Giao tiếp phi ngôn ngữ với trẻ: Cách dùng ngôn ngữ cơ thể và tông giọng

Giao tiếp & Ngôn ngữ - 01/11/2019

Ngoài những lời nói với trẻ, bố mẹ nên chú ý đến cả việc giao tiếp phi ngôn ngữ nữa, để truyền tải được những thông điệp đúng đắn nhất tới con mình.

Giao tiếp không phải chỉ có lời nói, mà còn bao gồm cả ngôn ngữ cơ thể, biểu cảm khuôn mặt, ánh mắt, tông giọng và khoảng cách giữa những người giao tiếp với nhau, hay còn gọi là giao tiếp phi ngôn ngữ.

Tầm quan trọng của giao tiếp phi ngôn ngữ

Giao tiếp phi ngôn ngữ tích cực có thể cải thiện mối quan hệ giữa bố mẹ và trẻ, gắn kết cảm xúc giữa các thành viên trong gia đình. Ví dụ, khi bố mẹ ôm và âu yếm trẻ, hành động này đã truyền tải thông điệp tới trẻ rằng bố mẹ muốn ở bên con.

Tuy vậy, với giao tiếp phi ngôn ngữ tiêu cực, ví dụ như bố mẹ dùng giọng cáu bẳn hoặc cau mày khi chơi với trẻ, trẻ sẽ cảm thấy rằng bố mẹ không thích chơi với mình. Nếu bố mẹ thường xuyên thể hiện như vậy thì trẻ có thể cảm thấy mình bị ghét bỏ. 

Vậy tức là, giao tiếp phi ngôn ngữ giúp củng cố những thông điệp bằng lời của bố mẹ chuyển tới trẻ.

mẹ tóc nâu dài mặc áo trắng cười với bé tóc vàng buộc 2 bên mặc áo hồng chơi đồ chơi nhiều màu sắc bên bàn gỗ
Giao tiếp phi ngôn ngữ giúp củng cố những thông điệp bằng lời của bố mẹ chuyển tới trẻ.

Ngoài ra, cách giao tiếp phi ngôn ngữ của bố mẹ cũng dạy trẻ cách xây dựng mối quan hệ tốt với những người xung quanh. Ví dụ, khi bố mẹ có những cử chỉ âu yếm và quan tâm tới trẻ, thì trẻ sẽ học được cách thể hiện tình yêu thương với người khác.

Dùng ngôn ngữ cơ thể và tông giọng để giao tiếp với trẻ tốt hơn

Thông qua ngôn ngữ cơ thể và tông giọng, bố mẹ có thể truyền những thông điệp tích cực và nhấn mạnh những gì mình muốn nói với trẻ. Bố mẹ có thể áp dụng một vài cách sau:

  • Chạm vào tay trẻ để thể hiện rằng bố mẹ quan tâm tới những gì con đang nói hoặc làm.
  • Hướng mặt về phía trẻ, nhìn vào mắt trẻ, cho trẻ thấy rằng bố mẹ đang hoàn toàn chú ý tới con, và coi những điều con nói là rất quan trọng.
  • Ngồi hoặc khom người xuống ngang với tầm của trẻ, cho thấy bố mẹ muốn gần gũi trẻ hơn và trẻ cũng sẽ cảm thấy an toàn hơn. Bằng cách này, bố mẹ cũng dễ nhìn vào mắt trẻ hơn.

bố mặc áo xám ngồi xuống nói chuyện mặt nghiêm nghị với con trai mặc áo bò, giao tiếp phi ngôn ngữ
Bố mẹ hãy ngồi hoặc khom người xuống ngang với tầm của trẻ.

  • Bắt chước biểu cảm khuôn mặt và tông giọng của trẻ, thể hiện rằng bố mẹ đang cố hiểu cảm giác của con. Ví dụ, khi trẻ cười, bố mẹ hãy cười lại với con.
  • Dùng tông giọng nhẹ nhàng, cử chỉ và biểu cảm vui tươi, thoải mái khi trò chuyện với trẻ, để trẻ thấy bố mẹ luôn sẵn sàng lắng nghe. Hơn nữa, việc này cũng giúp trẻ dễ dàng nhận ra sự khác biệt vào những lúc bố mẹ không hài lòng với hành động của trẻ.
  • Ôm ấp, âu yếm trẻ thật nhiều.

Ngoài ra, bố mẹ có thể tham khảo thêm một số cách để cải thiện giao tiếp phi ngôn ngữ với trẻ nhỏ qua bài viết 5 cách giúp trẻ cải thiện kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ.

Trường hợp trẻ có nhu cầu đặc biệt

Những trẻ mắc bệnh tự kỷ hoặc có những nhu cầu đặc biệt khác thì  có thể gặp khó khăn trong giao tiếp, bao gồm cả giao tiếp phi ngôn ngữ. Ví dụ, trẻ tự kỷ thường phải được dạy về cách giao tiếp qua ánh mắt. Bố mẹ có thể dạy trẻ bằng cách cầm những đồ vật mà trẻ thích ngay trước mắt bố mẹ, cứ làm vậy nhiều lần, cho đến khi trẻ tự động ngước lên nhìn bố mẹ khi muốn điều gì đó.

bé trai mặc áo đỏ tóc nâu cười, ngồi bên bàn đồ chơi nhiều màu sắc hình khối, giao tiếp phi ngôn ngữ
Với những trẻ có nhu cầu đặc biệt, bố mẹ cũng nên có những cách riêng để hướng dẫn con.

Ngoài ra, những trẻ quá nhạy bén về cảm giác (một kiểu rối loạn có thể gặp ở những trẻ tự kỷ) sẽ không thích tiếp xúc cơ thể (ôm, hôn…). Trong trường hợp này, bố mẹ nên sử dụng các loại biểu cảm, cử chỉ khác, như vỗ tay, nháy mắt hoặc đưa ngón cái lên thể hiện sự đồng tình.

Nguồn tham khảo: Raising Children

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận