Bệnh tăng động ở trẻ em - triệu chứng và các cách điều trị
Trí não & Nhận thức - 08/02/2019
Khi hiểu đúng về hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý, bố mẹ sẽ có được hướng can thiệp phù hợp đối với con mình.
Bệnh tăng động ở trẻ em hay rối loạn tăng động giảm chú ý (viết tắt tiếng Anh: ADHD) là một tình trạng rối loạn mà người mắc phải có sự phát triển và hoạt động của não bộ khác với người bình thường, ảnh hưởng đến khả năng tập trung chú ý, khả năng ngồi yên và tự kiểm soát. Hội chứng này sẽ ảnh hưởng đến cả việc học tập, kết bạn và sinh hoạt hằng ngày của trẻ.
Các nhà khoa học cũng chưa chắc chắn rằng điều gì gây ra chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Tuy nhiên, khả năng lớn là bệnh này có tính di truyền. Những vấn đề như trẻ ăn nhiều đường, dùng thiết bị điện tử quá nhiều hay bố mẹ không biết cách chăm sóc đều không phải là nguyên nhân. Tuy nhiên, tình trạng của trẻ có thể cải thiện khi được điều trị đúng cách, ăn uống lành mạnh, ngủ đủ, vận động đều đặn và được hỗ trợ bởi bố mẹ có hiểu biết đúng về bệnh.
Các dấu hiệu trẻ tăng động
Trẻ nhỏ nào cũng khó tập trung, lắng nghe, ngồi yên, đợi đến lượt và làm theo yêu của người lớn. Tuy nhiên, với trẻ tăng động giảm chú ý thì những việc trên càng khó khăn hơn. Những trẻ này có thể có những biểu hiện của một, hai hoặc cả ba nhóm dấu hiệu sau:
- Kém tập trung. Trẻ dễ bị sao lãng, khó tập trung và duy trì làm một việc gì đó. Trẻ cũng thường không lắng nghe kỹ những chỉ dẫn, hay bỏ lỡ những thông tin quan trọng và hay bỏ dở việc. Trẻ thường xuyên lơ đãng, hay quên, không để ý đến mọi việc của bản thân mình.
- Tăng động. Trẻ luôn loay hoay, bồn chồn, không thể ngồi yên và rất nhanh chán. Trẻ cũng không thể giữ yên lặng khi cần thiết. Ngoài ra, trẻ hay vội vàng và mắc lỗi cẩu thả. Trẻ có thể hay leo trèo, nhảy nhót, làm ầm ỹ kể cả vào những lúc không nên làm như thế. Dù không cố ý, nhưng trẻ có thể hành động theo những cách gây phiền nhiễu cho người khác.
- Bốc đồng. Trẻ hành động vội vàng trước khi suy nghĩ. Trẻ thường xuyên ngắt lời, xô đẩy, giằng giật, khó chịu khi phải chờ đợi, làm nhiều việc mà không xin phép, lấy đồ của người khác và thậm chí là có những hành động nguy hiểm. Ngoài ra, trẻ cũng có thể có những cách thể hiện tình cảm thái quá.
Xem thêm: 7 trò chơi trong nhà cho trẻ tăng động giảm chú ý
Những cách điều trị bệnh tăng động ở trẻ em
Nếu có cách điều trị thích hợp, tình trạng của trẻ sẽ được cải thiện đáng kể. Nhìn chung, chứng rối loạn tăng động giảm chú ý có thể được điều trị bằng các cách sau:
- Thuốc: Có một số loại thuốc giúp kích hoạt khả năng tập trung chú ý của não và tăng khả năng kiểm soát bản thân của trẻ.
- Trị liệu bằng hành vi: Các nhà trị liệu có thể giúp trẻ phát triển các kỹ năng xã hội, cảm xúc, lập kế hoạch…, để giảm thiểu tác động của rối loạn tăng động giảm chú ý.
- Tư vấn cho bố mẹ: Bố mẹ có thể tham gia các lớp học để biết những cách xử lý tốt nhất trước những vấn đề về hành vi của trẻ.
- Hỗ trợ từ nhà trường: Giáo viên nên quan tâm đến trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý để trẻ yêu thích trường học và học tốt hơn.
Bố mẹ có thể làm gì để hỗ trợ bệnh tăng động ở trẻ em
Đây là một số cách mà bố mẹ nên thực hiện để hỗ trợ trẻ trong cuộc sống hằng ngày:
- Tham gia vào quá trình điều trị: Bố mẹ nên tìm hiểu thật rõ hội chứng này, cũng như làm theo đầy đủ các hướng dẫn của bác sĩ.
- Cho trẻ uống thuốc đúng theo chỉ định: Luôn cho trẻ uống thuốc đúng liều, đúng giờ, và cất kỹ thuốc.
- Làm việc tích cực với nhà trường: Cho giáo viên biết về tình trạng của trẻ và thường xuyên nói chuyện với giáo viên để có cách dạy trẻ tăng đông giảm chú ý phù hợp nhất
- Dịu dàng quan tâm đến trẻ: Bố mẹ nên tìm hiểu để biết phong cách tiếp cận nào là tốt nhất đối với trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý. Hãy trò chuyện cởi mở với trẻ về căn bệnh này và lắng nghe trẻ, tập trung vào những điểm mạnh và phẩm chất tốt của trẻ.
- Tham gia các tổ chức liên quan đến chứng rối loạn tăng động giảm chú ý: Việc tham gia các tổ chức này sẽ giúp bố mẹ có thêm nhiều thông tin cần thiết.
Với sự quan tâm đúng cách của bố mẹ và việc điều trị phù hợp, tình trạng của trẻ tăng đông giảm chú ý có thể được cải thiện rất nhiều. Mong rằng với bài viết này của ODP, bố mẹ đã hiểu thêm về bệnh tăng động ở trẻ em để từ đó có cách chăm sóc trẻ phù hợp.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận