Những điều cơ bản bố mẹ cần biết về ăn dặm cho trẻ - theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng quốc gia

Thể chất & Dinh dưỡng - 06/01/2020

Ăn dặm cho trẻ không hề dễ dàng? Bài viết này sẽ giúp bố mẹ có một cái nhìn tổng quan về ăn dặm cho trẻ, ăn dặm là gì, khi nào nên cho trẻ ăn dặm, ăn dặm đúng cách, thực đơn cho trẻ ăn dặm… Bố mẹ hãy cùng ODP tìm hiểu kĩ nhé!

Sau sữa mẹ, ăn dặm là bước đệm đầu đời giúp trẻ phát triển và hoàn thiện khả năng ăn uống, bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết để phát triển toàn diện một cách khỏe mạnh và đầy đủ nhất. Cụm từ “ăn dặm” ngày nay đã quá quen thuộc đối với hầu hết các gia đình có trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nhiều người – nhất là những người lần đầu làm cha mẹ vẫn còn bỡ ngỡ và băn khoăn không biết nên cho trẻ ăn dặm khi nào, thực đơn cho trẻ ăn dặm như thế nào là đầy đủ dinh dưỡng, các phương pháp ăn dặm cho trẻ là gì… Có vô vàn câu hỏi được đặt ra khi bố mẹ bắt đầu cho trẻ chuyển sang một giai đoạn ăn uống mới.

Hiểu được điều đó, ODPhub.com mang đến bài viết này để cung cấp thông tin đầy đủ, hướng dẫn bố mẹ chi tiết về ăn dặm cho trẻ theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

1. Ăn dặm là gì?

Ăn dặm là cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ, là giai đoạn để trẻ làm quen với các loại thức ăn thô hơn sữa mẹ như tinh bột, một số vitamin từ thịt, trứng, sữa, rau củ, hoa quả… Tuy nhiên, các loại thực phẩm này vẫn không thể thay thế được sữa mẹ mà chỉ có chức năng bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết giúp trẻ phát triển một cách toàn diện.

cho bé ăn dặm
Ăn dặm là cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ

Sữa mẹ có đầy đủ các chất dinh dưỡng và nhiều yếu tố kháng khuẩn giúp khả năng đề kháng của trẻ tốt hơn, giảm các nguy cơ mắc bệnh. Sữa mẹ chứa 5% calo protein, 45% calo chất bột đường, 50% calo chất béo, vitamin, khoáng chất và các thành phần kích thích miễn dịch. Chính vì thế, khi chuyển sang giai đoạn cho trẻ ăn dặm, mẹ vẫn cần cũng cấp sữa cho trẻ đầy đủ, vẫn cho trẻ bú nhưng giảm bớt lượng sữa và bổ sung các lượng thức ăn phù hợp theo từng độ tuổi của trẻ.

2. Khi nào nên cho trẻ ăn dặm?

Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, sau 6 tháng đầu đời là thời điểm tốt nhất và thích hợp nhất để bắt đầu cho trẻ ăn dặm. Từ sau giai đoạn này, trẻ phát triển mạnh mẽ, tăng trưởng không ngừng. Điều này cũng có nghĩa rằng nhu cầu cả về thể chất và dinh dưỡng của trẻ cũng tăng lên.

Trong khi đó, sau 6 tháng sau sinh, sữa mẹ bắt đầu ít và loãng dần nên không thể đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cần thiết cho trẻ. Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng cho biết: từ 6 đến 12 tháng sau sinh, sữa mẹ chỉ có thể cung cấp hơn một nửa nhu cầu dinh dưỡng của trẻ và từ 12 đến 24 tháng, sữa mẹ chỉ đáp ứng đủ ít nhất 1/3 nhu cầu dinh dưỡng của trẻ.

Chính vì vậy, sau 6 tháng tuổi, trẻ rất cần được bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết để đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh và tốt nhất. Và cách tốt nhất để đáp ứng được điều này không gì khác chính là cho trẻ ăn dặm.

cho trẻ ăn dặm
Sau 6 tháng đầu đời là thời điểm tốt nhất và thích hợp nhất để bắt đầu cho trẻ ăn dặm

Vậy nếu bố mẹ cho trẻ ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của trẻ?

Nhiều bố mẹ lựa chọn cho trẻ ăn dặm ngay từ khi trẻ được 3 đến 4 tháng tuổi, ngay cả khi trẻ chưa có bất cứ dấu hiệu cho thấy trẻ đã sẵn sàng ăn dặm. Việc cho trẻ ăn dặm quá sớm này sẽ dẫn đến rất nhiều tác hại đối sức khỏe và sự phát triển của trẻ như:

  • Thiếu hụt các chất dinh dưỡng có trong sữa mẹ, nhất là các chất giúp tăng đề kháng do việc ăn dặm sớm khiến trẻ bú mẹ ít đi
  • Trẻ chưa thể thích nghi được với một số loại thức ăn, có thể dẫn đến những ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa của trẻ
  • Trường hợp thức ăn không đảm bảo vệ sinh hoặc khó tiêu hóa sẽ khiến trẻ dễ bị táo bón, tiêu chảy…

Mặt khác, nếu bố mẹ cho trẻ ăn dặm quá muộn, từ khoảng sau 9 tháng tuổi thì trẻ sẽ bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tăng trưởng và phát triển, là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nguy cơ các bệnh còi xương, suy dinh dưỡng, thiếu máu…

cho bé ăn dặm
Việc cho trẻ ăn dặm quá sớm sẽ dẫn đến rất nhiều tác hại đối sức khỏe và sự phát triển của trẻ

3. Làm thế nào để cho trẻ ăn dặm đúng cách?

3.1. Ăn dặm từ ít đến nhiều

Bố mẹ nên hiểu rằng, việc chuyển từ hấp thụ 100% sữa mẹ sang hấp thụ sữa mẹ kèm các chất dinh dưỡng khác là một quá trình cần cho trẻ thích nghi dần dần, không nên vội vàng cho trẻ ăn dặm với quá nhiều đồ ăn thô khác sữa mẹ.

Thời gian đầu cho trẻ ăn dặm, bố mẹ chỉ nên tập cho bé làm quen với các đồ ăn, cho trẻ ăn từng chút một. Trong 3 bữa ăn đầu tiên, bố mẹ chỉ nên cho trẻ ăn khoảng từ 5 đến 10 ml thức ăn, sau đó tăng dần lượng thức ăn để hệ tiêu hóa và dạ dày của bé có thời gian thích nghi với các loại thức ăn mới.

Ban đầu, bố mẹ chỉ nên cho trẻ ăn dặm 1 bữa/ngày, sau này khi trẻ đã quen dần, bố mẹ có thể tăng lên 2 bữa/ngày, kèm thêm bữa phụ như sữa chua, hoa quả…

3.2. Ăn dặm từ lỏng đến đặc

Để giúp trẻ dễ dàng làm quen với việc ăn dặm, bố mẹ nên bắt đầu với những món ăn dạng bột loãng, ít nhất trong khoảng từ 2 đến 3 ngày đầu. Sau khi trẻ đã dần quen với việc ăn dặm, bố mẹ tăng dần độ thô của đồ ăn lên, chuyển từ bột sang cháo rây, cháo hạt, cơm nát…để trẻ có thể nhanh chóng ăn được nhiều loại thức ăn hơn.

Bố mẹ cũng nên chú ý chỉ cho trẻ ăn các loại thức ăn mềm, dễ nhai, dễ nuốt vì giai đoạn này trẻ chưa mọc răng hoặc mới chỉ mọc rất ít răng.

thực đơn ăn dặm của trẻ
Sau khi trẻ đã dần quen với việc ăn dặm, bố mẹ tăng dần độ thô của đồ ăn lên

3.3. Ăn dặm đủ dinh dưỡng, hợp vệ sinh

Để bắt đầu quá trình ăn dặm cho trẻ, bố mẹ chỉ nên chọn các loại thức ăn dễ tiêu hóa như các loại rau, củ, quả, cháo… Tuy nhiên, khi trẻ tới giai đoạn từ 9 đến 11 tháng tuổi, bố mẹ cần bổ sung dinh dưỡng cho trẻ đa dạng hơn và đảm bảo đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng gồm:

  • Tinh bột (Gluxid/Carbohydrat): có trong ngũ cốc, gạo, các loại rau củ…
  • Chất đạm (Protein): các loại thịt đỏ, thịt trắng, trứng, sữa, tôm…
  • Chất béo (Lipid): sữa, bơ đậu phộng, phô mai, các loại trái cây giàu chất béo như bơ...
  • Vitamin và khoáng chất: các thực phẩm như tôm, cua, phomat, súp lơ xanh, sữa canxi, thịt heo, bò, cá, huyết, trái cây...

Ngoài ra, bố mẹ nên hết sức chú ý khi chế biến đồ ăn dặm cho trẻ, các thực phẩm phải bảo đảm vệ sinh. Tốt nhất bố mẹ nên sử dụng các loại thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo an toàn cho trẻ. Hệ tiêu hóa của trẻ còn rất non nớt nên rất dễ bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm các bệnh tiêu hóa nếu ăn phải những đồ ăn không sạch sẽ, đảm bảo.

4. Thực đơn ăn dặm cho trẻ theo từng độ tuổi

4.1. Thực đơn ăn dặm cho trẻ 6 tháng đến 12 tháng tuổi

  • Trẻ từ 6 – 8 tháng tuổi: Đây là giai đoạn trẻ tập làm quen với các loại thức ăn khác sữa mẹ, vì vậy bố mẹ nên cho trẻ ăn các loại thức ăn mềm, dễ tiêu. Đồng thời, chế độ ăn dặm cho trẻ 6 tháng đến 8 tháng cũng nên bắt đầu thật chậm rãi, từ từ và thay đổi dần dần để trẻ có thời gian thích nghi. Những ngày đầu chỉ nên cho trẻ ăn 1 bữa/ngày, dần tăng lên 2 bữa/ngày và tăng dần độ đặc của thức ăn.
  • Trẻ từ 9-11 tháng tuổi: Ở giai đoạn này, bố mẹ đã có thể cho trẻ ăn nhiều hơn, 3 đến 4 bữa/ngày với các loại thức ăn dặm cho trẻ đặc hơn. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên đa dạng các món như thịt, trứng, hải sản và đặc biệt là thêm dầu, mỡ để bổ sung đủ chất cho trẻ. Bố mẹ cũng nên duy trì cho trẻ ăn nhiều trái cây và vẫn cho trẻ bú sữa mẹ hoặc uống sữa công thức hàng ngày.

thực đơn ăn dặm cho trẻ 6 tháng tuổi
Bố mẹ nên cho trẻ ăn các loại thức ăn mềm, dễ tiêu

4.2. Thực đơn ăn dặm cho trẻ từ 12-23 tháng tuổi

Giai đoạn này trẻ đã khá quen với việc ăn dặm, bố mẹ có thể đa dạng các loại thức ăn và cho trẻ ăn nhiều hơn, 4 bữa/ngày. Bố mẹ nhớ đảm bảo đủ các nhóm dinh dưỡng, cân đối và phân bổ vào các món ăn để trẻ vừa ăn no, ăn ngon mà không bị thiếu chất.

4.3. Thực đơn ăn dặm cho trẻ từ 24-36 tháng tuổi

Khi trẻ đã phát triển đến giai đoạn này, bố mẹ đã có thể cho trẻ ăn cơm và các món ăn như khẩu phần ăn của người lớn. Tuy nhiên, bố mẹ cũng cần tránh những thức ăn khó nhai, dai, cứng hoặc có khả năng gây hóc, nghẹn.

Hết 2 tuổi, nhiều trẻ đã cai sữa mẹ. Chính vì thế, bữa ăn của trẻ càng cần được bổ sung nhiều chất dinh dưỡng để đảm bảo sự phát triển toàn diện. Bố mẹ nên cho trẻ ăn 3 đến 4 bữa chính/ngày, đồng thời kèm 1 đến 2 bữa phụ.

Cùng với đó, bố mẹ cũng nên cho trẻ ngồi ăn cơm chung với gia đình để giúp trẻ học cách ăn uống, cách gắp đồ ăn và cảm nhận không khí đầm ấm của gia đình trong bữa ăn.

cho bé ăn dặm
Bố mẹ cũng nên cho trẻ ngồi ăn cơm chung với gia đình

Ngoài ra, có một số loại thức ăn và đồ uống không tốt cho trẻ như bố mẹ tưởng như bánh quy giòn, bim bim, nước tăng lực… Những loại thức ăn và đồ uống này không chỉ không tốt cho sức khỏe của trẻ mà còn dễ làm cho trẻ đầy bụng, chán ăn… Bố mẹ nên hạn chế cho trẻ ăn.

5. Những lưu ý cần tránh khi cho trẻ ăn dặm

  • Không cho trẻ ăn mặn

Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, thận của trẻ dưới 1 tuổi còn yếu, không thể tải quá 1 gam muối mỗi ngày. Chính vì thế, khi cho trẻ ăn dặm, bố mẹ không nên thêm các loại gia vị mặn vào thức ăn bởi vì thực phẩm chính nó đã cấp đủ nhu cầu dinh dưỡng của trẻ rồi.

  • Không cho trẻ ăn quá ngọt

Đối với người lớn, lượng đường tiêu thụ chuẩn mỗi ngày chỉ 20 gam. Do đó, thức ăn dặm cho trẻ không nên sử dụng nhiều đường để tránh các ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ.

  • Bổ sung lượng dầu ăn vừa đủ cho trẻ

Dầu mỡ là thành phần tuy ít nhưng không thể thiếu trong thực đơn ăn dặm cho trẻ. Bố mẹ cần bổ sung một lượng dầu mỡ vừa đủ để cung cấp chất béo cho cơ thể trẻ. Các loại dầu thực vật dành riêng cho trẻ như dầu hạt cải, dầu óc chó… cũng được rất nhiều bố mẹ sử dụng.

Dầu mỡ rất cần thiết trong thực đơn ăn dặm của trẻ
Dầu mỡ là thành phần tuy ít nhưng không thể thiếu trong thực đơn ăn dặm cho trẻ

  • Chỉ nấu cháo với nước hầm xương, nước thịt cho trẻ

Bố mẹ cần cải thiện và đa dạng các món ăn dặm cho trẻ thường xuyên để trẻ không bị chán ăn. Bố mẹ có thể xay nhuyễn thịt hoặc say cùng các loại rau, củ, quả để giúp trẻ thấy ngon miệng hơn mà vẫn đảm bảo đủ dinh dưỡng.

  • Cho trẻ ăn cơm quá sớm (khi chưa mọc răng)

Khi trẻ chưa mọc răng, khả năng nhai nuốt của trẻ chưa được hoàn thiện. Cho trẻ ăn cơm quá sớm sẽ khiến dạ dày trẻ phải hoạt động quá sức, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ.

ODPhub.com tin rằng bài viết này của chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin cần thiết và bổ ích cho các bố mẹ, giúp bố mẹ có cái nhìn rõ ràng hơn, đúng hơn về vấn đề ăn dặm cho trẻ. Bố mẹ hãy nắm vững các thông tin trên và thực hành đúng cách để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của trẻ một cách đầy đủ và khoa học nhất nhé!

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận