Trẻ 9 tháng tuổi biết làm gì và bố mẹ nên dạy con ra sao?
Thể chất & Dinh dưỡng - 03/04/2020
Ở giai đoạn trẻ 9 tháng, câu hỏi mà rất nhiều bậc bố mẹ đặt ra là: “Trẻ 9 tháng tuổi biết làm gì?”. Vậy bố mẹ hãy cùng ODP tìm hiểu qua bài viết sau nhé!
Khi bắt đầu bước vào giai đoạn 9 tháng tuổi, trẻ sẽ trở nên hiếu động và thích thú khám phá thế giới xung quanh hơn. Lúc này, trẻ phát triển về mọi mặt, từ khả năng vận động, thể chất, ngôn ngữ, cho đến cảm xúc, trí tuệ. Con cũng trở nên linh hoạt hơn và bắt đầu biết cách điều chỉnh cảm xúc của bản thân. Vậy trẻ 9 tháng tuổi biết làm gì và bố mẹ nên lưu ý những gì trong quá trình chăm sóc trẻ ở giai đoạn này?
Trẻ 9 tháng tuổi biết làm gì?
Trẻ 9 tháng tuổi biết làm những gì nhỉ? Trên thực tế, cuộc sống của trẻ ở giai đoạn này có những thay đổi nhất định về mọi mặt so với giai đoạn trước. Những thay đổi đó bao gồm:
1. Khả năng ngôn ngữ
Khi đến giai đoạn 9 tháng tuổi, trẻ thường sẽ tập nói nhiều hơn. Bố mẹ có thể dễ dàng nhận thấy rằng giọng của trẻ ở thời điểm này bắt đầu cao hơn. Trẻ ê a và bi bô nhiều hơn, biết nói những từ đơn giản như “baba” mặc dù chưa hiểu được nghĩa của những từ đó.
Trẻ 9 tháng tuổi biết chú ý lắng nghe khi thấy người khác nói chuyện. Đặc biệt, nhiều trẻ còn thích nhìn và bắt chước ê a theo tiếng trò chuyện của người lớn. Do vậy, bố mẹ nên cố gắng giao tiếp thật nhiều với trẻ, ví dụ như kể chuyện cho trẻ nghe hoặc hát cùng trẻ để giúp trẻ học hỏi và phát triển khả năng giao tiếp.
2. Kỹ năng ăn và ngủ
Trẻ 9 tháng tuổi thường có xu hướng thích tò mò và khám phá mọi điều xung quanh. Đối với trẻ, thế giới quanh con đều là những điều mới mẻ và thú vị. Do đó, trẻ cảm thấy hứng thú và thích thử những điều mà mình chưa từng làm, ví dụ như ăn thử tất cả đồ ăn hay cầm và ném đồ ăn văng ra sàn nhà.
Ở giai đoạn này, bố mẹ không nên quá lo lắng về việc con sẽ làm bẩn quần áo, sàn nhà, hay bó buộc trẻ trong một khuôn khổ nhất định để con gọn gàng, ngăn nắp hơn. Thay vào đó, bố mẹ hãy để cho trẻ được tự do khám phá, như tập tự ăn và tự quyết định cách ăn của mình. Hãy để cho trẻ được dùng đôi bàn tay nhỏ bé để cầm nắm đồ ăn theo ý muốn của mình. Việc này sẽ giúp bố mẹ hiểu được phần nào sở thích ăn uống của trẻ, tạo môi trường ăn uống thoải mái cho con, từ đó giúp trẻ ăn uống ngon miệng hơn.
Giấc ngủ vẫn luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trẻ nhỏ. Khi buồn ngủ, trẻ sẽ thường cáu gắt, khóc quấy và thể hiện sự mệt mỏi. Bố mẹ nên chú ý tới những biểu hiện của trẻ để luyện cho con đi ngủ đúng giờ giấc, giúp trẻ ngủ ngon hơn và ngủ được nhiều hơn.
3. Kỹ năng vận động
Vậy đối với kỹ năng vận động, trẻ 9 tháng tuổi biết làm gì? Lúc này, khả năng vận động của trẻ phát triển nhanh chóng: con biết tự mình lấy những món đồ chơi yêu thích bằng cách trường, bò, thậm chí bám hoặc víu vào các đồ vật lớn (như giường, bàn, ghế…) để tập đi những bước ngắn. Cũng có những trường hợp trẻ chưa biết bò nhưng đã có thể tập đi, hay còn được gọi là “trốn bò”.
Do có tính tò mò và thích khám phá, nên trẻ sẽ hoạt động nhiều hơn so với giai đoạn trước. Vậy nên bố mẹ cũng cần lưu ý đảm bảo an toàn khi trẻ chơi trong nhà, không nên để những đồ vật nguy hiểm ở trong phạm vi chơi và tầm với của trẻ. Hãy luôn để trẻ trong tầm mắt và chú ý tới con thường xuyên để có thể kịp thời xử lý nếu có tình huống không may xảy ra.
Nếu trẻ 9 tháng tuổi chưa biết ngồi, bố mẹ cần theo dõi trẻ sát sao để kịp thời đưa trẻ tới gặp bác sĩ để đưa ra những phương pháp hỗ trợ kịp thời. Có nhiều trẻ chỉ là chậm phát triển hơn so với các bạn đồng trang lứa, nhưng cũng có trường hợp trẻ chậm biết ngồi do mắc phải các chứng bệnh về thể chất.
4. Cảm xúc và kết nối xã hội
Ở giai đoạn này, trẻ có xu hướng “bám” bố mẹ nhiều hơn, luôn muốn ở bên bố mẹ cả ngày. Đó là bởi vì lúc này trẻ đã nhận thức được nhiều hơn, nhớ mặt bố mẹ và nhận ra rằng mình luôn có cảm giác an toàn khi ở bên người thân. Do đó, khi không có bố mẹ hoặc khi tiếp xúc với người lạ, trẻ có thể sợ hãi, la hét. Những cảm xúc của trẻ 9 tháng tuổi được biểu hiện khá rõ.
5. Khả năng nhận thức
Đôi khi có thể bố mẹ không biết trẻ 9 tháng tuổi biết làm gì, nhưng lại có thể nhận thấy rất rõ rằng khả năng nhận thức của trẻ 9 tháng tuổi thay đổi theo từng ngày. Ở thời điểm này, trẻ biết tập trung hơn khi chơi, biết đưa mắt nhìn theo đồ chơi của mình khi bị lấy đi, và đặc biệt là rất thích ném những thứ mình đang cầm trên tay. Hơn nữa, trẻ cũng thường hay đưa đồ chơi hoặc những thứ mình cầm được lên miệng. Vậy nên bố mẹ hãy chú ý vệ sinh đồ chơi của trẻ thật sạch sẽ để hạn chế vi khuẩn tấn công, gây bệnh cho trẻ nhé.
Bố mẹ nên nuôi dạy trẻ 9 tháng tuổi như thế nào?
Khi đã hiểu những gì mà trẻ 9 tháng tuổi có thể làm, thì bố mẹ cũng có thể dễ dàng hiểu cá tính của con hơn. Lúc này, bố mẹ hãy tìm hiểu và chấp nhận, từ đó định hướng cách nuôi dạy trẻ càng sớm càng tốt và tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ được phát triển tối đa về mọi mặt. Mỗi trẻ có tính cách và đặc điểm khác nhau, vậy nên bố mẹ nên tránh so sánh trẻ với các bạn khác vì việc này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới cảm xúc của trẻ về sau.
Bố mẹ hãy cố gắng dành thời gian trò chuyện thật nhiều với con trong giai đoạn này. Từ đó, bố mẹ không chỉ tạo điều kiện để trẻ gắn kết tình cảm với mình hơn, mà còn giúp con phát triển các kỹ năng giao tiếp. Hơn nữa, bố mẹ cũng đừng nên ngăn cản những điều mà trẻ muốn thử, đặc biệt là những thứ bản thân trẻ yêu thích, bởi vì như vậy sẽ khiến cản trở hứng thú của trẻ, từ đó trở nên rụt rè và nhút nhát hơn.
ODPHUB hy vọng qua bài viết trên, bố mẹ đã hiểu con hơn và biết trẻ 9 tháng tuổi biết làm gì, từ đó có những biện pháp hỗ trợ trẻ để quá trình phát triển của con diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận