Cách khắc phục tình trạng bé không chịu ăn dặm, chỉ bú mẹ
Thể chất & Dinh dưỡng - 09/06/2020
Mặc dù đã đến tuổi nhưng bé không chịu ăn dặm, chỉ bú mẹ. Vậy bố mẹ phải làm sao để khắc phục tình trạng này? Hãy cùng ODPHUB tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Khi bé được 6 tháng tuổi, cơ thể con bắt đầu phát triển nhanh chóng. Lúc này, sữa mẹ bắt đầu ít và loãng dần, không thể đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của con. Vì vậy, đây là giai đoạn thích hợp nhất để tập cho bé ăn dặm. Tuy nhiên, không phải lúc nào bé cũng ngoan ngoãn và hợp tác với bố mẹ trong mỗi bữa ăn. Đặc biệt, tình trạng bé không chịu ăn dặm chỉ bú mẹ xảy ra ở khá nhiều trẻ và khiến bố mẹ lo lắng. Vậy bố mẹ phải làm thế nào để giúp bé ăn dặm hiệu quả hơn?
Tại sao bé không chịu ăn dặm?
Trên thực tế, bé có thể biếng ăn dặm do nhiều nguyên nhân khác nhau, ví dụ như:
- Ăn dặm quá sớm: Từ khi mới 4-5 tháng tuổi. Tuy nhiên, thời điểm thích hợp nhất để cho bé bắt đầu ăn dặm là khi con được 6 tháng tuổi.
- Món ăn không phù hợp với từng giai đoạn: Bố mẹ nên cho bé ăn dặm bắt đầu từ lỏng đến đặc, từ ít đến nhiều.
- Thực đơn nhàm chán: Vị giác của trẻ nhỏ cũng giống như người lớn, do vậy con sẽ dễ dàng cảm thấy chán ăn nếu bố mẹ chỉ cho con ăn 1 món từ bữa này qua bữa khác.
- Bé chưa thấy đói: Khi khoảng cách giữa các bữa ăn dặm quá gần nhau và bé chưa kịp tiêu hao năng lượng từ bữa trước thì con cũng có thể biếng ăn hơn vào bữa sau.
>>> Tham khảo thêm: Những điều cơ bản bố mẹ cần biết về ăn dặm cho trẻ - theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng quốc gia
Bé không chịu ăn dặm phải làm sao?
Vậy bố mẹ nên làm gì khi bé không chịu ăn dặm? Dưới đây là một vài gợi ý giúp bố mẹ khắc phục tình trạng này:
Cho bé ăn từ lỏng đến đặc
Ở giai đoạn đầu, bé vẫn quen với việc bú sữa nên bố mẹ không nên tập cho bé ăn thô ngay. Khi mới bắt đầu quá trình tập cho bé ăn dặm, hãy cho con ăn ở dạng lỏng trước rồi dần dần mới tăng độ thô và đặc để con có thời gian thích nghi và làm quen.
Rèn cho bé kỹ năng bốc nhón
Bốc nhón là kỹ năng giúp bé rèn luyện bàn tay khéo léo, thuần thục và kỹ năng tự phục vụ mình khi chưa biết sử dụng thìa, đũa. Bố mẹ có thể cho bé bắt đầu tập bốc nhón khi con ở giai đoạn 6-8 tháng tuổi với các loại thức ăn mềm và dễ cầm nắm như bánh mì, ngũ cốc, đậu phụ, nui, bơ…
Duy trì không khí vui vẻ trong các bữa ăn
Bố mẹ hãy cố gắng tạo không khí vui vẻ, dễ chịu trong bữa ăn, tránh quát mắng, tỏ vẻ bực bội với bé hay ép con phải ăn vì như vậy sẽ dễ khiến con cảm thấy sợ hãi và áp lực với việc ăn dặm.
Ngoài ra, vào giai đoạn bé khoảng 12-15 tuổi và có khả năng tự cầm thìa để xúc ăn, bố mẹ nên khuyến khích con tự ăn để con chủ động hơn và được tự mình khám phá món ăn của mình.
Chú ý tới những bữa ăn nhẹ của bé
Nhiều bố mẹ thường cho bé ăn nhẹ quá nhiều lần trong ngày, hoặc ăn quá nhiều trong một bữa ăn nhẹ. Việc này có thể khiến con luôn cảm thấy no, từ đó biếng ăn hơn khi tới bữa chính.
Do đó, bố mẹ hãy giới hạn số bữa ăn nhẹ trong ngày của bé, không nên cho con ăn nhẹ quá nhiều lần, và lưu ý mỗi bữa ăn nhẹ chỉ nên cung cấp lượng thức ăn bằng ⅓ so với bữa chính.
Đôi khi, bé 6 tháng tuổi không chịu ăn dặm là do con cảm thấy quá no vì ăn nhiều bữa phụ.
Giới hạn thời gian ăn
Hãy giới hạn thời gian ăn của bé. Nếu bố mẹ kéo dài bữa ăn quá lâu với mục đích ép con ăn hết phần thức ăn của mình, con sẽ dễ bị áp lực và có ấn tượng xấu và cảm thấy không vui vẻ mỗi khi tới giờ ăn.
Thường xuyên thay đổi khẩu vị cho bữa ăn dặm của bé
Dù còn nhỏ nhưng bé vẫn có thể thưởng thức hương vị của thức ăn. Do đó, nếu bố mẹ chỉ cho con ăn những món giống nhau thì sẽ dễ tạo cho bé cảm giác chán ăn. Thay vào đó, hãy thường xuyên thay đổi và tìm tòi những món ăn ưa thích của bé. Việc thường xuyên thay đổi món ăn cũng có thể giúp bé nhận diện nhiều mùi vị khác nhau, đồng thời nhận được nhiều loại chất dinh dưỡng quan trọng đối với quá trình phát triển thể chất.
Lưu ý về thực phẩm nên tránh khi cho bé ăn dặm
Khi lên thực đơn ăn dặm cho bé dưới 12 tháng tuổi, bố mẹ nên lưu ý tránh một vài loại thực phẩm dưới đây để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển thể chất của con:
- Trà: Trong trà có chứa tannin. Đây là chất có thể cản trở quá trình hấp thu vitamin trong cơ thể bé.
- Mật ong: Nghiên cứu đã chỉ ra rằng bé dưới 1 tháng tuổi nếu ăn mật ong có thể sẽ bị lây nhiễm vi khuẩn có trong thực phẩm này.
- Nước ép trái cây: Có thể làm giảm khả năng hấp thụ sữa của bé.
- Các loại hạt: Có thể khiến bé bị nghẹt thở, khó thở.
ODPHUB hy vọng bài viết trên đã đem đến cho bố mẹ những thông tin hữu ích nhất về tình trạng bé không chịu ăn dặm chỉ bú mẹ.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận