Diễn biến những cơn cáu giận của trẻ nhỏ

Cảm xúc & Kết nối xã hội - 18/12/2019

Mỗi cơn cáu giận của trẻ có thể được chia làm 7 giai đoạn nhỏ. Khi hiểu được điều này, bố mẹ sẽ dễ dàng xử lý mỗi khi trẻ làm ầm ỹ đấy.

Trẻ nhỏ đôi khi có những cơn cáu giận, khóc lóc rất ầm ỹ, mà lý do không phải lúc nào cũng rõ ràng. Vậy những cơn ăn vạ đó của trẻ diễn biến thế nào? Bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu nhé!

Khởi nguồn

Trẻ nhỏ có thể nổi cơn cáu giận vì những lý do rất nhỏ hoặc có thể vì muốn đòi thứ gì đó.  Chẳng hạn, quả chuối của trẻ bị gãy và trẻ muốn “lắp” nó lại như cũ. Hoặc trẻ đòi một cái ghế nhựa màu đỏ giống ở quán ăn mà ở nhà lại không có. Chỉ cần thế thôi là trẻ nổi giận được ngay. 

Trẻ tức giận và buồn bã

Trước đây, nhiều nhà tâm lý học cho rằng những cơn cáu giận của trẻ có hai giai đoạn riêng biệt là tức giận (la hét) rồi đến buồn bã (khóc thút thít, rên rỉ). Tuy nhiên, theo quan điểm hiện đại thì hai cảm xúc này (tức giận và buồn bã) thường cùng xuất hiện và diễn ra đan xen lẫn nhau.

Con Cau Gian Vi Khong Duoc An Mon Minh Thich 2
Mỗi khi cáu giận trẻ thường khóc lóc, gào thét.

Tình hình tệ hơn khi có người tỏ ra muốn giúp đỡ

Ông, bà, hay chính bản thân bố mẹ có thể cố gắng hỏi han trẻ: “Bố mẹ có thể giúp gì cho con nào?”, “Để ông sửa ô tô cho con nhé!”... Thế nhưng những câu hỏi đó lại chỉ “đổ thêm dầu vào lửa” và dường như khiến cảm xúc của trẻ bị quá tải. Trẻ đang đắm chìm trong cơn giận dữ nên sẽ phản kháng, từ chối sự an ủi và có thể còn làm ầm ỹ hơn nữa.

Hành động gây tổn hại về thể chất

Cấp độ tiếp theo của cơn cáu giận sẽ là những hành động thái quá về mặt thể chất, như đấm đá, cắn, nín thở, lao vào tường, lao người xuống sàn và lăn lộn...

Tre Cau Gian An Va 2
Khi cáu giận, trẻ có thể lăn lộn ra đất hoặc có những hành động gây tổn thương thể chất như đấm đá, đập đầu vào tường...

Cơn cáu giận nhạt dần khi bố mẹ giả vờ không để ý

Các chuyên gia thường khuyên bố mẹ (và những người lớn khác ở xung quanh) giả vờ lờ đi khi trẻ ăn vạ. Và cách này có hiệu quả thật: trẻ sẽ bớt giận dữ khi không được ai chú ý.

Trẻ chủ động tiếp cận bố mẹ

Khi mất kiểm soát, trẻ cũng cảm thấy rất tệ và sau đó sẽ muốn bám lấy bố mẹ. Lúc này, bố mẹ nên ôm, hôn trẻ và nói nhẹ nhàng: “Làm như ban nãy chẳng vui tí nào con nhỉ?”. Điều này nhắc trẻ rằng, chuyện đó đã xảy ra, không hay ho gì nhưng cũng đã kết thúc. Điều quan trọng là bố mẹ đang ở bên trẻ và khiến trẻ thấy an tâm.

Tre Chu Dong Tim Den Me Sau Khi Het Cau Gian 2
Trẻ rất cần cái ôm của bố mẹ sau mỗi lần cáu giận.

Như chưa hề có chuyện không vui

Trẻ thay đổi cảm xúc nhanh hơn người lớn nhiều. Nên trong khi bố mẹ có thể còn chưa bình tĩnh lại thì trẻ đã vui vẻ nói đủ thứ chuyện khác rồi. Điều này cho thấy rằng trẻ rất dễ thay đổi và cũng dễ thích nghi.

>>>Tham khảo thêm: 5 cách để bố mẹ xử lý khi trẻ nổi cơn cáu giận

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận