Trẻ 2 tuổi chưa biết nói: Nguyên nhân và cách giúp trẻ hoạt ngôn hơn
Giao tiếp & Ngôn ngữ - 10/04/2020
Trẻ 2 tuổi chưa biết nói có sao không? Làm sao để giúp con tập nói? Bố mẹ cần làm gì? Hãy cùng ODPHUB tìm hiểu qua bài viết sau nhé!
Trong quá trình nuôi dạy con, hẳn bố mẹ nào cũng mong chờ thời khắc con bi bô nói những tiếng đầu tiên trong cuộc đời. Tuy nhiên, khi trẻ lên 2 tuổi mà vẫn chưa biết nói, bố mẹ sẽ cảm thấy rất lo lắng. Vậy liệu có phải con bị chậm nói hay không? Trong hoàn cảnh trẻ 2 tuổi chưa biết nói, bố mẹ nên làm những gì để hỗ trợ cho quá trình tập nói của con?
Thế nào là trẻ chậm nói?
Trước hết, bố mẹ cần hiểu rõ hai khái niệm “hiểu” và “diễn đạt”:
- “Hiểu” là khi trẻ có thể hiểu những gì mà bố mẹ nói. Chẳng hạn, khi bố mẹ nói: “Con cởi giày rồi cất vào tủ nhé” mà không cần chỉ tận tay cách làm, trẻ có thể thực hiện những việc đó.
- “Diễn đạt” là cách trẻ sử dụng từ ngữ để nói và giao tiếp với người khác. Không quan trọng trẻ phát âm ra sao, điều quan trọng là con sử dụng từ ngữ như thế nào, có truyền tải được những điều mình mong muốn hay không.
Trẻ được coi là chậm nói khi ở giai đoạn 18 đến 35 tháng tuổi, trẻ có thể hiểu những điều mà người lớn nói nhưng lại có vốn từ vựng hạn chế nên không diễn đạt được hết suy nghĩ của mình khi giao tiếp. Trong khoảng thời gian từ 18 đến 20 tháng, trẻ nên nói được ít nhất 10 từ, dần dần, khi được 2 tuổi, trẻ sẽ nói được khoảng 50 từ.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn tới tình trạng trẻ chậm nói, ví dụ như trong gia đình có người từng bị chậm phát triển ngôn ngữ, do các khiếm khuyết về thể chất như:
- Thắng lưỡi bị ngắn (gây cản trở trong quá trình lưỡi chuyển động) hoặc có vấn đề về lưỡi hay vòm miệng.
- Các vùng não phụ trách ngôn ngữ gặp vấn đề khiến cho môi, lưỡi và hàm khó phối hợp với nhau để tạo ra âm thanh.
- Có vấn đề về thính giác. Việc này gây khó khăn cho trẻ trong quá trình hiểu, nói, bắt chước và sử dụng ngôn ngữ.
- Mắc chứng viêm tai giữa, đặc biệt là viêm mãn tính. Chứng bệnh này gây ra những tác động liên quan đến khả năng nghe của trẻ. Tuy nhiên, chỉ cần một bên tai của trẻ có thể hoạt động bình thường thì các kỹ năng ngôn ngữ của con vẫn có khả năng phát triển như bình thường.
Trẻ 2 tuổi chưa biết nói có sao không?
Thực tế là có khoảng 15% số trẻ em ở giai đoạn 2 tuổi bị chậm phát triển khả năng nói. Tuy nhiên, bố mẹ không nên quá lo lắng khi thấy trẻ 2 tuổi chưa biết nói. Bố mẹ hãy bình tĩnh và tìm hiểu kỹ nguyên nhân khiến trẻ chậm nói, từ đó đưa ra những phương pháp hỗ trợ phù hợp và trong trường hợp cần thiết thì đưa trẻ tới gặp bác sĩ để được chẩn đoán bệnh và chữa trị kịp thời.
Bố mẹ nên làm gì để giúp đỡ trẻ 2 tuổi chưa biết nói?
Bố mẹ có thể tham khảo 4 cách sau đây để hỗ trợ trẻ tập nói và phát triển các kỹ năng ngôn ngữ hiệu quả.
Kiểm tra thính giác của trẻ
Vấn đề về thính giác là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến trẻ 2 tuổi chưa biết nói. Bố mẹ nên đưa trẻ tới khám bác sĩ để đảm bảo rằng con không mắc chứng bệnh gì liên quan đến thính giác.
Thường xuyên tương tác với trẻ hằng ngày
Mỗi ngày, bố mẹ hãy dành ra những khoảng thời gian nhất định để quan sát, theo dõi và tương tác với trẻ. Trong khoảng thời gian này, bố mẹ nên lưu ý quan sát con thật kỹ để biết con hứng thú với điều gì, con thường xuyên nhìn vào đồ vật nào và thích chơi những món đồ chơi nào. Lúc này, bố mẹ hãy gọi tên những thứ đó và trò chuyện với trẻ về những đồ vật đó. Điều này sẽ giúp thúc đẩy khả năng ngôn ngữ của trẻ phát triển tốt hơn.
Bố mẹ cũng nên gọi tên những hành động mà bố mẹ và trẻ đang làm, ví dụ như: “Con đang đi tới ghế sofa này” hoặc “Mẹ đang nấu cháo cho bé ăn nè”. Những hành động này tuy nhỏ nhưng khi bố mẹ kiên trì thực hiện lâu dài thì sẽ có thể đem đến những tác động tích cực tới quá trình học nói của trẻ.
>>> Tham khảo thêm:
Viết nhật ký về việc giao tiếp của trẻ
Trong cuốn nhật ký này, bố mẹ hãy ghi chép lại những thay đổi nhỏ nhất trong cách bé giao tiếp mỗi ngày, ví dụ như quay mặt và xoay đi để nói con không thích điều gì nó hay vừa lắc đầu vừa nói “không”...
Bố mẹ cũng nên ghi lại những điều mà trẻ muốn diễn đạt, hay còn gọi là ý định giao tiếp của trẻ. Ví dụ như khi trẻ giơ tay để bày tỏ ý muốn bố mẹ bế con lên, bố mẹ hãy nói đầy đủ cả câu cho trẻ biết (ví dụ: “Mẹ bế con lên nhé”).
Việc ghi chép này sẽ giúp bố mẹ theo dõi tiến trình phát triển của trẻ một cách dễ dàng hơn. Nếu trẻ phát triển chậm hơn so với những gì bố mẹ dự kiến, hãy xem xét tìm đến những phương pháp khác để hỗ trợ cho trẻ.
Đọc sách và kể chuyện cùng trẻ thường xuyên
Việc bố mẹ đọc sách và kể chuyện cho trẻ có thể đem lại rất nhiều lợi ích. Trong quá trình nghe bố mẹ đọc sách, trẻ có cơ hội được tiếp xúc với nhiều từ vựng mới. Những câu chuyện thú vị cũng sẽ khiến trẻ thích thú hơn và tạo động lực cho trẻ luyện tập trò chuyện thường xuyên hơn.
Mỗi trẻ phát triển với tốc độ khác nhau. Do vậy, khi thấy trẻ 2 tuổi chưa biết nói, thay vì quá lo lắng thì bố mẹ nên bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân và kiên nhẫn trong quá trình hỗ trợ con. ODPHUB hy vọng bài viết trên đã đem đến cho bố mẹ những thông tin hữu ích nhất về quá trình tập nói của trẻ.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận