Sự phát triển của trẻ 6 tháng tuổi và những dấu mốc bố mẹ cần lưu ý
Trí não & Nhận thức - 06/04/2020
Ở mỗi giai đoạn phát triển, trẻ sẽ học được nhiều điều mới. Hiểu được sự phát triển của trẻ 6 tháng tuổi sẽ giúp bố mẹ biết cách chăm sóc và nuôi dạy con hiệu quả hơn.
6 tháng tuổi được coi là một mốc phát triển quan trọng đối với trẻ nhỏ. Việc nắm rõ những dấu mốc quan trọng này sẽ giúp bố mẹ có phương pháp chăm sóc trẻ hiệu quả hơn. Dưới đây là những điều bố mẹ nên biết về sự phát triển của trẻ 6 tháng tuổi.
Sự phát triển của trẻ 6 tháng tuổi
Trong giai đoạn 6 tháng tuổi, trẻ sẽ có nhiều thay đổi cả về nhận thức lẫn khả năng vận động. Trẻ không chỉ biết mỉm cười khi nhìn thấy bố mẹ mà còn biết phân biệt đâu là người thân và người lạ. Không những vậy, khả năng lẫy của trẻ lúc này khá là hoàn thiện và vì thế, trẻ càng trở nên năng động hơn. Một số bé trong giai đoạn này thậm chí có thể biết bò
Đây có phải thời gian thích hợp để tìm hiểu tay thuận của trẻ?
Nhiều bố mẹ trong giai đoạn này bắt đầu tìm hiểu xem con mình thuận tay nào. Tuy nhiên, để xác định được tay thuận của trẻ trong giai đoạn này là quá sớm. Lý do là vì ở mỗi một thời điểm trẻ sẽ dùng một tay khác nhau. Thông thường, khi trẻ 2- 3 tuổi, bố mẹ mới có thể xác định được tay thuận của trẻ để luyện tập cho trẻ nếu cần.
Ở giai đoạn 6 tháng tuổi, trẻ có thể điều khiển tay nhanh hơn trước cũng biết cách kéo một vật về phía mình. Khi có thể thành thảo khả năng cầm nắm đồ chơi, trẻ sẽ hào hứng và thường xuyên đổi tay cầm đồ vật. Lúc này, trẻ cũng nhận ra rằng làm rơi đồ xuống đất cũng khá thú vị nên bố mẹ cũng nên chuẩn bị tinh thần nhặt rất nhiều đồ chơi trên sàn đấy nhé.
Khả năng lẫy của trẻ ở giai đoạn 6 tháng
Mặc dù trẻ có thể biết lẫy ở các giai đoạn trước nhưng 6 tháng mới là giai đoạn trẻ hoàn thiện kỹ năng này. Trẻ học được cách lật theo từng hướng và có thể di chuyển khắp nơi trong nhà. Vì trẻ có thể di chuyển được nhiều nơi hơn ở trong nhà, bố mẹ cũng cần quan sát trẻ nhiều hơn đó.
Ví dụ, trong khi thay bỉm cho bé, bố mẹ hãy giữ một tay lên trẻ. Vì trẻ đã di chuyển nhiều hơn rồi, bố mẹ cũng chuẩn bị thêm một chiếc thảm lót để phòng ngừa những trường hợp “bất đắc dĩ” xảy ra nhé. Đặc biệt, bố mẹ không bao giờ được để trẻ một mình ở trên giường hay bất kỳ bề mặt lồi nào khác.
Trong lúc trẻ ngủ, bố mẹ có thể thấy trẻ đã lẫy và nằm sấp từ lúc nào. Tuy nhiên, nếu trẻ thực sự thoải mái với tư thế đó, bố mẹ hãy cứ để trẻ thật thoải mái và bỏ bớt chăn gối của xung quanh con để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Mặc dù nhiều trẻ thích lẫy vào ban đêm nhưng vào ban ngày trẻ lại không thích tư thế nằm sấp. Chính vì thế, bố mẹ nên để trẻ làm quen với với tư thế úp bụng bằng việc khuyến khích những khoảng thời gian cho bé nằm sấp (tummy time) trong ngày. Với những trẻ tự lật được, bố mẹ có thể lắc một món đồ chơi ở phía mà con hay lăn tới. Trong lúc trẻ lật, bố mẹ hãy khen trẻ thật nhiều để khuyến khích trẻ làm nhiều hơn nhé. Trẻ sẽ cảm thấy yên tâm khi được bố mẹ khen ngợi và ủng hộ kỹ năng mới của mình đó.
Sự phát triển của trẻ 6 tháng tuổi trong khả năng giao tiếp
Ở giai đoạn 6 tháng tuổi, khả năng nghe nhìn của trẻ gần như hoàn thiện như người lớn. Trẻ đang lớn dần lên mỗi ngày và vì vậy, trẻ cũng dần học được cách sử dụng những phương tiện ngôn ngữ khác và biết cách sử dụng tiếng khóc để nhận sự phản hồi từ bố mẹ.
Trẻ cũng muốn bố mẹ biết rằng mình đang cố gắng bằng cách vặn vẹo, thỏ thẻ hay hay biểu lộ nét mặt và dùng cử chỉ. Trẻ cũng sẽ thích thú với việc lặp đi lặp lại một số âm tiết như như “ba”, “ma” hoặc những tổ hợp nguyên âm và phụ âm khác. Thậm chí, trẻ còn biết thêm bớt một vài âm tiết khác, tạo ra những âm thanh phức tạp hơn khiến bố mẹ bất ngờ.
Mẹ càng phản ứng lại những tín hiệu giao tiếp của trẻ, trẻ càng học hỏi được nhiều. Vậy nên hãy dùng cả lời nói và hành động để đáp lại con.
Khi bố mẹ dùng cả hành động và lời nói để đáp lại trẻ, trẻ sẽ hiểu đấy là tín hiệu giao tiếp và càng hứng thú trò chuyện nhiều hơn. Đôi khi, chỉ cần bố mẹ gật đầu, chỉ và gọi tên những đồ vật mà trẻ chú ý hay trả lời những tiếng bi bô của trẻ cũng giúp trẻ phát triển kỹ năng ngôn ngữ nhiều hơn đấy.
Giúp trẻ 6 tháng tuổi phát triển toàn diện
Để giúp trẻ phát triển toàn diện, bố mẹ nên tạo một môi trường học tập phù hợp cho trẻ thông qua một số hoạt động như:
Chơi đùa cùng trẻ nhiều hơn
Việc vui chơi mang lại rất nhiều lợi ích với trẻ nhỏ. Trẻ thường sẽ thích những trò chơi theo lượt, nhất là những trò có âm thanh, nói chuyện hay hát. Trong lúc chơi, nếu mẹ hát hoặc đọc một bài thơ và dừng giữa chừng, trẻ sẽ rất hào hứng để hát những câu tiếp theo đấy.
Đôi lúc, bố mẹ hãy cho trẻ làm quản trò và bắt chước những tiếng bập bẹ của trẻ. Khi đến lượt quản trò của bố mẹ, bố mẹ có thể tạo ra những tiếng kêu động vật, như “quạc quạc”, “gâu gâu” và gọi tên loài vật đó. Đây là một phương pháp hữu hiệu để dạy trẻ loài vật nào kêu như thế nào và khiến trẻ hào hứng.
Trẻ sẽ ngày càng nhận thức tốt hơn về sự tồn tại của vật thể kể cả khi không nhìn thấy. Chính vì thế, trẻ sẽ rất thích nhìn thấy đồ vật xuất hiện rồi lại biến mất trước mặt mình. Bố mẹ có thể chơi trò “Giấu đồ chơi trong chiếc hộp” cùng với trẻ. Trong đó, bố mẹ chuẩn bị hộp sữa chua hoặc một cốc giấy lớn, một chiếc bút chì và một món đồ chơi nhỏ để tạo ra một bí ẩn xuất hiện bất ngờ cho trẻ.
Một trò chơi khác phù hợp với trẻ trong thời gian này đó là “Cú ngã tuyệt vời”. Cách chơi rất đơn giản, bố hoặc mẹ nằm ngửa trên một tấm thảm đẹp và êm ái, đặt trẻ ngồi lên bụng, tựa lưng vào đầu gối đang giơ lên và lắc lư từ bên này sang bên kia, trong khi hát “Con cò bé bé, nó đậu cành tre, đi không hỏi mẹ biết đi đường…”.
Khi hát đến chữ “nào”, bố mẹ cho trẻ trượt nhẹ nhàng xuống sàn. Trẻ sẽ hào hứng với sự bất ngờ và qua đó, trẻ cũng học thêm được nhiều về nguyên nhân và kết quả. Chưa kể đến việc trẻ sẽ rất hào hứng khi được nghe những ca khúc thiếu nhi nữa.
>>> Xem thêm:
- Sự phát triển của bé 6 tháng tuổi và bố mẹ nên chăm sóc trẻ thế nào?
- Trẻ 6 tháng tuổi ăn được những gì? - 6 loại siêu thực phẩm mẹ không thể bỏ qua
Phát triển đa giác quan cho trẻ
Ở giai đoạn này, các giác quan chính là công cụ để trẻ học hỏi và khám phá thế giới xung quanh. Chính vì thế, bố mẹ cần tạo một môi trường vui chơi lành mạnh với nhiều đồ chơi an toàn mà con có thể nhìn thấy, chạm, nghe và thậm chí cho vào miệng. Một số loại đồ chơi bố mẹ có thể chọn cho trẻ trong giai đoạn này như: bóng cao su, vòng nhai nướu, thú nhồi bông phát tiếng. Ngoài ra, bố mẹ cũng cần lưu ý tuyệt đối không để những món đồ nguy hiểm ở tầm tay, tầm mắt của con.
Ngoài ra, để trẻ khuyến tìm hiểu màu sắc, âm thanh và kết cấu của sự vật hiện tượng, bố mẹ có thể mua thêm một chiếc ghế hoặc nôi tập đứng cho trẻ nhé.
Đọc truyện cho con nghe
Sách là một công cụ hữu hiệu giúp trẻ khám phá thế giới xung quanh và phát triển khả năng ngôn ngữ. Vì vậy, mỗi ngày, trước khi đi ngủ, bố mẹ nên dành ra khoảng 30 phút để đọc sách cho trẻ nghe. Ngoài việc tạo được thói quen ngủ tốt, trẻ cũng nhờ thế làm quen dần với sách. Với bố mẹ, đọc sách cùng trẻ chính là thời gian để cả hai ngắn kết với nhau hơn.
Dấu hiệu cho thấy trẻ đã sẵn sàng ăn dặm
6 tháng tuổi cũng là giai đoạn trẻ sẽ bắt đầu ăn dặm. Tuy nhiên, để chắc chắn việc trẻ sẵn sàng ăn dặm cũng như lựa chọn thực đơn, phương pháp dặm cho trẻ, bố mẹ cũng cần lưu ý một số dấu hiệu sẵn sàng ăn dặm của trẻ như:
- Khả năng tự giữ cổ cố định tốt.
- Ngồi vững khi có sự hỗ trợ của bố mẹ.
- Biết dùng lưỡi đẩy thức ăn ra sau và nuốt.
Trong trường hợp trẻ không ăn dặm khi đã được 26 tuần tuổi, bố mẹ nên cân nhắc hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn thêm. Giai đoạn này trẻ vẫn nhận chất dinh dưỡng từ sữa mẹ hoặc sữa công thức nên bố mẹ không cần ép trẻ ăn quá nhiều.
Giúp trẻ ăn dặm thành công, bố mẹ cần chuẩn bị những gì
Ăn và ngủ liên quan chặt chẽ với nhau, ăn không tốt thì ngủ không ngon, ngủ không đủ thì ăn sẽ kém. Nếu xây dựng lịch sinh hoạt không phù hợp con sẽ bị biếng ăn, lười ăn. Sau đó là sợ ăn. Nhiều bố mẹ cho rằng để trẻ ăn dặm tốt chỉ cần chuẩn bị món ăn ngon và lựa chọn phương pháp ăn dặm phù hợp cho trẻ. Tuy nhiên, đây là quan điểm khá sai lầm vì để trẻ ăn tốt còn cần phải có một lịch sinh hoạt (ăn sữa - ăn dặm - ngủ) hợp lý.
Để có thể có lịch sinh hoạt cho trẻ phù hợp, bố mẹ cần trả lời được những câu hỏi như: Ăn sữa cách ăn dặm bao lâu? Kết hợp chúng với nhau thế nào? Ngày ăn mấy bữa? Điều chỉnh ở mỗi giai đoạn thế nào cho phù hợp? Làm sao để trẻ vẫn đảm bảo đủ lượng sữa yêu cầu mà vẫn đảm bảo ăn dặm hiệu quả. Chính vì thế, bố mẹ nên có một lịch sinh hoạt hợp lý cho trẻ trước khi bắt đầu cho trẻ ăn dặm.
Khi nào bố mẹ cần đưa trẻ đi khám
Thông thường, nếu trẻ bị sinh non (trước 37 tuần mang thai), trẻ sẽ phát triển chậm hơn những bạn cùng tuổi. Đó là lý do vì sao hầu hết trẻ sinh non sẽ được các bác sĩ chia làm hai loại tuổi:
- Tuổi theo thời gian, được tính từ ngày sinh của bé.
- Độ tuổi chính xác, được tính từ ngày dự sinh của bé.
Vì vậy, bố mẹ nên đánh giá sự phát triển sớm của trẻ theo ngày dự sinh chứ không phải ngày chào đời bởi các bác sĩ cũng sẽ đánh giá sự phát triển của trẻ theo cách này.
Mỗi đứa trẻ là một cá thể khác nhau nên sẽ có tốc độ phát triển khác nhau. Vậy nên, nếu trẻ có chậm hơn so với các bạn cùng trang lứa một chút, bố mẹ cũng không nên lo lắng quá. Tất cả những mốc phát triển trên chỉ nên là yếu tố để bố mẹ tham khảo.
Mong rằng qua bài viết này của ODP, bố mẹ đã hiểu thêm về sự phát triển của trẻ 6 tháng tuổi cũng như biết cách tạo một không gian vui chơi phù hợp, giúp trẻ phát triển toàn diện.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận