4 kiểu tín hiệu xã hội trong giao tiếp mà bố mẹ nên dạy trẻ

Cảm xúc & Kết nối xã hội - 21/12/2019

Có nhiều trẻ không giỏi nhận ra các tín hiệu xã hội tinh tế, vì vậy, trẻ rất cần được bố mẹ hướng dẫn để có thể cải thiện kỹ năng giao tiếp của mình.

Tín hiệu xã hội là những tín hiệu giao tiếp được thể hiện qua ngôn ngữ cơ thể và biểu cảm khuôn mặt. Nhờ việc nắm bắt các tín hiệu này, trẻ có thể hiểu được cảm xúc, thái độ của người khác, để điều chỉnh lời nói, hành động của mình. Ví dụ, nếu một người bạn nhìn đi chỗ khác hoặc đảo mắt trong khi nói chuyện, trẻ có thể hiểu rằng bạn không muốn nói chuyện nữa.

Tuy nhiên, những trẻ có vấn đề về kỹ năng xã hội thường không nhận ra các tín hiệu phi ngôn ngữ đó. Điều này khiến trẻ dễ hiểu nhầm người khác hoặc hiểu sai các tình huống. Vậy bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu về 4 kiểu tín hiệu xã hội phổ biến để dạy trẻ, giúp trẻ biết cư xử phù hợp nhé!

Tín hiệu xã hội số 1: Biểu cảm khuôn mặt

Biểu cảm khuôn mặt là tín hiệu xã hội rõ ràng nhất - nó thể hiện cảm xúc của một người, dù người đó có muốn hay không. Chẳng hạn, khi đặt câu hỏi, chúng ta có xu hướng nhướn lông mày, khi vui thì chúng ta dễ cười và khi cáu thì chúng ta dễ nhăn nhó. Và nếu người khác không hiểu được cảm xúc của chúng ta thì chúng ta cũng khó chịu.

Ví dụ, khi một người bạn vừa bị cô giáo mắng và mặt đã nhăn nhó rồi mà trẻ không nhận ra và cứ trêu chọc thì bạn sẽ càng bực hơn, từ đó, tình bạn có thể rạn nứt.

Tre The Hien Cam Xuc Qua Bieu Cam Khuon Mat 2
Tất cả cảm xúc của chúng ta đều thể hiện hết trên khuôn mặt

Tín hiệu xã hội số 2: Ngôn ngữ cơ thể

Cảm xúc quá mạnh có thể sẽ được bộc lộ qua cả cơ thể nữa. Ví dụ, chúng ta rũ vai xuống khi mệt, nhún vai khi không thể trả lời một câu hỏi... Dù có chủ đích hay không thì ngôn ngữ cơ thể cũng là một cách quan trọng để thể hiện cảm xúc và để giao tiếp. Chính vì thế, ai cũng có thể bực mình khi những tín hiệu mà mình phát đi không được đối phương nhận ra.

Tin Hieu Xa Hoi The Hien Qua Ngon Ngu Co The 2
Đôi khi, cảm xúc quá mạnh mẽ sẽ được bộc lộ qua ngôn ngữ cơ thể nữa.

Tín hiệu xã hội số 3: Ngữ điệu

Một số trạng thái cảm xúc cũng được thể hiện qua cao độ của giọng và tốc độ nói của một người. Ví dụ, khi có chuyện gấp cần thông báo, chúng ta thường nói nhanh, bằng giọng gấp gáp. Khi đặt câu hỏi, chúng ta thường lên giọng một chút ở cuối câu. Việc thay đổi tông giọng đôi khi có thể làm thay đổi toàn bộ ý nghĩa của câu nói. Vì vậy, nếu trẻ không nhận ra và hiểu được những điều vốn được thể hiện qua ngữ điệu, thì trẻ có thể hiểu nhầm ý của người khác. Trẻ sẽ không hiểu được lời nói đùa hay cả những lời ác ý. Vì vậy, trẻ rất khó hòa nhập.

Ngu Dieu Giong Noi Cung La Tin Hieu Xa Hoi 2
Ngữ điệu giọng nói có thể biến đổi hoàn toàn ý nghĩa của câu nói.

Tín hiệu xã hội số 4: Không gian riêng tư (ranh giới cá nhân)

Thông thường, khi quý mến ai đó, chúng ta có xu hướng xích lại gần họ khi trò chuyện. Còn khi chúng ta lùi ra xa một, hai bước, tức là chúng ta muốn giữ khoảng cách. Việc đứng quá gần hoặc quá xa người khác đều có thể khiến cho tình huống đó trở nên kỳ cục. Thậm chí, nếu trẻ không biết giữ khoảng cách phù hợp thì còn có thể khiến người khác hiểu nhầm. Ví dụ, trong bữa tiệc sinh nhật của bé Linh, bé Hải Anh lại gần, định ôm bạn để chúc mừng. Tuy nhiên, Linh không hiểu ý bạn nên lại tránh ra, khiến Hải Anh cảm thấy bị tổn thương.

Tin Hieu Xa Hoi Giu Ranh Gioi Ca Nhan 2
Khi yêu mến ai đó, trẻ sẽ dễ dàng cho phép họ tới gần mình hơn.

Các tín hiệu xã hội đóng vai trò vô cùng quan trọng trong giao tiếp. Khi không nhận biết và hiểu được các tín hiệu đó, trẻ sẽ không biết cách cư xử phù hợp. Tuy nhiên, nếu bố mẹ kiên nhẫn hướng dẫn, thì khả năng “đọc” các tín hiệu xã hội của trẻ chắc chắn sẽ được cải thiện nhanh thôi!

>>>Tham khảo thêm: 5 quy tắc xã hội mà bố mẹ nhất định nên dạy trẻ

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận