Đọc sách và kể chuyện cho trẻ nhỏ: Vô cùng cần thiết!
Giao tiếp & Ngôn ngữ - 12/11/2019
Việc bố mẹ đọc sách, kể chuyện và hát cho trẻ nghe mỗi ngày đem lại rất nhiều lợi ích cho sự phát triển ngôn ngữ và khả năng đọc viết của trẻ.
Nhiều bố mẹ thường nghĩ trẻ chưa biết đọc, chưa nói thành thạo và chưa hiểu được nhiều điều thì không cần đọc gì cho trẻ nghe cả. Tuy nhiên, việc đọc sách, kể chuyện và hát không chỉ tốt cho sự phát triển ngôn ngữ và kỹ năng đọc viết của trẻ, mà còn là những hoạt động đem lại nhiều niềm vui cho cả bố mẹ và trẻ đấy!
Đọc sách, kể chuyện và hát cho trẻ nghe có lợi ích gì?
Việc bố mẹ thường xuyên đọc sách, kể chuyện và hát cho trẻ nghe sẽ:
- Tạo điều kiện cho trẻ được tiếp xúc với nhiều âm thanh, từ ngữ mới.
- Giúp trẻ biết coi trọng sách vở và những câu chuyện.
- Thúc đẩy trí tưởng tượng và kích thích tính tò mò của trẻ.
- Giúp phát triển trí não, các kỹ năng xã hội và khả năng giao tiếp của trẻ.
- Giúp trẻ nhận thức được sự khác biệt giữa đời thực và những câu chuyện hư cấu.
- Giúp trẻ hiểu hơn về những thay đổi, những sự kiện mới lạ và các cảm xúc có thể đi kèm những sự kiện đó.
Những lưu ý trong việc đọc sách cho trẻ nghe
Đọc sách không nhất thiết phải đọc y như trong sách. Bố mẹ chỉ cần cầm sách để trẻ biết cách cầm và lật trang sách, rồi bố mẹ có thể kể chuyện theo ý mình cũng được.
Bố mẹ nên đọc cho trẻ nghe càng sớm càng tốt. Trẻ sẽ rất thích thú việc được bố mẹ ôm, được nghe giọng bố mẹ và được nhìn tranh ảnh.
Có thể đọc sách ngoại ngữ cho trẻ hay không?
Câu trả lời là có.
Bố mẹ có thể đọc, hát và kể chuyện cho trẻ bằng bất kỳ ngôn ngữ nào mà bố mẹ thích. Dù là bố mẹ dùng tiếng nước ngoài thì trẻ vẫn sẽ nhận thức được rằng, từ ngữ được tạo nên từ nhiều chữ cái và âm thanh khác nhau, và có mối liên kết với hình ảnh trên trang giấy.
Ngoài ra, việc được tiếp xúc với ngoại ngữ từ sớm cũng tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ khi đi học sau này. Thậm chí, bố mẹ có thể cho trẻ nghe sách nói bằng tiếng nước ngoài, rồi sau đó kể lại câu chuyện bằng tiếng mẹ đẻ cũng được.
Nguồn tham khảo: Raising Children
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận