5 cách giúp bố mẹ thúc đẩy khả năng tương tác của trẻ
Trí não & Nhận thức - 23/09/2019
Tương tác với con mình là điều bố mẹ nào cũng nên làm mỗi ngày, bởi việc tương tác giúp kích thích não trẻ phát triển rất mạnh mẽ. Vậy có những cách nào để bố mẹ tương tác tốt với con nhỉ?
Những tương tác qua lại giữa bố mẹ và con không chỉ giúp tăng cường sự gắn bó, mà còn giúp xây dựng một nền tảng vững chắc cho sự phát triển não bộ của trẻ. Và thực ra, có rất nhiều cách đơn giản để bố mẹ tăng khả năng tương tác của trẻ đấy!
Hãy để ý đến những tín hiệu mà trẻ phát đi, và quan tâm đến những điều trẻ đang chú ý
Khi trẻ đang nhìn chăm chú hoặc chỉ tay về một thứ nào đó, đang hét to và khuôn mặt tỏ ra phấn khích, hoặc khua chân múa tay…, thì đó chính là những tín hiệu mà trẻ phát đi. Việc bố mẹ cần làm là chú ý xem trẻ đang tập trung vào chuyện gì. Tất nhiên, bố mẹ không thể làm như vậy suốt cả ngày, nên hãy tranh thủ những khoảnh khắc nho nhỏ, như khi cùng con xếp hàng hoặc lúc thay đồ cho con.
Bằng cách này, bố mẹ sẽ hiểu rất nhiều về các khả năng, nhu cầu, sở thích của con mình, để khuyến khích con khám phá. Từ đó, bố mẹ và con sẽ càng gắn bó hơn.
Đáp lại trẻ bằng những lời hỗ trợ và khuyến khích
Trẻ luôn thấy dễ chịu khi được bố mẹ dành cho những lời nói dịu dàng, những cái ôm, được giúp đỡ, được chơi đùa, được thấu hiểu. Khi trẻ đang quan tâm, hào hứng với điều gì đó, bố mẹ cũng nên tỏ ra phấn khích, gật đầu, mỉm cười hoặc nói vài lời để trẻ thấy được bố mẹ chia sẻ. Bố mẹ cũng có thể cầm món đồ mà trẻ đang chỉ và mang đến gần trẻ hơn.
Những lời động viên, hỗ trợ chính là phản ứng đáp lại rất đáng giá đối với sự tò mò và hứng thú của trẻ. Ngược lại, việc bố mẹ thờ ơ sẽ khiến trẻ căng thẳng, buồn bã. Khi được bố mẹ đáp lại, trẻ hiểu rằng mọi suy nghĩ, cảm xúc của mình đều được lắng nghe và thấu hiểu.
Gọi tên mọi sự vật
Khi bố mẹ nói tên điều mà trẻ đang nhìn, đang làm hoặc đang cảm thấy, thì những kết nối ngôn ngữ quan trọng sẽ hình thành trong não trẻ, ngay cả khi trẻ chưa biết nói hoặc chưa hiểu được lời bố mẹ nói. Bố mẹ có thể gọi tên bất kỳ điều gì, ví dụ như khi trẻ đang nhìn bàn chân mình, bố mẹ có thể nói: “Bàn chân của con đấy”.
Bằng cách này, bố mẹ sẽ giúp trẻ hiểu được thế giới quanh mình và biết phán đoán, đồng thời, trẻ cũng được mở rộng vốn từ và biết là mình được quan tâm.
Hành động lần lượt và chờ đợi
Mỗi khi bố mẹ đáp lại một tín hiệu của trẻ, hãy cho trẻ thời gian để phản hồi. Từ đó, trẻ sẽ hiểu được khái niệm lần lượt, qua lại khi tương tác. Bố mẹ nên kiên nhẫn, vì trẻ vẫn đang học hỏi rất nhiều thứ mà!
Việc hành động lần lượt giúp trẻ học được khả năng kiểm soát bản thân, cũng như học cách hòa hợp với người khác. Còn bằng cách chờ đợi, bố mẹ sẽ cho trẻ thời gian để suy nghĩ, tăng cường sự tự tin và độc lập của trẻ.
Nhận ra dấu hiệu bắt đầu và kết thúc
Trẻ sẽ thể hiện những tín hiệu nhất định mỗi khi đã xong một việc gì đó và chuyển sang hoạt động mới, ví dụ như buông đồ chơi xuống, cầm thứ khác lên, quay nhìn hoặc đi ra chỗ khác… Khi đó, bố mẹ nên hiểu là trẻ đã hết hứng thú với việc đang làm và muốn bắt đầu việc khác.
Khi bố mẹ để trẻ chủ động thể hiện, trẻ sẽ cảm thấy được tự do khám phá thế giới của mình, đồng thời bố mẹ có nhiều cơ hội hơn để tương tác với con.
Sự tương tác hai chiều khiến trẻ rất vui vẻ và đến khi lớn lên cũng luôn sẵn sàng chia sẻ với bố mẹ. Đồng thời, điều này cũng giúp xây dựng nền tảng cho việc học tập, thể hiện hành vi, cũng như những kỹ năng đối diện với thử thách của trẻ sau này.
Nguồn: Havard
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận