Tác hại của việc cho trẻ ăn vặt và những lưu ý khi cho trẻ ăn vặt
Thể chất & Dinh dưỡng - 19/10/2020
Tác hại của việc cho trẻ ăn vặt là gì? Cho trẻ ăn vặt đúng cách như thế nào? Bố mẹ cùng ODPHUB tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Ăn vặt là một trong những thói quen rất phổ biến ở trẻ nhỏ. Có nhiều tác hại của việc cho trẻ ăn vặt, những ăn vặt cũng có thể đem đến nhiều lợi ích nếu bố mẹ biết cho trẻ ăn đúng cách.
Trẻ ăn vặt có tác hại gì?
Thói quen ăn vặt có thể đem lại những tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của trẻ nhỏ, điển hình như:
Làm trẻ mất cảm giác ngon miệng
Nếu ăn vặt quá nhiều thì khi tới bữa chính, trẻ sẽ cảm thấy no, chán ăn và ăn không ngon. Lúc này, trẻ sẽ không ăn được đủ lượng thức ăn cần thiết vào bữa chính và việc này ảnh hưởng tới quá trình phát triển thể chất của con.
Ngoài ra, cùng với hiện tượng trên là tình trạng rối loạn ăn uống ở trẻ. Đó là bởi vì vào bữa chính, trẻ không ăn được nhiều dẫn tới nhanh đói và lại tiếp tục ăn vặt, gây ra tình trạng ăn uống không điều độ và mất kiểm soát.
Khiến trẻ dễ bị tăng cân, béo phì
Trẻ thường thích ăn các món đồ ăn vặt chứa nhiều dầu mỡ và đường. Những loại thực phẩm này rất dễ khiến cơ thể của trẻ rơi vào tình trạng thừa cân, béo phì.
Gây ra tình trạng sâu răng
Nếu sau khi ăn đồ ngọt, trẻ không vệ sinh răng miệng sạch sẽ thì nguy cơ trẻ bị sâu răng sẽ tăng cao, đặc biệt là vào buổi tối. Đó là bởi vì các loại thức ăn chứa nhiều đường có thể khiến nồng độ pH trong miệng giảm, khiến răng dễ bị ăn mòn hoặc sâu răng.
Tăng nguy cơ trẻ mắc các bệnh lý nguy hiểm
Tình trạng ăn uống thiếu khoa học kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ trẻ mắc các bệnh nguy hiểm như tiểu đường, bệnh tim, bệnh về thận hay đường tiêu hóa.
Ăn vặt có đem lại lợi ích tới sức khỏe của trẻ hay không?
Mặc dù tiềm ẩn nhiều nguy cơ có hại cho sức khỏe, nhưng việc trẻ ăn vặt vẫn có thể đem lại một vài lợi ích nếu bố mẹ cho trẻ ăn đúng cách. Một vài ích lợi có thể kể đến là:
Ổn định lượng đường huyết
Lượng đường trong máu của trẻ sẽ giảm xuống sau bữa ăn chính khoảng 3 tiếng. Do đó, lúc này trẻ có thể ăn một lượng thức ăn nhỏ để giảm bớt cảm giác đói, từ đó thúc đẩy quá trình trao đổi chất hoạt động hiệu quả, đồng thời cân bằng lượng đường huyết.
Bổ sung dinh dưỡng cho những trẻ có dạ dày nhỏ
Đối với những trẻ có dạ dày nhỏ hơn mức bình thường, trẻ ăn thường nhanh no và mỗi bữa chỉ ăn được ít. Lúc này, dạ dày của trẻ tiêu hóa rất nhanh và nhanh cảm thấy đói. Do đó, việc ăn vặt với các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe sẽ giúp bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ.
Giúp trẻ tập trung hơn
Khi đói, trẻ sẽ khó tập trung vào việc học tập và vui chơi hơn. Vì vậy, ăn vặt đóng vai trò cung cấp năng lượng cho trẻ, giúp tăng khả năng tập trung và sự tính táo cho trẻ, nhất là sau khi ăn các loại thực phẩm giàu protein.
Cho trẻ ăn vặt đúng cách như thế nào?
Để việc ăn vặt đem lại hiệu quả cao nhất tới sức khỏe của trẻ nhỏ, bố mẹ có thể tham khảo những lời khuyên dưới đây khi cho trẻ ăn vặt:
Tạo cho trẻ thói quen ăn vặt lành mạnh
Những thực phẩm bố mẹ cho trẻ ăn hằng ngày có thể ảnh hưởng tới khẩu vị của con. Các món ăn lành mạnh ban đầu có thể không phù hợp với khẩu vị của trẻ. Tuy nhiên, dần dần trẻ sẽ làm quen và hình thành thói quen ăn uống lành mạnh về sau.
Vì vậy, bố mẹ cần lưu ý trong việc lựa chọn đồ ăn vặt cho trẻ bằng cách:
- Tránh cho trẻ ăn các loại thức ăn nhanh như bimbim, xúc xích, đồ chiên rán, nước ngọt có ga, bỏng ngô…
- Lựa chọn các món ăn vặt chứa khoảng 100-200 calo và giàu protein, chất xơ, vitamin và khoáng chất.
- Chọn các món có lượng chất béo, đường và muối thấp, chẳng hạn như gà rán, thịt xiên, sô cô la, khoai tây chiên… . Nếu cho trẻ ăn các loại thực phẩm này, bố mẹ chỉ nên giới hạn khoảng 1-2 lần/tuần.
- Học cách chế biến các món ăn vặt dễ làm và lành mạnh cho trẻ, ví dụ như bánh flan, sinh tố, sữa chua…
Thời điểm cho trẻ ăn vặt
Thời điểm tốt nhất cho trẻ ăn vặt là khoảng giữa hai bữa chính. Bố mẹ có thể cho trẻ ăn vào khoảng 9 giờ sáng, 3 giờ chiều và trước khi đi ngủ 1 tiếng. Tuy nhiên, bố mẹ nên chú ý hạn chế không cho trẻ ăn đồ ngọt trước khi đi ngủ để hạn chế nguy cơ trẻ bị sâu răng.
ODPHUB hy vọng bài viết trên đã đem đến cho bố mẹ những thông tin hữu ích nhất về tác hại của việc cho trẻ ăn vặt cũng như cách cho trẻ ăn vặt hợp lý để đem lại lợi ích về sức khỏe cho con.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận