Trẻ sơ sinh bị ọc sữa nhiều, bố mẹ nên xử lý ra sao?
Thể chất & Dinh dưỡng - 04/09/2020
Nguyên nhân trẻ sơ sinh ọc sữa nhiều là gì? Hiện tượng này có nguy hiểm hay không? Bố mẹ cùng ODPHUB tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Nôn trớ, ọc sữa là tình trạng xảy ra khá phổ biến ở trẻ sơ sinh. Vậy nhưng khi trẻ sơ sinh bị ọc sữa nhiều, hẳn bố mẹ nào cũng cảm thấy lo lắng và không biết phải làm sao để cải thiện tình trạng cho con. Trên thực tế, đa số trẻ sơ sinh ọc sữa là do nguyên nhân sinh lý và không cần thiết phải điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, nếu trẻ thường xuyên nôn trớ, ọc sữa, ảnh hưởng tới cân nặng và đường hô hấp thì rất có thể con đang mắc chứng trào ngược dạ dày thực quản và bố mẹ cần sớm đưa con đi khám bác sĩ.
Tại sao trẻ sơ sinh bị ọc sữa nhiều?
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng ọc sữa ở trẻ sơ sinh, trong đó hầu hết các trường hợp đều do nguyên nhân sinh lý, bao gồm:
- Hệ tiêu hóa của trẻ chưa phát triển đầy đủ và còn non yếu. Ở giai đoạn sơ sinh, dạ dày của trẻ nhỏ, nằm ngang và có vị trí cao hơn so với người trưởng thành.
- Trẻ ăn quá no hoặc thay đổi tư thế đột ngột (do hoạt động cơ thắt tâm vị còn yếu và chưa được ổn định nên con sẽ dễ bị ọc sữa).
- Trong trường hợp trẻ bú sữa công thức, vì sữa công thức thường khiến trẻ mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa nên sẽ dễ khiến con bị đầy bụng, dẫn tới ọc sữa.
- Trẻ bú quá nhanh, cùng lúc nuốt nhiều không khí rồi sau đó bị nấc cụt, dẫn tới ọc sữa.
- Trẻ bị dị ứng với thức ăn.
Ban đầu, đa số trẻ sơ sinh bị ọc sữa là do nguyên nhân sinh lý. Tuy nhiên, nếu bố mẹ không sớm tìm cách điều chỉnh, khắc phục kịp thời thì rất có thể sẽ dẫn tới bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản.
Ngoài ra, cũng có một số ít các trường hợp trẻ sơ sinh thường xuyên ọc sữa do các nguyên nhân bệnh lý như trẻ mắc chứng lồng ruột, chứng hẹp phì đại môn vị...
Trẻ bị ọc sữa là như thế nào?
Có nhiều mức độ ọc sữa khác nhau ở trẻ sơ sinh. Có trẻ có biểu hiện nhẹ, chỉ trớ một chút ra khóe miệng. Nhưng cũng có những trẻ ọc sữa rất nhiều, sữa trớ mạnh vọt ra bên ngoài khiến bố mẹ lo lắng.
Vậy trẻ bị ọc sữa có nguy hiểm không? Trong trường hợp tình trạng ọc sữa của trẻ nghiêm trọng hơn và trở thành trào ngược dạ dày thực quản, bố mẹ sẽ thấy có những biểu hiện dưới đây:
Mức độ nhẹ
- Trẻ thường xuyên nằm cong lưng vì axit dịch vị dạ dày trào lên thực quản.
- Con hay ợ hơi, nôn trớ, ho, sặc khi bú.
- Cân nặng trẻ tăng chậm, trẻ biếng ăn.
- Trẻ ngủ không ngon giấc, rối loạn giấc ngủ.
Mức độ nặng
- Trẻ khóc thét, quấy khóc nhiều khi đang ngủ.
- Hơi thở trẻ chua, có mùi axit.
- Trẻ thường xuyên táo bón hoặc đi tiểu phân lỏng.
- Trẻ bị viêm tai giữa, viêm phổi...
Tình trạng trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể để lại những biến chứng như suy dinh dưỡng, hẹp thực quản, viêm thực quản…
Để có thể phân biệt trẻ đang ọc sữa do sinh lý hay đã bị trào ngược dạ dày thực quản, bố mẹ có thể tham khảo cách nhận biết dưới đây:
- Đối với ọc sữa sinh lý: Tần suất xảy ra ít, trẻ thường ọc sữa khi quá no, cười đùa nhiều ngay sau khi ăn hoặc do bú quá nhanh. Lúc này, trẻ không có những biểu hiện cho thấy con đang cảm thấy khó chịu.
- Đối với trào ngược dạ dày thực quản: Trẻ thường xuyên ọc sữa, ngay cả khi không ăn quá no, thậm chí nôn trớ ngay sau khi ngủ một giấc, đôi khi trớ ra sữa vón cục đã tiêu hóa trong dạ dày.
Trẻ hay bị ọc sữa phải làm sao?
Khi tình trạng ọc sữa xảy ra, bố mẹ nên nhanh chóng đặt trẻ nằm nghiên sang một bên để sữa trào ra ngoài miệng. Việc này giúp ngăn ngừa nguy cơ trẻ bị ọc sữa lên mũi hay vào vòi tai, gây ra tình trạng viêm tai giữa. Sau đó, hãy tiến hành rửa mũi cho con bằng nước muối sinh lý.
Vậy “trẻ bị ọc sữa bao lâu cho bú lại?”. Câu trả lời là sau ít nhất 30 phút: bố mẹ nên lưu ý không cho trẻ ăn ngay sau khi con bị ọc sữa mà hãy đợi ít nhất 30 phút sau rồi cho con ăn lại.
Cách hạn chế nguy cơ trẻ bị ọc sữa
Để hạn chế nguy cơ khiến trẻ sơ sinh bị ọc sữa, cách đơn giản nhất bố mẹ có thể làm là thay đổi thói quen chăm sóc trẻ cũng như chú ý tới chế độ dinh dưỡng của con bằng cách:
- Chia nhỏ các cữ bú của trẻ, cho con ăn vào những khung giờ nhất định, đồng thời chú ý cho con ăn với lượng vừa phải để tránh tình trạng trẻ ăn quá no.
- Tránh nô đùa với trẻ quá nhiều sau khi con vừa ăn xong.
- Khi cho trẻ bú, mẹ nên cho con bú ở tư thế ngồi. Nếu mẹ có nhiều sữa, hãy dùng hai ngón tay kẹp núm vú lại để dòng sữa chảy chậm hơn, giúp điều chỉnh lượng sữa trẻ bú, tránh trường hợp con bú quá nhanh và nuốt phải quá nhiều không khí.
- Trong trường hợp trẻ bú sữa công thức, bố mẹ có thể sử dụng các loại sữa thủy phân để con dễ tiêu hóa hơn.
Khi nào cần đưa trẻ đi khám?
Ọc sữa là tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh từ 1-4 tháng tuổi. Tuy vậy, khoảng 60% trẻ khi lên 6 tháng tuổi sẽ ít bị ọc sữa hơn vì đây là giai đoạn con đã bắt đầu ăn dặm với các loại thức ăn đặc hơn so với sữa. Khoảng 90% trẻ sẽ hết ọc sữa khi lên 1 tuổi.
Tuy nhiên, nếu thấy trẻ sơ sinh bị ọc sữa nhiều, liên tục, chậm tăng cân, biếng ăn thì bố mẹ nên đưa con tới gặp bác sĩ để được khám và xác định rõ nguyên nhân có phải do bệnh lý hay không, từ đó đưa ra các phương pháp hỗ trợ, điều trị phù hợp và kịp thời.
>>> Tham khảo thêm: Làm thế nào để biết bé đã bú đủ: dấu hiệu để biết bé đã no
ODPHUB hy vọng bài viết trên đã đem đến cho bố mẹ những thông tin hữu ích nhất về tình trạng trẻ sơ sinh bị ọc sữa nhiều.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận