Những dấu hiệu nhận biết trẻ mắc chứng chậm nói
Giao tiếp & Ngôn ngữ - 17/09/2019
Mỗi trẻ có tốc độ phát triển khác nhau, nên việc liên tục so sánh con với những trẻ cùng tuổi khác cũng không giúp bố mẹ có đánh giá chính xác. Thay vào đó, bố mẹ có thể tham khảo những dấu hiệu dưới đây để nhận định con mình có mắc chứng chậm nói không.
Nếu trẻ có những dấu hiệu dưới đây, bố mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ càng sớm càng tốt, vì đó có thể là biểu hiện của chứng chậm nói, hoặc một vấn đề gì đó khác ảnh hưởng đến khả năng ngôn ngữ của trẻ:
Với trẻ 1 tuổi
Trẻ không cố gắng giao tiếp với bố mẹ bằng âm thanh, cử chỉ và/hoặc lời nói, nhất là khi cần giúp hay muốn gì đó.
Với trẻ 2 tuổi
Trẻ không làm được những việc sau:
- Nói được khoảng 50 từ.
- Biết kết hợp ít nhất là hai từ, ví dụ như: “mẹ bế” hay “mẹ ăn”.
- Tự nói (chứ không phải chỉ bắt chước lại những từ người khác nói).
- Hiểu những chỉ dẫn, câu hỏi đơn giản, ví dụ như: “Con muốn uống nước không?” hay “Bố đâu rồi?”.
Khi lên 2 tuổi, cứ 1 trong 5 trẻ lại có biểu hiện chậm nói, có thể được coi là “trẻ biết nói muộn”. Nhưng phần lớn những trẻ này về sau đều vẫn sẽ theo kịp tốc độ phát triển bình thường.
Với trẻ 3 tuổi
Trẻ có những biểu hiện sau:
- Không biết kết hợp từ để tạo thành cụm từ hay câu dài, ví dụ như: “Mẹ giúp con” hoặc “Con muốn uống nữa”.
- Không hiểu những chỉ dẫn hay câu hỏi dài, như: “Lấy giày bỏ vào hộp đi con” hoặc “Trưa nay con muốn ăn gì?”.
- Ít hoặc không có hứng thú với sách.
- Không biết đặt câu hỏi.
Với trẻ trên 4 tuổi
Ở độ tuổi mẫu giáo, một số trẻ vẫn gặp khó khăn về ngôn ngữ. Nếu không phải là do các bệnh như khiếm thính hay tự kỷ, thì rất có thể trẻ đã bị rối loạn phát triển ngôn ngữ, với những biểu hiện sau:
- Gặp khó khăn khi học từ mới và trò chuyện với người khác.
- Chỉ nói được những câu ngắn, đơn giản và thường xuyên lược bỏ những từ quan trọng trong câu.
- Chỉ phản ứng lại với một phần của chỉ dẫn bao gồm nhiều bước.
- Gặp khó khăn trong việc tìm từ đúng để nói về thời điểm của sự việc, hoặc để mô tả.
- Có thể không hiểu ý nghĩa của từ, câu, thậm chí cả câu chuyện.
Ở bất kỳ lứa tuổi nào:
Nếu trẻ gặp những vấn đề ảnh hưởng đến khả năng ngôn ngữ, như suy giảm thính giác, chậm phát triển…, hoặc bỗng nhiên ngừng làm những việc mà trẻ vẫn biết làm, ví dụ đã biết nói nhưng bỗng nhiên ngừng nói, thì dù trẻ ở lứa tuổi nào, bố mẹ cũng cần hỏi ý kiến bác sĩ càng sớm càng tốt.
Nguồn tham khảo: Raising Children
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận