Phương pháp giáo dục sớm thịnh hành nhất thế giới
Trí não & Nhận thức - 04/12/2019
Các phương pháp giáo dục sớm được ODP giới thiệu dưới đây đều là những phương pháp được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng.
Giáo dục sớm đang dần trở thành xu hướng tại Việt Nam. Rất nhiều bố mẹ tìm hiểu về các phương pháp giáo dục sớm và tìm cách áp dụng cho con sao cho phù hợp. Dưới đây là 5 phương pháp giáo dục sớm nổi tiếng và được nhiều bố mẹ trên thế giới ứng dụng.
Phương pháp giáo dục Montessori
Xây dựng và phát triển bởi chuyên gia giáo dục người Ý Maria Montessori, phương pháp Montessori được rất nhiều chuyên gia giáo dục thế giới áp dụng. Với phương châm “dạy trẻ để học tốt hơn”, Montessori tạo dựng cho trẻ môi trường để trẻ có thể phát huy được tiềm năng vốn có của bản thân thay vì định hướng trẻ.
Trong các lớp học Montessori, giáo viên được coi là người hướng dẫn và hỗ trợ các hoạt động mà trẻ lựa chọn. Hình ảnh quen thuộc trong các lớp học Montessori đó là mỗi trẻ ngồi một góc, say sưa làm hoạt động yêu thích của mình. Nhờ thế, trẻ không cảm thấy gượng ép khi tham gia các hoạt động học tập và tự giác tìm tòi, sáng tạo nhiều hơn.
Phương pháp Glenn Doman
Phương pháp Glenn Doman được xây dựng và phát triển bởi bác sĩ, chuyên gia tâm lý Glenn Doman. Ông tin rằng mỗi đứa trẻ đều là thiên tài nếu trong 6 năm đầu đời, bố mẹ cung cấp đủ kiến thức, thông tin cho trí não của trẻ phát triển. Theo Glenn Doman, bố mẹ là người thầy đầu tiên của con, cũng là người đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ.
Glenn Doman tập trung phát triển khả năng vận động và trí tuệ của trẻ. Các bài tập vận động của Glenn Doman ngoài việc giúp trẻ phát triển các nhóm cơ còn giúp trẻ phát triển các giác quan nữa. Về mặt trí tuệ, trẻ được học đọc, học toán từ sớm thông qua việc tráo các các thẻ flashcard.
Phương pháp giáo dục sớm Steiner
Phương pháp giáo dục Steiner do nhà giáo dục, triết gia người Áo Waldorf do Rudolph Steiner phát triển. Không đi theo hướng truyền dạy kiến thức cho con người, Steiner lại tập trung phát triển ba yếu tố quan trọng nhất của con người đó là: suy nghĩ, cảm xúc và ý chí. Các lớp học theo phương pháp Steiner thường cho trẻ tham gia các hoạt động nghệ thuật, đọc sách,..v.v nhằm thúc đẩy sự liên kết và sáng tạo của trẻ. Trẻ được chủ động tham gia trực tiếp vào việc sáng tạo các hoạt động trên, từ đó tạo được dấu ấn cá nhân. Nhờ đó, những tiềm năng vốn có của trẻ sẽ được khai phá và phát huy.
Phương pháp giáo dục sớm Reggio Emilia
So sánh các phương pháp giáo dục sớm như Reggio Emilia hay Montessori, nhiều bố mẹ dễ nhầm lẫn do mục tiêu và cách thức thực hiện có phần giống nhau. Triết lý của Reggio Emilia đó là trẻ nhỏ đều có tiềm năng phát triển riêng và những tiềm năng này sẽ được phát huy thông qua trí tò mò của trẻ.
Tuy nhiên, khác với phương pháp Montessori là có giáo trình cụ thể, Reggio Emilia lại dạy không có giáo trình hay học cụ theo quy chuẩn. Trẻ được làm mọi thứ mình thích và giáo viên sẽ là người ghi lại những hoạt động đó và hỗ trợ trẻ khi cần. Môi trường học của phương pháp giáo dục sớm này rất quan trọng. Các trường học Reggio Emilia được coi là “xưởng nghệ thuật”, nơi trưng bày các loại vật liệu sáng tạo như đất sét, màu nước hay các sản phẩm của trẻ. Trẻ sẽ được tùy thích sáng tạo và thể hiện suy nghĩ của mình thông qua việc thực hiện các dự án nhờ những vật liệu trên.
Phương pháp giáo dục STEAM
Là một trong những phương pháp giáo dục sớm hiện đại, STEAM đang được rất nhiều các trường mầm non tại Việt Nam nghiên cứu và áp dụng. STEAM là sự kết hợp của nghệ thuật với STEM (viết tắt của Công nghệ - Technology, Khoa học - Science, Kỹ thuật - Engineering và Toán học - Mathematics). Việc kết hợp này sẽ giúp trẻ không chỉ nắm bắt kiến thức gắn liền với thực tiễn mà còn thúc đẩy khả năng sáng tạo của trẻ.
Khác với giáo dục truyền thống, STEAM đánh giá học sinh thông qua cả quá trình thay vì kết quả đơn thuần. Trẻ cũng được học những kiến thức về công nghệ, khoa học, kỹ thuật hay toán một cách thực tế nhất, rút gắn khoảng cách về thực tiễn và lý thuyết. Trẻ là người trực tiếp tham dự vào các dự án khoa học, giáo viên chỉ đóng vai trò người hỗ trợ bên ngoài.
Tuy nhiên, STEAM cần một nguồn lực rất lớn về nguồn lực về tài chính và công nghệ nên không phải trường mầm non nào cũng áp dụng STEAM vào công việc giảng dạy được. Nhiều giáo viên vẫn chưa đủ khả năng cập nhật với hình thức giảng dạy mới. Mặc dù vậy, bố mẹ vẫn có thể áp dụng tinh thần của STEAM ở nhà bằng cách khuyến khích trẻ đặt câu hỏi thật nhiều, nuôi dưỡng trí tò mò của trẻ.
Mong rằng sau khi được ODPHUB giải đáp về những phương pháp giáo dục sớm thịnh hành hiện nay, bố mẹ đã bớt hoang mang trong việc lựa chọn phương pháp giáo dục cho con. Dù có chọn phương pháp gì, bố mẹ cũng nên nhớ: tình yêu thương mới là cội nguồn của mọi phương pháp bố mẹ nhé.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận