách nói chuyện. Ở giai đoạn 2-3 tuổi, trẻ sẽ:

  • Hiểu những chỉ dẫn có từ 1-2 bước, nếu đó là chỉ dẫn liên quan đến những điều trẻ đã biết. Ví dụ: “Con nhặt đồ chơi lên và đặt vào thùng nhé!”.
  • Bắt đầu biết trả lời các câu hỏi của người lớn, như ai, cái gì, ở đâu. Tuy nhiên, với các câu hỏi tại sao và làm thế nào thì trẻ có thể chưa biết cách trả lời.
  • Nhận biết được sự khác biệt trong tông giọng của bố mẹ lúc vui vẻ, trìu mến hay tức giận.
  • Biết nhờ bố mẹ giúp đỡ nếu không biết làm việc gì đó.
  • Ghi nhớ các hoạt động sinh hoạt thường ngày và đoán được những việc mình sẽ làm tiếp theo. Ví dụ, nếu bố mẹ bảo trẻ đi giày, trẻ sẽ biết mình sắp được đi chơi.

bố dắt bé trai đi trên bờ biển, phát triển ngôn ngữ
Trẻ sẽ hiểu ngày càng nhiều những gì người khác nói với mình.

Phát âm

Trẻ dưới 3 tuổi vẫn có thể có cách phát âm khác người lớn, nhất là với các phụ âm khó hoặc thanh điệu.

Khi lên 3, trẻ sẽ nói thành thạo và rõ ràng hơn, đến mức người lạ cũng có thể hiểu được khoảng 3/4 những gì trẻ nói.

Giao tiếp

Trẻ 2-3 tuổi sẽ: 

  • Bắt đầu biết đợi đến lượt mình khi trò chuyện, có thể trò chuyện qua lại với bố mẹ nhưng cuộc hội thoại sẽ ngắn thôi.
  • Biết kể về những gì xảy ra trong ngày. Với sự hỗ trợ từ bố mẹ, trẻ sẽ có thể kết nối các sự kiện với nhau để tạo thành một câu chuyện đơn giản. Ví dụ khi trẻ nói: “Con đi cửa hàng”, mà bố mẹ hỏi: “Con làm gì ở cửa hàng?”, trẻ sẽ đáp: “Mua búp bê”. Ngoài ra, trẻ cũng có thể kể câu chuyện đơn giản do mình tự sáng tạo ra dựa trên những trải nghiệm thực tế, mặc dù trẻ sẽ bỏ sót khá nhiều chi tiết.
  • Nói về người, sự vật không hiện hữu trước mặt, ví dụ như: “Bà đi chợ” hay “Quả bóng trên cây”.
  • Bắt chước cách nói chuyện của người lớn. 

    hai bé trai ngồi chơi đồ chơi, phát triển ngôn ngữ
    Trẻ sẽ biết bắt chước cách nói chuyện của người lớn. 

Thể hiện sự phát triển ngôn ngữ trong những lúc vui chơi

Trẻ 3 tuổi thường biết kết hợp việc trò chuyện với chơi đùa, như nói chuyện với đồ chơi chẳng hạn. Trẻ cũng bắt đầu chơi theo nhóm với các bạn khác, biết chia sẻ và chơi theo lượt.

Ngoài ra, trẻ sẽ biết hát, đọc các bài có vần điệu và nghe kể chuyện. Trẻ có thể nói rất to hoặc rất nhỏ khi trò chuyện.

mẹ bế con gái, phát triển ngôn ngữ
Trẻ có thể nói rất to hoặc rất nhỏ khi trò chuyện.

Dù sao, những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, bởi trẻ em phát triển ở những tốc độ khác nhau. Nếu bố mẹ thấy có bất kỳ vấn đề gì trong quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ, hãy hỏi ý kiến bác sĩ ngay nhé!

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận