Trẻ bị mộng du phải làm sao?
Thể chất & Dinh dưỡng - 08/09/2020
Mộng du ở trẻ em nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ có thể dẫn tới hậu quả khôn lường. Vậy trẻ bị mộng du phải làm sao? Bố mẹ cùng ODPHUB tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Mộng du là một dạng rối loạn giấc ngủ, thường xảy ra ở giai đoạn pha ngủ REM (giấc ngủ mắt chuyển động nhanh). Khi bị mộng du, trẻ thường không nhận thức được về những gì đang xảy ra và sau khi tỉnh dậy cũng không nhớ những việc mình đã làm trong khi ngủ. Vậy trẻ bị mộng du phải làm sao?
Biểu hiện cho thấy trẻ ngủ hay bị mộng du
Khi mộng du, trẻ thường không có những biểu hiện cảm xúc. Đa số những lần mộng du xuất hiện vào khoảng thời gian từ 1-2 giờ sau khi trẻ ngủ. Lúc này, bố mẹ sẽ thấy trẻ:
- Đi bộ và thực hiện các hành động như khi còn thức, ví dụ như ăn, mặc quần áo...
- Trò chuyện lẩm bẩm trong khi ngủ.
- Các cử động có vẻ vụng về, thực hiện các hoạt động lặp đi lặp lại như mở cửa - đóng cửa, đi vòng tròn…, đôi khi đi lang thang vào các khu vực không an toàn.
- Sau khi thức dậy thường không nhớ những gì mình đã làm khi mộng du.
- La hét. Đây là triệu chứng khá phổ biến ở những người mộng du.
- Đôi khi có hành vi bạo lực.
- Không phản hồi khi có người khác hỏi, thường không nhận thức được sự hiện diện của người khác.
Nguyên nhân trẻ bị mộng du
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng mộng du ở trẻ nhỏ, chẳng hạn như:
- T=hiếu ngủ, thói quen ngủ bất thường, giờ giấc đi ngủ không cố định.
- Thường xuyên bị căng thẳng, lo âu.
- Một số loại bệnh lý ảnh hưởng tới giấc ngủ như động kinh, hội chứng ngưng thở khi ngủ, hội chứng chân không yên (RLS)...
- Bàng quang căng quá mức (và khiến trẻ đi tiểu ở những nơi không phù hợp khi mộng du).
- Di truyền.
- Sử dụng thuốc an thần, bị chấn thương đầu, chứng đau nửa đầu.
Để chẩn đoán mộng du, trước hết các bác sĩ sẽ thu thập thông tin về thói quen ăn ngủ và tiền sử bệnh của trẻ, sau đó tiến hành các xét nghiệm về sinh lý và tâm lý.
Cách trị trẻ bị mộng du
Khi thấy trẻ bị mộng du, bố mẹ đừng nên quá hoảng sợ, đồng thời không nên cố gắng đánh thức con để tránh khiến con bối rối, sợ hãi. Ngoài ra, bố mẹ có thể:
- Nhẹ nhàng hướng dẫn trẻ quay trở lại giường và theo dõi trẻ cho đến khi con ngủ một cách an toàn.
- Tránh hét hay nói to tiếng với con vì việc này có thể khiến trẻ giật mình, hoảng sợ.
- Không nên trói chân tay trẻ. Việc này có thể khiến trẻ trở nên bạo lực hơn để tự vệ.
Tuy nhiên, bố mẹ nhiều khi không thể ở bên để theo dõi trẻ ngủ cả đêm. Do đó, dưới đây là một số cách bố mẹ có thể áp dụng để giữ an toàn cho trẻ khi ngủ:
- Loại bỏ những vật có cạnh sắc nhọn có thể gây thương tích trong phòng con.
- Tránh đặt trong phòng ngủ của trẻ những món đồ dễ khiến trẻ vấp ngã.
- Đặt song chắn ở cửa phòng hoặc đường ra cầu thang.
- Khóa kỹ cửa sổ trong phòng trẻ.
- Không cho trẻ ngủ trên giường tầng.
>>> Tham khảo thêm: Thực phẩm không nên cho trẻ ăn trước khi đi ngủ bố mẹ nên tránh
Cách phòng tránh tình trạng mộng du ở trẻ em
Để phòng tránh trẻ bị mộng du, bố mẹ hãy tham khảo những lời khuyên dưới đây:
- Tạo cho trẻ giờ ngủ cố định mỗi ngày, dù là ngày trong tuần, ngày cuối tuần hay kỳ nghỉ, đồng thời đảm bảo trẻ luôn được ngủ đủ giấc.
- Hình thành cho trẻ thói quen thư giãn vào thời điểm trước khi đi ngủ, ví dụ như đọc sách hoặc nghe nhạc nhẹ nhàng.
- Đảm bảo trẻ được ngủ trong không gian thoải mái bằng cách giữ phòng ngủ yên tĩnh, không có âm thanh ồn ào, đèn ngủ sáng vừa phải, nhiệt độ phòng phù hợp, không quá nóng hoặc quá lạnh.
- Cho trẻ đi vệ sinh trước khi đi ngủ.
- Không cho trẻ uống các loại nước nhiều đường hay caffeine trước khi đi ngủ.
- Thiết lập chế độ dinh dưỡng phù hợp giúp trẻ duy trì cân nặng ổn định, cơ thể khỏe mạnh và ngủ ngon hơn.
- Tạo cơ hội cho trẻ tham gia vào các hoạt động thể chất, vận động cơ thể để có giấc ngủ ngon hơn.
Hiện tượng trẻ em bị mộng du tuy không phải là căn bệnh quá nghiêm trọng, nhưng có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ mà bố mẹ không ngờ tới. Do đó, nếu thấy trẻ có những dấu hiệu bị mộng du, tốt nhất là bố mẹ nên đưa con đi khám để được đưa ra những lời khuyên hữu ích nhất từ bác sĩ và chuyên gia.
ODPHUB hy vọng bài viết trên đã đem đến cho bố mẹ những thông tin hữu ích nhất về vấn đề: “Trẻ bị mộng du phải làm sao?”
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận