Trẻ bị người lớn nói xấu, bố mẹ nên phản ứng ra sao?
Cảm xúc & Kết nối xã hội - 28/07/2020
Khi trẻ bị người lớn nói xấu, bố mẹ nên phản ứng lại với những lời bình luận, phê phán đó ra sao? Bố mẹ tham khảo bài viết sau của ODP nhé!
Trong những buổi tụ họp gia đình, bố mẹ có thể gặp phải những tình huống anh em, họ hàng đưa ra những lời bình luận không tốt về trẻ. Những lời nhận xét đó có thể sẽ khiến bố mẹ cảm thấy không thoải mái. Thậm chí nếu trẻ nghe thấy những lời lẽ đó, con sẽ có thể bị tổn thương hoặc học theo và lặp lại những gì không tốt đẹp mà con thấy được. Bởi vì, ngay cả khi trẻ còn rất nhỏ, ở độ tuổi mà người lớn thường nghĩ rằng: “Trẻ con thì biết gì!”, thì trẻ nhỏ vẫn có những suy nghĩ riêng và có lòng tự trọng của chính mình. Vậy trong trường hợp trẻ bị người lớn nói xấu, bố mẹ nên phản ứng ra sao?
Bố mẹ có thể tham khảo những cách xử lý trong những tình huống cụ thể dưới đây:
1. “Thằng bé lười học nhỉ?”
Khi nghe một người họ hàng xa chẳng mấy khi tới thăm nhà nói rằng con mình lười biếng, hẳn nhiều bố mẹ sẽ cảm thấy không thoải mái, thậm chí tức giận. Tuy nhiên lúc này, bố mẹ hãy cố gắng giữ bình tĩnh, hít một hơi thật sâu và tùy vào hoàn cảnh, bố mẹ có thể đáp lại bằng những câu như: “Bé không hẳn là lười học đâu ạ. Cháu nó vẫn thường học thêm bài với chị gia sư để cải thiện. Vì cháu bị chứng khó đọc nên việc học đọc và đánh vần cũng khó khăn hơn so với các bạn khác ạ.”
2. “Đáng lẽ ra tuổi này là phải làm được nhiều hơn rồi đấy!”
Những người hông hiểu rõ về các bệnh lý hay các hội chứng ở trẻ nhỏ có thể sẽ nhận xét những câu như vậy một cách vô thức. Lúc này, bố mẹ có thể nhẹ nhàng và lịch sự trả lời: “Cảm ơn bác vì đã quan tâm, vợ chồng em vẫn đang cố gắng hỗ trợ cho con mỗi ngày để cải thiện chứng khó viết ạ. Mặc dù cháu chưa thể viết rõ ràng như các bạn khác nhưng cả nhà vẫn tự hào về con lắm.”. Sau đó, bố mẹ có thể chuyển sang chủ đề khác nếu muốn tiếp tục trò chuyện với người đó.
3. “Nó chỉ đang cố tạo sự chú ý thôi.”
Trong trường hợp này, bố mẹ có thể giải thích với người đó rằng: “Các cháu khác thì em không biết nhưng với bé nhà em thì khác ạ. Cháu bị rối loạn tăng động giảm chú ý, nên việc cháu chạy quanh khắp nhà hay đôi khi làm phiền người khác không phải là vì muốn được người khác chú ý đâu ạ!”
4. “Sao bé không chịu ngồi yên như mấy anh chị em thế?”
Nếu mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý, trẻ có thể có những hành vi khác với các bạn đồng trang lứa. Tuy nhiên, nhiều họ hàng có thể không biết điều ấy và không hiểu lý do tại sao trẻ lại cư xử như vậy và nhận xét những lời như trên. Lúc này, bố mẹ có thể trả lời rằng: “Thực ra bé không cố ý muốn làm phiền người khác mà chỉ đang cố cựa quạy vì con muốn được di chuyển thôi ạ.”
5. “Cháu phải học cố lên chứ thế này là không được”
Một người họ hàng nào đó có thể trực tiếp nói với trẻ bằng những lời “động viên” kiểu như vậy. Nếu trường hợp này xảy ra, bố mẹ không nên để yên và đợi trẻ phản ứng lại, đặc biệt là với những trẻ nhỏ. Thay vào đó, hãy kéo nhẹ người họ hàng sang một bên và nói với họ đừng nói với trẻ như vậy, vì con vẫn luôn cố gắng hết mình và những lời nhận xét như vậy sẽ không thể giúp ích được gì cho trẻ.
6. “Cháu bị thế này là do bố mẹ không biết dạy!”
Lúc này, bố mẹ có thể bình tĩnh và giải thích rằng tất cả những khiếm khuyết về khả năng học hỏi và tư duy của trẻ đều không phải là do cách dạy con của bố mẹ. Hoặc bố mẹ cũng có thể chọn cách đáp lại họ một cách đơn giản và lịch sự như: “Em chưa bao giờ chỉ trích cách dạy con của anh chị, nên hy vọng anh chị cũng đừng nhận xét gì về cách dạy con của tụi em.”
ODPHUB hy vọng bài viết trên đã chia sẻ cho bố mẹ những cách xử lý phù hợp nhất khi trẻ bị người lớn nói xấu.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận