Phát triển ngôn ngữ ở trẻ 1-2 tuổi: Những cột mốc quan trọng

Giao tiếp & Ngôn ngữ - 19/11/2019

Ở giai đoạn 1-2 tuổi, trẻ có thể hiểu được nhiều điều bố mẹ nói và cũng bắt đầu nói được những điều đơn giản.

Trẻ 1-2 tuổi sẽ học cách sử dụng và hiểu được nhiều từ ngữ. Thường thì trẻ hiểu những danh từ và động từ cơ bản trước, như “mẹ”, “ăn”, “chơi”, “chó”, “mèo”... Sau đó, trẻ dần hiểu các tính từ như xanh, đỏ, to, nhỏ... Dưới đây là những cột mốc trong quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ ở giai đoạn 1-2 tuổi:

Khả năng hiểu ngôn ngữ

Khi được khoảng 1 tuổi, trẻ sẽ biết tên gọi của những thứ xung quanh mình, như các đồ vật quen thuộc (cốc, búp bê...), các bộ phận trên cơ thể (bụng, chân...), trang phục (tất, mũ...). Tuy vậy, có thể trẻ sẽ dùng một từ thay cho nhiều từ khác, ví dụ như gọi tất cả động vật là “chó”.

bé trai chơi đồ chơi, phát triển ngôn ngữ
Trẻ 1-2 tuổi phát triển ngôn ngữ rất nhanh chóng.

Khi được 15 tháng tuổi, trẻ biết chỉ vào những vật ở xa và hỏi bố mẹ đó là gì.

Khi được khoảng 18 tháng tuổi, trẻ biết tên mình, và vài tháng sau đó sẽ hiểu và dùng từ “con” để nói về mình. Đây cũng là lúc trẻ bắt đầu nhận ra mình là một người riêng biệt với những suy nghĩ riêng.

Trong giai đoạn 1-2 tuổi, trẻ cũng sẽ hiểu vài cụm từ quen thuộc (như: “Ôm bố/mẹ một cái nào”), những chỉ dẫn ngắn (như: “Con dừng lại ngay!”), và những lời giải thích rất đơn giản.

Ngoài ra, trẻ cũng sẽ biết phân biệt các bộ phận khác nhau trên cơ thể và biết chỉ vào đồ vật khi bố mẹ hỏi, ví dụ: “Ô tô đâu?”.

Khả năng sử dụng câu từ

Trẻ khoảng 1 tuổi sẽ bắt đầu dùng từ ngữ để giao tiếp với bố mẹ. Những lời bi bô của trẻ dần chuyển thành những từ rõ ràng và có nghĩa hơn. Lúc này, nhiều trẻ sẽ rất thích nói đi nói lại một từ mà mình biết.

bé gái chơi đồ chơi cùng bố, phát triển ngôn ngữ
Trẻ khoảng 1 tuổi sẽ bắt đầu dùng từ ngữ để giao tiếp với bố mẹ.

Lúc gần 2 tuổi, trẻ biết nói hai từ đơn giản liền nhau, như: “con ăn” hay “mẹ chơi”. Trẻ cũng biết được vài từ mô tả như “to”, “nắng”, “xanh”... 

Cách phát âm

Trẻ hơn 1 tuổi thường phát âm sai hoặc nói ngọng nhiều. ví dụ: “chó” được nói thành “tó”. Vì vậy, bố mẹ có thể sẽ hơi “vất vả” khi muốn hiểu lời của trẻ. Tuy nhiên, khi lên 2 tuổi, trẻ sẽ nói thành thạo hơn, và kể cả người ngoài cũng có thể hiểu được khoảng một nửa những điều trẻ nói.

bé gái ngồi trên thảm cỏ cùng con cừu, phát triển ngôn ngữ
Trẻ hơn 1 tuổi thường phát âm sai hoặc nói ngọng nhiều.

Khả năng giao tiếp 

Ở giai đoạn này, trẻ sẽ:

  • Chỉ tay vào đồ vật hoặc nói: “Gì” (Đó là cái gì?) để bố mẹ chú ý đến thứ gì đó. Ngoài ra, trẻ cũng biết rằng nếu bố mẹ chỉ tay và nói: “Con nhìn kìa”, thì tức là bố mẹ muốn cho trẻ xem thứ gì đó.
  • Trả lời được những câu hỏi đơn giản và hiểu các âm điệu khác nhau mà bố mẹ sử dụng khi hỏi hoặc khi nói bình thường. Trẻ cũng hiểu khi bố mẹ nói “không”.
  • Cố làm cho bố mẹ hiểu mình hơn bằng cách kết hợp từ ngữ, cử chỉ, âm thanh và thay đổi ngữ điệu.
  • Thích bắt chước hành động của người khác và biết rằng mình sẽ được chú ý khi “thể hiện” bản thân một chút.

bố bế bé trai trong vườn, phát triển ngôn ngữ
Trẻ thích bắt chước hành động của người khác.

Dù sao, trẻ em cũng có tốc độ phát triển ngôn ngữ rất khác nhau. Có những trẻ tập nói hơi muộn, nhưng sẽ “bắt kịp” các bạn trong vài năm sau. Vì vậy, thông tin trong bài viết chỉ mang tính tham khảo. Còn bố mẹ mới là người hiểu con mình rõ nhất. Nên nếu bố mẹ lo ngại về bất kỳ điều gì trong quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ, hãy hỏi ý kiến bác sĩ nhé.

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận