Trẻ chậm nói: Bố mẹ cần biết gì về chứng chậm nói hay chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ?
Giao tiếp & Ngôn ngữ - 28/12/2019
Bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu về chứng chậm nói và chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ, để biết rằng tình trạng nào mới là đáng lo nhé!
Khả năng nói là cách diễn đạt ngôn ngữ bằng lời, bao gồm cả việc phát âm rõ ràng. Còn ngôn ngữ là sự trao và nhận thông tin, là sự thấu hiểu và được thấu hiểu thông qua giao tiếp, bao gồm viết, nói và giao tiếp phi ngôn ngữ. Chứng chậm nói hay chậm phát triển ngôn ngữ đều gây nhiều khó khăn cho cuộc sống của trẻ. Vậy bố mẹ hãy cùng ODP tìm hiểu thêm những thông tin về trẻ chậm nói cũng như cách giúp trẻ cải thiện các kỹ năng ngôn ngữ nhé!
Trẻ chậm nói hay chậm phát triển ngôn ngữ là như thế nào?
Chứng chậm nói và chậm phát triển ngôn ngữ thường thì giống như hai vòng tròn chồng lên nhau, nhưng cũng có khác nhau một chút. Ví dụ, trẻ chậm phát triển ngôn ngữ có thể nói được rõ nhưng lại chỉ có thể ghép 2 từ lại với nhau. Còn trẻ em chậm nói có thể biết dùng từ và các cụm từ để thể hiện ý kiến của mình nhưng người khác khó hiểu được trẻ.
Dấu hiệu trẻ chậm nói hay chậm phát triển ngôn ngữ
Nếu trẻ không có phản ứng với âm thanh hoặc không tạo ra âm thanh nào cả thì bố mẹ nên đưa trẻ tới gặp bác sĩ ngay. Tuy nhiên, thường thì bố mẹ sẽ khó nhận ra rằng liệu trẻ chỉ biết nói muộn hơn các bạn khác một chút, hay là thực sự có vấn đề gì. Dấu hiệu trẻ chậm nói cũng không phải là quá khó để nhận ra, bố mẹ cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ ngay nếu trẻ:
- Được 12 tháng tuổi và không biết làm những cử chỉ như chỉ ngón tay hay vẫy chào.
- Được 18 tháng tuổi mà thích dùng cử chỉ hơn lời nói khi giao tiếp, gặp khó khăn trong việc bắt chước âm thanh hoặc hiểu những yêu cầu đơn giản bằng lời nói.
- Được 2 tuổi và chỉ có thể bắt chước chứ không tự nói ra những lời của mình. Hoặc trẻ chỉ biết nói đi nói lại một vài từ, không thể làm theo những chỉ dẫn đơn giản, có giọng nói khác thường (giọng mũi, giọng rè rè...).
Ngoài ra, bố mẹ cũng nên hỏi bác sĩ nếu:
- Bố mẹ và người nhà không thể hiểu được khoảng 50% những gì trẻ nói khi trẻ được 2 tuổi và 75% những gì trẻ nói khi trẻ lên 3 tuổi.
- Mọi người đều không thể hiểu phần lớn những gì trẻ nói khi trẻ đã 4 tuổi.
Tại sao trẻ chậm nói?
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau khiến trẻ bị chậm nói như:
- Có khiếm khuyết ở miệng, ví dụ như có vấn đề về lưỡi hoặc vòm miệng.
- Thắng lưỡi bị ngắn (làm cản trở chuyển động của lưỡi).
- Có vấn đề ở các vùng não phụ trách ngôn ngữ, khiến lưỡi, môi và hàm khó phối hợp để tạo ra âm thanh, thậm chí gây khó ăn.
- Có vấn đề về thính giác, khiến trẻ gặp khó khăn trong việc nói, hiểu, bắt chước và sử dụng ngôn ngữ.
- Viêm tai giữa, nhất là viêm mãn tính. Bệnh này có thể ảnh hưởng đến thính giác của trẻ. Tuy nhiên, chỉ cần một bên tai trẻ nghe được bình thường, thì các kỹ năng ngôn ngữ của trẻ vẫn sẽ phát triển bình thường.
>>> Bố mẹ nên tìm hiểu thêm:
- Thiết bị điện tử có thể khiến trẻ bị chậm nói
- Phthalate: Hóa chất có mặt ở khắp nơi lại có thể khiến trẻ chậm nói?
Chứng chậm nói được chẩn đoán ra sao?
Bác sĩ trị liệu ngôn ngữ sẽ kiểm tra các kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp của trẻ để so sánh với các cột mốc phát triển ngôn ngữ theo độ tuổi. Ngoài ra, các bác sĩ cũng sẽ kiểm tra:
- Khả năng hiểu của trẻ (ngôn ngữ tiếp nhận).
- Khả năng nói của trẻ (ngôn ngữ diễn đạt).
- Độ rõ ràng của lời nói.
- Cách vận động của cơ miệng (cách trẻ phối hợp môi, lưỡi, vòm miệng… để tạo ra âm thanh và để ăn, nuốt).
Bố mẹ có thể hỗ trợ trẻ ra sao?
Các bậc bố mẹ thường lo lắng và băn khoăn: “Trẻ chậm nói phải làm sao?” hay thậm chí "Trẻ chậm nói có kém thông minh không?" khi thấy con mình có dấu hiệu chậm nói. Bố mẹ hãy tham khảo một vài cách đơn giản dưới đây để dạy trẻ chậm nói tại nhà nhé:
- Giao tiếp: Trò chuyện và hát với trẻ thật nhiều, khuyến khích trẻ bắt chước các âm thanh, cử chỉ khác nhau.
- Đọc sách cho trẻ: Bố mẹ nên đọc sách cho trẻ càng sớm càng tốt và hãy chọn những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi của trẻ.
- Tận dụng mọi tình huống trong cuộc sống để giúp trẻ phát triển ngôn ngữ: Bố mẹ nên cố gắng nói chuyện với trẻ bất kỳ khi nào có thể. Hãy kể tên các loại đồ ăn ở siêu thị, giải thích cho trẻ về món ăn mình đang nấu, hoặc chỉ và kể tên các đồ vật trong nhà. Bố mẹ nên nói một cách đơn giản, nhưng hãy tránh dùng giọng ngọng nghịu như khi nựng trẻ sơ sinh.
Như vậy, việc sớm phát hiện trẻ chậm nói là rất quan trọng để bố mẹ có thể hỗ trợ trẻ kịp thời, giúp trẻ cải thiện các kỹ năng ngôn ngữ. Bố mẹ hãy liên hệ với bác sĩ ngay nếu có bất kỳ lo ngại nào về quá trình phát triển ngôn ngữ và giao tiếp của trẻ nhé!
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận