Những phong cách học tập của trẻ mầm non mà bố mẹ cần biết

Trí não & Nhận thức - 14/02/2020

Mỗi trẻ có thể tiếp thu kiến thức hiệu quả theo những cách khác nhau. Nếu hiểu được các phong cách học tập của trẻ mầm non, bố mẹ sẽ dễ tạo được những điều kiện học tập thuận lợi cho con mình.

Có trẻ tiếp nhận thông tin rất tốt qua hình ảnh, có trẻ lại thích học qua âm thanh. Vì vậy, bố mẹ nên nắm rõ đặc điểm của từng trẻ để đưa ra được phương thức học tập hiệu quả cho trẻ. Dưới đây là một số phong cách học tập của trẻ mầm non khá phổ biến.

Những phong cách học tập của trẻ mầm non

Mặc dù phong cách học tập có thể thay đổi khi trẻ lớn lên, nhưng trẻ mầm non chủ yếu tiếp thu kiến thức thông qua ba phương thức chính sau:

  • Học trực quan: Trẻ học trực quan thường ghi nhớ hiệu quả khi thông tin được trình bày dưới dạng hình ảnh hoặc đồ thị. Thông thường, trẻ học trực quan cũng nhớ các con số và mặt chữ tốt hơn những trẻ học theo phong cách khác.
  • Học qua thính giác: Những trẻ học qua thính giác có thể hiểu thông tin tốt hơn nếu được lắng nghe chúng. Trong giáo dục sớm, trẻ thích kể chuyện hoặc nghe kể chuyện, và coi đó là cách để ghi nhớ thông tin.
  • Học thông qua vận động: Những trẻ này sẽ học tập hiệu quả nếu được cầm, thực hiện các thao tác với đồ vật, được tham gia vào các hoạt động thể chất có liên quan.

Em bé tiếp thu thông tin bằng đọc sách vì phong cách học tập của trẻ mầm non mà em theo là học trực quan.
Một số phong cách học tập của trẻ mầm non phổ biến là: học trực quan, học qua thính giác và học qua vận động.

Dần dần, khi học các kỹ năng mới như đọc, viết, tư duy logic và các kỹ năng xã hội, thì trẻ cũng có thể sẽ áp dụng các phong cách học tập khác nhau. Tuy nhiên, những thay đổi này sẽ ít xuất hiện trong giai đoạn mầm non.

Một số phong cách học tập khác của trẻ mầm non

Ngoài những cách học phổ biến trên, một số trẻ mầm non cũng có những phong cách học khác, như:

  • Học bằng lời nói: Trong giáo dục sớm, những trẻ học bằng lời nói và học bằng thính giác có nhiều điểm tương đồng, vì đều dễ tiếp thu thông tin qua các câu chuyện. Tuy nhiên, khi lớn hơn, những trẻ học bằng lời nói thích học qua việc đọc, viết và lắng nghe thông tin. Còn trẻ học qua thính giác thường tập trung vào âm nhạc và âm thanh, chứ không nhất thiết thích đọc hoặc nghe.
  • Học bằng toán và tư duy logic: Những trẻ này học toán và các môn khoa học tốt hơn những trẻ cùng tuổi và thường tập trung tìm quy luật cho các sự vật, hiện tượng. Bố mẹ có thể dùng cách lý giải logic khi giúp trẻ học, để trẻ tiếp thu thông tin tốt hơn.
  • Học bằng tương tác: Tương tác với mọi người xung quanh cũng là một yếu tố quan trọng trong quá trình học tập. Một số trẻ sẽ học tốt hơn khi học cùng với một nhóm bạn. Ngược lại, một số trẻ lại thích học một mình. Bố mẹ có thể phân biệt được nếu quan sát xem trẻ thích chơi một mình hay là chơi với các bạn.

X

Hai em bé gái đang tương tác với nhau trong lớp học.
Một số phong cách học tập của trẻ mầm non khác là học bằng lời nói, học bằng tư duy logic và học bằng tương tác

>>> Xem thêm: 5 cách giúp bố mẹ thúc đẩy khả năng tương tác của trẻ. Bố mẹ hãy click để tìm hiểu thêm nhé! 

Cách hỗ trợ trẻ mầm non học tập hiệu quả

Giáo dục sớm đòi hỏi nhiều công sức và thời gian. Tùy vào phong cách của từng trẻ, bố mẹ có thể tạo điều kiện cho trẻ học hiệu quả, như cho trẻ đọc sách, xem tranh ảnh hay tham gia thực hành. Thậm chí, bố mẹ có thể thử nhiều cách tiếp cận để xem trẻ tiếp thu hiệu quả nhất theo cách nào.

Em bé đang vẽ tranh.
Bố mẹ nên dành nhiều thời gian đầu tư cho giáo dục sớm.

Giáo dục sớm giúp trẻ có một nền tảng vững chắc, hỗ trợ việc học tập sau này của trẻ. Vì vậy, bố mẹ hãy cố gắng dành nhiều thời gian để đồng hành với trẻ nhé. 

Mong rằng những thông tin trong bài viết này của ODP đã giúp bố mẹ hiểu thêm về các phong cách học tập của trẻ mầm non, từ đó có cách dạy trẻ thật phù hợp.

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận