5 sai lầm bố mẹ thường mắc phải khi rèn con ăn uống lành mạnh

Thể chất & Dinh dưỡng - 18/02/2020

Bố mẹ nào cũng muốn trẻ có thói quen ăn uống lành mạnh và tránh xa những thực phẩm có hại. Nhưng làm thế nào để rèn luyện thói quen tốt đó cho trẻ?

Khi trẻ mới tập ăn dặm, trẻ thường vui vẻ và hào hứng ăn những món bố mẹ cho mà chẳng biết đòi hỏi gì. Nhưng càng lớn lên, đặc biệt khi bước qua tuổi lên 3 thì nhu cầu ăn uống của trẻ bắt đầu định hình thói quen ăn uống rõ rệt. Đa số trẻ đều thích ăn đồ ngọt như bánh kẹo, nước ngọt có gas, đồ ăn nhanh và không hứng thú với các món rau, củ, quả...

Vậy làm thế nào để giúp trẻ hình thành thói quen ăn uống lành mạnh, tự giác tập ăn những món ăn tốt và tránh xa đồ ăn có hại? Hãy cùng ODPHUB liệt kê ra những sai lầm bố mẹ thường gặp khi rèn con ăn uống lành mạnh nhé.

1. Hạn chế đồ ăn ngọt nhằm giúp trẻ ăn uống lành mạnh

Rất nhiều bố mẹ đã bắt đầu hành trình rèn thói quen ăn uống lành mạnh bằng cách hạn chế lượng đồ ngọt của trẻ. Nhưng bố mẹ càng cấm đoán bao nhiêu, càng khiến trẻ thấy thèm ăn những thứ đó bấy nhiêu.

Thay cho việc hạn chế số lượng thì bố mẹ nên kiểm soát về thời gian. Chẳng hạn như mỗi tuần trẻ sẽ có một lần được ăn đồ ngọt nhiều một chút, từ bánh kẹo đến sôcôla, sữa có đường... Việc được ăn thoải mái như thế sẽ khiến trẻ không còn quá thèm đồ ngọt nữa mà không bị hậm hực khi bố mẹ không cho ăn.

Bé ăn đồ ngọt
Nhiều bố mẹ đã bắt đầu hành trình rèn thói quen ăn uống lành mạnh bằng cách hạn chế lượng đồ ngọt của trẻ

2. Bày đồ ăn ngon trước mắt trẻ nhưng không cho ăn

Nhiều bố mẹ biết con thích ăn món gì không tốt cho sức khỏe nhưng vẫn bày món đó lên bàn và không cho trẻ đụng tới. Hoặc thậm chí trong ngày lễ tết hay ở buổi liên hoan, khi mọi người đều vui vẻ uống nước ngọt ăn bánh kẹo thì bố mẹ sẽ cấm trẻ ăn dù chỉ một miếng. Đây là hình phạt vô cùng nặng nề và có phần bất công đối với trẻ.

Có một cách khác để giúp trẻ từ bỏ dần dần thói quen ăn uống không tốt đó là bố mẹ hãy cất kỹ những loại đồ ăn ấy ở nhà và hạn chế số lần cho trẻ ăn. Trẻ chỉ được ăn ở bàn ăn và xong xuôi thì lại cất đồ ăn vào chỗ cũ, phải chờ đợi đến lần ăn kế tiếp. Như vậy trẻ sẽ không thấy mình bị cấm đoán quá mức và ăn uống cũng có quy củ hơn.

3. Để trẻ thật đói mới cho ăn

Khi trẻ biết nói, dù đang buồn chán, thất vọng hay thèm ăn vặt thì trẻ thường nói “Con đói”. Vì thế mà nhiều bố mẹ chọn cách để trẻ kêu đói nhiều lần, cho thấy trẻ đói bụng thực sự thì mới cho con ăn.

Để tránh thói quen lúc nào cũng kêu đói này, bố mẹ đừng nên cho trẻ ăn vặt quá nhiều, mà cũng nên xác định giờ nhất định cho bữa ăn phụ. Dần dà trẻ sẽ hiểu rằng chỉ nên ăn khi đang đói bụng, không ăn chỉ vì thấy chán hay chẳng biết làm gì. Ăn vặt không giờ giấc sẽ khiến trẻ ăn uống quá đà gây ra thừa cân.

trẻ đói ăn
Nhiều bố mẹ chọn cách để trẻ kêu đói nhiều lần, cho thấy trẻ đói bụng thực sự thì mới cho con ăn

4. Cấm đoán quá triệt để

Ngay cả khi bố mẹ liên tục nói về tác hại của đồ ngọt hay đồ ăn nhanh, cấm không cho trẻ ăn, cất hết những đồ ăn đó không cho trẻ động vào… thì nó sẽ gây tác dụng ngược. Điều đó càng khiến trẻ tò mò và thèm ăn nhiều hơn mà thôi.

Thay vào đó, bố mẹ vẫn cho trẻ ăn đồ ngọt, đồ ăn nhanh nhưng với lượng vừa phải, vào những thời điểm nhất định. Chẳng hạn đến cuối tuần trẻ sẽ được ăn một bữa gà rán khoai tây chiên, hoặc một buổi chiều được ăn bánh kẹo. Trẻ sẽ coi đấy là niềm vui đáng mong chờ và chấp nhận ăn những món khác vào các ngày trong tuần.

5. Bỏ qua ảnh hưởng của sự căng thẳng

Rất nhiều bố mẹ đã không chú ý đến việc kiểm soát căng thẳng cho trẻ. Nhiều khi càng căng thẳng, người ta có xu hướng ăn nhiều hơn. Có những trẻ nhỏ ăn uống không ngừng là do chúng đang bị stress nhưng bố mẹ lại không nhận ra.

trẻ căng thẳng chán ăn
Có những trẻ nhỏ ăn uống không ngừng là do chúng đang bị stress nhưng bố mẹ lại không nhận ra.

Vì thế, nếu thấy trẻ có hiện tượng thay đổi thói quen ăn uống cũng như một vài biểu hiện khác như mất ngủ, ít nói chuyện, buồn rầu thì bố mẹ hãy quan tâm trò chuyện với trẻ trước khi nghĩ đến việc ép trẻ ăn uống lành mạnh nhé.

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận