Hội chứng khó đọc ở trẻ: Bố mẹ nên làm gì để giúp đỡ trẻ?

Giao tiếp & Ngôn ngữ - 14/01/2020

Hội chứng khó đọc ở trẻ là gì? Bố mẹ có thể làm gì để hỗ trợ trẻ khi con mắc chứng khó đọc? Hãy cùng ODPHUB tìm hiểu nhé!

Hội chứng khó đọc ở trẻ khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong việc học hành. Dấu hiệu trẻ mắc chứng khó đọc có thể rất đa dạng, và bố mẹ có thể sẽ thấy bối rối, lo lắng vì không biết nên làm thế nào nếu chẳng may con mình bị mắc hội chứng này. Vậy ODPHUB sẽ gợi ý cho bố mẹ 4 cách đơn giản để hỗ trợ trẻ nhé!

Cho trẻ được đọc sách càng nhiều càng tốt

Mỗi trẻ có tính khí cũng như phong cách học hỏi riêng, nên bố mẹ hãy dựa vào điểm mạnh và điểm yếu của trẻ để tìm ra những phương pháp hỗ trợ trẻ tập đọc hiệu quả nhất. Bố mẹ nên giúp trẻ mắc hội chứng khó đọc rèn luyện kỹ năng đọc sách bằng cách:

  • Cho trẻ nghe sách nói và bảo trẻ đọc theo những gì mà mình vừa nghe được.
  • Cho trẻ có thời gian đọc sách một mình, cả đọc thầm và đọc thành tiếng.
  • Đọc lại nhiều lần cho trẻ nghe những cuốn sách mà trẻ yêu thích. Việc này có thể khiến bố mẹ thấy chán, nhưng nó sẽ giúp trẻ học được rất nhiều. 
  • Cùng trẻ đọc sách và thay phiên nhau đọc thành tiếng. 
  • Trò chuyện với trẻ về những câu chuyện và hỏi trẻ những câu như: “Con đoán xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?”.
  • Cho trẻ tiếp xúc với nhiều loại sách khác nhau, như sách giáo khoa, sách tranh hay truyện tranh. Khi được cùng bố mẹ đọc về những điều mình thích, trẻ sẽ có động lực tập đọc hơn.
  • Làm gương cho trẻ. Bố mẹ nên thường xuyên đọc sách để trẻ thấy rằng việc đọc là rất thú vị.

mẹ đọc sách cùng bé gái, hội chúng khó đọc ở trẻ
Bố mẹ hãy dựa vào điểm mạnh và điểm yếu của trẻ để tìm ra những phương pháp hỗ trợ trẻ tập đọc hiệu quả nhất giúp khắc phục hội chứng khó đọc ở trẻ.

Làm cho việc học đọc của trẻ trở nên vui vẻ

Việc học bao giờ cũng hiệu quả hơn nếu trẻ cảm thấy đây không phải là một “nghĩa vụ”. Bố mẹ hãy giúp trẻ mắc chứng khó đọc thích thú hơn với việc tập đọc bằng cách: 

  • Bịa ra những bài hát, bài thơ, hay thậm chí là các điệu nhảy để giúp trẻ ghi nhớ từ ngữ.
  • Chơi các trò chơi liên quan đến chữ cái, từ ngữ, đặc biệt là những trò liên quan đến vần điệu.

Theo dõi sát sao việc học của trẻ ở trường

  • Trò chuyện với thầy cô và nhà trường để trẻ nhận được sự hỗ trợ phù hợp.
  • Sử dụng các thiết bị điện tử và những ứng dụng trên các thiết bị đó để giúp trẻ. Chẳng hạn, bố mẹ có thể cùng trẻ tra từ điển điện tử, dùng phần mềm kiểm tra chính tả hay dùng ứng dụng đọc thành tiếng những chữ được bấm trên máy...
  • Sắp xếp gọn gàng mọi thứ liên quan đến việc học hành của trẻ. Với những bài tập lớn, bố mẹ hãy giúp trẻ chia thành từng bước nhỏ. Sách vở, đồ dùng cũng nên được để ngăn nắp, có thể đánh dấu các ngăn kéo bằng hình dán màu sắc...

bé ngủ gật trên bàn học, hội chứng khó đọc ở trẻ
Bố mẹ cũng nên quan tâm đến hội chứng khó đọc ở trẻ bằng cách sát sao việc học của trẻ ở trường.

Hỗ trợ trẻ về mặt tinh thần

Bố mẹ nên kiên định, bình tĩnh và tích cực trong quá trình hỗ trợ trẻ mắc chứng khó đọc. Điều quan trọng là bố mẹ nên khích lệ trẻ về mặt tinh thần thật nhiều. Bố mẹ hãy giải thích rằng, hội chứng khó đọc không định nghĩa toàn bộ con người trẻ, mà trẻ thông minh theo những cách khác, có nhiều điểm mạnh và kỹ năng khác. Ngoài ra, bố mẹ nên: 

  • Khen ngợi và thậm chí là ăn mừng khi thấy trẻ làm tốt. 
  • Không đòi hỏi sự hoàn hảo. 
  • Giúp trẻ hiểu hội chứng khó đọc là gì. Trẻ cũng cần biết rằng đó không phải do lỗi của trẻ và bố mẹ sẽ ở bên để hỗ trợ trẻ.
  • Cùng trẻ làm những việc thuộc sở trường của trẻ, giúp trẻ cân bằng tâm lý sau những khó khăn khi tập đọc và học hành. 
  • Nhấn mạnh vào những ưu điểm của trẻ, để trẻ không quá tập trung vào sự vất vả của mình khi đọc và học. 
  • Kể cho trẻ nghe về những người nổi tiếng và tài năng cũng mắc chứng khó đọc, như nhà vật lý học Anh-xtanh.
  • Thường xuyên nói những lời yêu thương với trẻ.

bé gái đọc sách, hội chứng khó đọc ở trẻ
Bố mẹ nên kiên định, bình tĩnh và tích cực trong quá trình hỗ trợ khắc phục hội chứng khó đọc ở trẻ.

Bố mẹ chính là người tạo động lực cho trẻ và tác động đến tâm trạng của trẻ nhiều nhất. Dù hội chứng khó đọc ở trẻ đôi khi có thể khiến bố mẹ nản lòng, nhưng nếu bố mẹ giữ thái độ tích cực thì chắc chắn trẻ cũng vậy, và trẻ sẽ nhanh chóng tiến bộ đấy!

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận