Bệnh béo phì ở trẻ em: Nguyên nhân và cách khắc phục

Thể chất & Dinh dưỡng - 29/04/2020

Bệnh béo phì ở trẻ em hiện nay đang rất phổ biến và khiến nhiều bố mẹ lo lắng. Bố mẹ cùng ODP tìm hiểu nguyên nhân và cách xử lý khi trẻ bị béo phì nhé!

Hiện nay, nhiều trẻ có thói quen ăn uống không điều độ, ăn quá mức so với nhu cầu kèm theo lối sống ít vận động thể lực. Điều này khiến trẻ dễ mắc bệnh béo phì, dẫn tới nhiều hệ quả như tăng huyết áp, mắc bệnh tim mạch, rối loạn nội tiết, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường tuýp 2… Vậy nguyên nhân dẫn tới bệnh béo phì ở trẻ em là gì và bố mẹ phải làm sao khi con mắc bệnh béo phì?

Trẻ béo phì là như thế nào?

Béo phì là tình trạng tích tụ mỡ một cách bất thường và quá mức tại các mô mỡ cũng như các tổ chức khác, từ đó dẫn tới biến chứng có hại cho sức khỏe.

Để có thể đánh giá mức độ béo phì ở trẻ em, người ta sử dụng nhiều phương pháp khác nhau, trong đó phổ biến nhất là phương pháp đánh giá dinh dưỡng qua chỉ số z-score dựa trên các thông số về chiều cao, cân nặng và độ tuổi của trẻ.

Với trẻ 2-5 tuổi: Trẻ được coi là thừa cân khi chỉ số Z-score ≥ 2SD và béo phì khi chỉ số Z-score ≥ 3SD.

Với trẻ 5-18 tuổi: Trẻ được coi là thừa cân khi chỉ số Z-score ≥ 1SD và béo phì khi chỉ số Z-score ≥ 2SD.

Nguyên nhân gây ra bệnh béo phì ở trẻ em

Béo phì nguyên phát

Nguyên nhân dẫn tới béo phì nguyên phát ở trẻ là do trẻ bị mất cân bằng năng lượng. Lúc này, lượng thực phẩm trẻ ăn vượt quá nhu cầu của cơ thể hoặc cũng có thể đồng thời do lượng tiêu hao năng lượng giảm nhiều trong thời gian dài khiến tăng lượng mỡ tích tụ trong máu, đặc biệt là ở các vùng như mông, đùi, vai và bụng.

Dạng béo phì này thường gặp ở những trẻ hay ăn nhưng ít hoạt động và giảm chuyển hóa thân nhiệt. 

trẻ em béo phì như thế nào
Nguyên nhân đẫn tới béo nguyên phát ở trẻ là do trẻ bị mất cân bằng năng lượng.

Béo phì thứ phát

Trẻ sẽ có nguy cơ bị béo phì thứ phát cao nếu mắc các loại bệnh lý (liên quan đến nội tiết, di truyền…), chẳng hạn như: 

  • Suy giáp trạng: Trẻ thấp, béo toàn thân, da khô và bị thiểu năng trí tuệ.
  • Thiểu năng sinh dục: Bệnh thường gặp ở một số hội chứng như Prader-Willi (thiểu năng trí tuệ, béo bụng, lùn, và tinh hoàn ẩn), Lorence Moon Biel (béo đều toàn thân, thừa ngón, đái nhạt và có tật về mắt).
  • Cường năng tuyến thượng thận: Trẻ bị béo bụng, huyết áp cao, da đỏ, có nhiều trứng cá và có vết rạn.
  • Các bệnh về não: Bệnh thường xuất hiện do các tổn thương sau di chứng viêm não và tổn thương vùng dưới đồi, thường kèm theo các triệu chứng thiểu năng trí tuệ hoặc thần kinh khu trú.
  • Do dùng thuốc: Trẻ sẽ dễ bị béo phì do phải sử dụng thuốc Corticoid trong thời gian dài để điều trị bệnh khớp, bệnh hen, hội chứng thận hư hoặc vô tình sử dụng thuốc đông ý có lẫn Corticoid để điều trị dị ứng, trị chàm...

Các yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh béo phì ở trẻ em

Có nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ trẻ béo phì, ví dụ như: 

Tiền sử gia đình

Trẻ sẽ dễ bị béo phì hơn nếu trong gia đình có người thân mắc bệnh béo phì. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng 80% số trẻ béo phì nặng là do bố hoặc mẹ hoặc cả hai bố mẹ bị béo phì. 

trẻ béo phì
Trẻ sẽ dễ bị béo phì hơn nếu trong gia đình có người thân mắc bệnh béo phì.

Cân nặng khi sinh

Cân nặng khi sinh của trẻ cũng có thể ảnh hưởng tới việc trẻ có dễ bị béo phì về sau hay không. Trên thực tế, những trẻ nặng hơn 4 kg khi sinh thường có nguy cơ bị béo phì cao hơn so với những trẻ có cân nặng khi sinh ở mức bình thường.

Trẻ tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu năng lượng

Trẻ có nguy cơ mắc bệnh béo phì cao hơn nếu tiêu thụ nhiều chất béo (có trong các loại thực phẩm như đồ ăn chiên xào, quay, đồ ăn nhanh… và các loại thức uống ngọt như bánh kẹo ngọt, chè, nước có nhiều đường…).

Trẻ bị thiểu năng trí tuệ

Những trẻ bị thiểu năng trí tuệ thường gặp khó khăn trong việc kiểm soát thói quen ăn uống và nhận biết cảm giác no - đói. Hơn nữa, khả năng giao tiếp xã hội của những trẻ bị thiểu năng trí tuệ cũng bị hạn chế nên trẻ có xu hướng ít chơi đùa, vận động như những trẻ khác. Những yếu tố này dẫn tới tình trạng trẻ ăn quá mức so với nhu cầu của cơ thể và mắc bệnh béo phì.

Trẻ ít vận động thể lực

Trẻ dễ tăng cân và mắc bệnh béo phì hơn nếu ít vận động thể lực và dành nhiều thời gian hơn để ngồi một chỗ xem tivi, chơi điện tử, sử dụng điện thoại hay các loại thiết bị điện tử khác, thậm chí vừa sử dụng vừa ăn vặt, nhất là đồ ăn nhanh. Lúc này, trẻ nạp vào nhiều nhưng lại tiêu hao ít năng lượng, lâu dài dẫn tới béo phì.

>>> Tham khảo thêm: 

trẻ béo phì có nguy cơ gì
Bệnh béo phì ở trẻ em cũng có thể xuất hiện do trẻ ít vận động thể lực.

Trẻ bị béo phì phải làm sao?

Khi trẻ mắc bệnh béo phì, bố mẹ cũng nên lưu ý một vài điều để có thể hỗ trợ tích cực cho trẻ trong quá trình điều trị bệnh.

Xây dựng cho trẻ thói quen ăn uống và vận động lành mạnh

Điều quan trọng nhất là bố mẹ điều chỉnh cho trẻ thói quen ăn uống hợp lý và lựa chọn cho trẻ những thực phẩm lành mạnh, đồng thời tăng cường các hoạt động thể dục, thể thao cho trẻ. 

Hãy hạn chế cho trẻ thu nạp vào cơ thể các thực phẩm giàu năng lượng và cung cấp năng lượng dư thừa như dầu mỡ, bánh kẹo ngọt, đường, thức ăn nhanh…  

Bố mẹ nên cho trẻ hoạt động thể lực ít nhất 60 phút mỗi ngày thông qua các trò chơi và các môn thể thao như nhảy dây, chạy, đi bộ nhanh, bơi lội… Bố mẹ hãy ưu tiên cho trẻ chơi những môn thể thao mà mình yêu thích vì điều đó sẽ giúp khuyến khích trẻ hoạt động thể chất nhiều hơn. 

Sử dụng thuốc để điều trị

Những trẻ béo phì cần được bổ sung các chất như đạm, vitamin, chất xơ, omega3, khoáng chất…, tùy tình trạng bệnh của mỗi trẻ. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc còn được áp dụng để điều trị các biến chứng của bệnh béo phì.

Tìm đến sự can thiệp của bác sĩ và chuyên gia

Bố mẹ nên tìm đến sự giúp đỡ của các bác sĩ, chuyên gia tư vấn tâm lý, vận động và dinh dưỡng để kết hợp nhiều biện pháp nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của trẻ liên quan đến việc vận động và văn uống, giúp trẻ có lối sống và sinh hoạt lành mạnh, tích cực hơn.

ODPHUB hy vọng bài viết trên đã đem đến cho bố mẹ những thông tin hữu ích nhất về bệnh béo phì ở trẻ em.

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận