5 tuyệt chiêu giúp cải thiện tình trạng trẻ hay ăn ngậm
Thể chất & Dinh dưỡng - 15/06/2020
Vì sao trẻ em ăn cơm hay ngậm? Điều này ảnh hưởng tới sức khỏe của con như thế nào? Bố mẹ phải làm sao để khắc phục tình trạng đó? Hãy cùng ODPHUB tìm hiểu nhé!
Nhiều bố mẹ hẳn “đau đầu” vì tình trạng trẻ hay ăn ngậm, thời gian để ăn một bữa kéo dài quá lâu, không những khiến trẻ áp lực mà còn khiến bố mẹ lo lắng.
Vì sao trẻ em ăn cơm hay ngậm?
Khi đã xác định rõ nguyên nhân khiến trẻ hay ngậm cơm, bố mẹ sẽ có thể đưa ra những biện pháp hỗ trợ phù hợp và hiệu quả nhất. Dưới đây là một vài nguyên nhân phổ biến khiến trẻ ăn hay ngậm:
- Trẻ mắc các loại bệnh lý. Ví dụ, nếu mắc các bệnh lý viêm đường hô hấp, trẻ sẽ có biểu hiện mệt mỏi, khó chịu, khó nuốt, từ đó ăn hay ngậm và lười ăn hơn. Hoặc nếu trẻ gặp vấn đề về đường tiêu hóa, con sẽ bị khó tiêu, đầy bụng và không muốn ăn.
- Thực đơn không phù hợp với trẻ. Bố mẹ nên chế biến thức ăn phù hợp với độ tuổi, sở thích của trẻ để con có thể ăn được nhiều hơn.
- Trẻ có thói quen lười nhai. Nhiều bố mẹ thường cho trẻ ăn đồ xay nhuyễn mặc dù con đã mọc đủ răng. Việc này khiến con lười nhai hơn, ảnh hưởng đến quá trình bài tiết của men tiêu hóa, làm mất đi cảm giác ngon miệng và dẫn tới tình trạng trẻ lười ăn, hay ngậm.
Tình trạng trẻ hay ngậm khi ăn ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào?
Việc trẻ lười ăn và hay ngậm có thể dẫn tới những hậu quả nặng nề, ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình phát triển thể chất và tinh thần của con, điển hình như:
Gây ra rối loạn tăng trưởng, thiếu hụt dưỡng chất
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ rất dễ bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng nếu thường xuyên biếng ăn và ăn hay ngậm. Từ đó, cơ thể trẻ sẽ không có cơ hội hấp thu đủ các vi chất dinh dưỡng thiết yếu cho quá trình tăng trưởng, khiến con bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển.
Làm suy giảm hệ miễn dịch
Thông thường, những trẻ biếng ăn và ăn hay ngậm thường có sức đề kháng yếu. Do đó, trẻ dễ bị ốm vặt hoặc mắc các bệnh lý ảnh hưởng tới sức khỏe như nhiễm trùng đường hô hấp, các bệnh về đường tiêu hóa...
Khiến trẻ chậm phát triển trí não
Dinh dưỡng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới quá trình phát triển trí tuệ của trẻ nhỏ. Khi trẻ biếng ăn, cơ thể sẽ không có cơ hội được hấp thụ những dưỡng chất quan trọng cho sự phát triển trí não như chất béo, sắt, omega-6, omega-3, DHA, protein, taurin…
Ảnh hưởng đến sự phát triển chỉ số cảm xúc (EQ) của trẻ
Những trẻ có chỉ số cảm xúc cao thường có kỹ năng giao tiếp và biểu đạt tốt, dễ hòa đồng và thích ứng với những thay đổi của môi trường sống. Với những trẻ biếng ăn, hay ngậm, chỉ số EQ của trẻ thường sẽ thấp hơn và trẻ khó hòa nhập với môi trường.
5 tuyệt chiêu giúp cải thiện tình trạng trẻ hay ăn ngậm
Xem lại cách chế biến các món ăn cho trẻ
Bố mẹ nên chú ý tới cách chế biến thức ăn cho trẻ để xem chúng có phù hợp với độ tuổi và sở thích của trẻ hay không. Ví dụ, nhiều bố mẹ vẫn tiếp tục cho trẻ ăn những món xay nhuyễn mặc dù con đã đến giai đoạn có thể ăn cháo hoặc cơm nát. Nếu tiếp tục cho trẻ ăn đồ xay nhuyễn, bố mẹ sẽ khiến con trở nên lười nhai, men tiêu hóa không bài tiết được, khiến trẻ chán ăn và hay ngậm khi ăn.
Do đó, bố mẹ hãy chuẩn bị cho trẻ những món ăn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của con. Bố mẹ có thể tham khảo các cách chế biến như sau:
- Giai đoạn 6 tháng tuổi: Bột loãng.
- Giai đoạn 7-8 tháng tuổi: Bột đặc và cháo nhuyễn.
- Giai đoạn 10-12 tháng tuổi: Cháo còn hột, thức ăn mềm (như bún, phở…).
- Khi trẻ đã mọc đủ răng: Cơm nát, rau củ thái nhỏ nấu chín kỹ.
>>> Tham khảo thêm: Những điều cơ bản bố mẹ cần biết về ăn dặm cho trẻ - theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng quốc gia
Không cho trẻ ăn rong, hạn chế các thiết bị điện tử trong bữa ăn
Trẻ sẽ dễ bị phân tâm bởi những thiết bị dễ gây xao nhãng như tivi hay máy tính bảng. Vì vậy trong lúc ăn, trẻ sẽ tập trung vào các thiết bị đó mà quên mất việc nhai, nuốt, dẫn tới tình trạng trẻ ăn hay ngậm, không cảm nhận được hương vị của thức ăn và ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa của cơ thể.
Để trẻ tập trung hơn trong lúc ăn, bố mẹ nên tránh việc cho trẻ ăn rong hay sử dụng các thiết bị điện tử trong lúc ăn. Ngoài ra, bữa ăn của trẻ cũng chỉ nên kéo dài tối đa 30 phút. Nếu bữa ăn kéo dài quá lâu, các món ăn sẽ nguội dần, không những ảnh hưởng tới hương vị của thức ăn mà còn khiến trẻ cảm thấy chán nản.
Cho trẻ tự ăn và ăn cùng cả gia đình
Trẻ sẽ chủ động hơn khi được tự xúc ăn. Ban đầu trẻ có thể làm thức ăn vương vãi nhưng bố mẹ đừng nên quát mắng con vì dần dần, con sẽ biết xúc ăn thành thạo và nhai nuốt dễ dàng hơn. Ngoài ra, việc ăn cùng bàn với cả gia đình cũng có thể khiến trẻ cảm thấy hào hứng hơn khi ăn.
Không ép trẻ phải ăn hết
Khi trẻ đã bắt đầu cảm thấy no, con sẽ lười nhai hơn và ngậm thức ăn trong miệng. Nếu bố mẹ cố gắng ép trẻ ăn thêm nữa, con sẽ cảm thấy áp lực và sợ ăn hơn.
Để khắc phục tình trạng này, bố mẹ có thể chia thành nhiều bữa ăn trong ngày để vừa đảm bảo trẻ nạp đủ năng lượng vừa giúp con cảm thấy thoải mái hơn khi ăn.
Đưa trẻ đi kiểm tra sức khỏe
Trẻ có thể biếng ăn và hay ngậm do nhiều bệnh lý, ví dụ như đau họng, loét miệng, bệnh về đường tiêu hóa… Do đó, nếu cảm thấy có bất kỳ triệu chứng lạ ở trẻ, bố mẹ nên đưa con tới khám bác sĩ để được chẩn đoán bệnh và chữa trị kịp thời.
Quá trình chăm sóc và hỗ trợ trẻ biếng ăn đòi hỏi nhiều thời gian, vậy nên bố mẹ cần kiên nhẫn và tìm hiểu kỹ các phương pháp phù hợp nhất nhằm giúp khắc phục tình trạng trẻ ăn hay ngậm và biếng ăn. ODPHUB hy vọng qua bài viết trên đã đem đến cho bố mẹ những thông tin hữu ích nhất.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận