Phthalate: Hóa chất có mặt ở khắp nơi lại có thể khiến trẻ chậm nói?

Giao tiếp & Ngôn ngữ - 26/12/2019

Một hóa chất được cho là có thể khiến trẻ chậm nói hóa ra lại có mặt trong những đồ dùng phổ biến của mọi hộ gia đình, như chất tẩy rửa, dầu gội đầu… Hóa chất đó chính là phthalate.

Phthalate là một loại hóa chất được sử dụng rộng rãi trong quá trình sản xuất nhựa. Có một nghiên cứu cho thấy rằng, khi người mẹ mang thai tiếp xúc nhiều với hóa chất này thì sự phát triển của thai nhi sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Nguy cơ sau này trẻ mắc chứng chậm nói cũng có thể sẽ tăng đến 30%.

bà nói chuyện với bé, Phthalate 1
Phthalate có thể gây ảnh hưởng tới sự phát triển ngôn ngữ của trẻ.

Để tìm hiểu vấn đề này, các nhà nghiên cứu ở Mỹ và Thụy Điển đã lấy mẫu nước tiểu của hơn 1.000 phụ nữ mang thai từ cả hai quốc gia. Sau khi những phụ nữ đó sinh con, các nhà nghiên cứu lại thu thập thông tin về sự phát triển ngôn ngữ của những đứa trẻ được sinh ra. 

Các nhà nghiên cứu cho rằng, trẻ chỉ hiểu được dưới 50 từ khi đã 30-37 tháng tuổi thì bị coi là chậm nói. Dựa trên nhận định đó, họ thấy con của những người mẹ có hàm lượng dibutyl phthalate (DBP) và butyl benzyl phthalate (BBP) cao trong nước tiểu thì có nguy cơ bị chậm nói cao hơn so với những trẻ khác.

Phthalate có mặt ở những đâu?

Phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ rất dễ tiếp xúc với phthalate, vì hóa chất này có mặt ở rất nhiều nơi, nhất là: 

  • Bụi trong không khí.
  • Thảm trải sàn, đồ nội thất (những nơi trẻ thường chơi đùa).
  • Đồ dùng bằng nhựa, bao bì thực phẩm, đồ chơi...
  • Các sản phẩm chăm sóc cơ thể, như sơn móng tay, dầu gội, nước hoa… 

đồ chơi ô tô, Phthalate 2
Phthalate xuất hiện ở khắp mọi nơi, ngay cả ở đồ chơi của trẻ.

Những nguy cơ của việc tiếp xúc với phthalate

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, người mẹ tiếp xúc nhiều với phthalate khi mang thai có thể khiến con gặp những nguy cơ sau: 

  • Chỉ số IQ giảm, hành vi bị thay đổi. 
  • Béo phì, quá trình trao đổi chất bị ảnh hưởng, tăng nguy cơ bị những vấn đề như cholesterol cao hoặc kháng insulin. 
  • Tăng nguy cơ có tinh hoàn ẩn (có thể gây vô sinh hoặc ung thư tinh hoàn).
  • Dễ bị dị ứng (như dị ứng thức ăn), chàm hoặc hen suyễn.

Làm sao để giảm tiếp xúc với phthalate?

Bố mẹ hãy tham khảo những cách dưới đây để hạn chế tối đa việc bản thân mình và trẻ tiếp xúc với phthalate nhé:

  • Thường xuyên hút bụi, lau sàn, giặt thảm.
  • Hạn chế cho trẻ ăn thực phẩm chế biến sẵn, đặc biệt là những thực phẩm siêu chế biến như xúc xích, bánh kẹo...
  • Xem kỹ thành phần của những sản phẩm chăm sóc cơ thể dùng cho trẻ em, để đảm bảo rằng chúng không chứa phthalate.

lau sàn nhà, Phthalate 3
Bố mẹ nên thường xuyên hút bụi, lau sàn, giặt thảm.

Dù chưa thể có kết luận hoàn toàn chắc chắn và đầy đủ về những tác hại cụ thể của phthalate đối với sức khỏe, nhưng vì cơ thể trẻ nhỏ rất nhạy cảm, nên bố mẹ của ODPHUB hãy cố gắng hạn chế để trẻ tiếp xúc với hóa chất này nhé!

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận