Dạy trẻ thói quen lành mạnh: 6 thói quen bảo vệ sức khỏe cho trẻ

Thể chất & Dinh dưỡng - 07/11/2020

Dạy trẻ thói quen lành mạnh từ sớm sẽ giúp trẻ hình thành ý thức bảo vệ sức khỏe và bản thân cũng như tránh được những tai nạn không đáng có.

Bố mẹ nào cũng mong con mình luôn khỏe mạnh và năng động. Thế nên việc dạy trẻ thói quen lành mạnh là điều mà bố mẹ nên chú trọng thực hiện càng sớm càng tốt. Dạy trẻ thói quen tốt không chỉ là thường xuyên nhắc nhở con chăm sóc và bảo vệ cơ thể, mà bố mẹ còn phải kết hợp giải thích cho trẻ hiểu tại sao mình cần hành động như thế. Có như vậy, trẻ mới hình thành ý thức bảo vệ sức khỏe của mình.

Để làm được điều đó, bố mẹ nên bắt đầu dạy cho trẻ 6 thói quen lành mạnh dưới đây!

Rửa tay sạch sẽ thường xuyên

Rửa tay thật sạch với dung dịch diệt khuẩn có thể ngăn ngừa các loại vi khuẩn gây nhiễm trùng hoặc gieo rắc bệnh tật cho trẻ cũng như cả gia đình. Dạy trẻ thói quen lành mạnh này không chỉ bảo vệ sức khỏe của riêng trẻ mà còn có thể bảo vệ cho cả nhà. 

Thế nên, để dạy trẻ thói quen rửa tay thật sạch, bố mẹ hãy giải thích thật ngắn gọn và đơn giản cho trẻ. Ví dụ: bố mẹ có thể nói rằng “Con hãy rửa tay để tay sạch không còn bùn đất và những con vi khuẩn có thể khiến con bị ốm nhé!”.

Xem thêm: Cách loại bỏ thói quen xấu của trẻ em 

Để củng cố thói quen này, bố mẹ cần hướng dẫn cho con nên rửa tay vào lúc nào. Hãy nhắc nhở con nhẹ nhàng khi con vừa đi vệ sinh xong, khi con vừa đi chơi ở ngoài đường về, sau khi con hắt xì hơi và trước khi ăn uống bất cứ món gì. 

Rửa tay là một trong những điều đầu tiên bố mẹ nên hướng dẫn khi dạy trẻ thói quen lành mạnh.
Rửa tay là một trong những điều đầu tiên bố mẹ nên hướng dẫn khi dạy trẻ thói quen lành mạnh.

Cuối cùng, để có thể rửa thật sạch hoàn toàn bùn đất và vi khuẩn trên tay thì bố mẹ cần hướng dẫn trẻ kỹ thuật rửa tay dưới đây:

  • Mở vòi nước chảy, làm ướt tay;
  • Lấy một lượng gel rửa tay vừa đủ;
  • Xoa đều khắp lòng bàn tay, mu bàn tay và từng ngón tay;
  • Khum các ngón tay lại và xoay tròn 5 đầu ngón tay vào lòng bàn tay còn lại để làm sạch kẽ móng tay;
  • Xoa đều bọt trong ít nhất 20 giây để có thể loại bỏ được vi khuẩn;
  • Cuối cùng là rửa sạch lại với nước và thấm khô tay.

Khi không thể rửa tay bằng nước và xà phòng, hãy hướng dẫn trẻ sử dụng gel rửa tay khô để diệt khuẩn nhanh, tuy nhiên bố mẹ cũng cần dặn dò trẻ rằng gel rửa tay khô không thể tiêu diệt sạch hoàn toàn các loại vi khuẩn được. Thế nên, rửa tay bằng xà phòng với nước vẫn là hành động được ưu tiên nhất.

Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tránh sờ chạm tay lên mặt và miệng. Nếu trẻ có thói quen cắn móng tay, bố mẹ cần giải thích cho trẻ hiểu rằng đó là thói quen xấu và đưa vi khuẩn đi vào cơ thể làm cho trẻ bị ốm.

Che miệng khi hắt xì hơi

Khi hắt hơi, giọt bắn từ miệng chúng ta có thể phát tán trong bán kính 1m. Thế nên, để tránh làm lây lan vi khuẩn trong không khí, bố mẹ hãy hướng dẫn trẻ che miệng khi ho và hắt hơi bằng cách dùng giấy ăn hoặc khuỷu tay của mình.

Trẻ che miệng khi hắt xì
Bố mẹ nên hướng dẫn trẻ che miệng khi hắt xì.

Mỗi khi trẻ hắt xì hoặc ho, bố mẹ hãy nhẹ nhàng nhắc nhở và làm mẫu để tạo thành thói quen cho trẻ.

Dạy trẻ thói quen lành mạnh: Chăm sóc răng miệng

Bố mẹ cần dạy trẻ vệ sinh răng miệng sạch sẽ bằng cách đánh răng 2 lần/ngày với chu trình sau:

  • Làm ướt bàn chải;
  • Lấy một lượng vừa đủ kem đánh răng;
  • Đánh răng và chải lưỡi;
  • Súc miệng thật sạch với nước sạch và tuyệt đối không nuốt bọt kem đánh răng;

Nếu trẻ không kiên nhẫn đánh răng của mình, bố mẹ có thể cho phép trẻ đánh răng cho bố mẹ, rồi sau đó đổi lượt lại để bố mẹ đánh răng cho trẻ. Để trẻ cảm thấy hứng thú hơn với hoạt động này, bố mẹ có thể cho trẻ được lựa chọn loại kem đánh răng và bàn chải mà trẻ yêu thích.

dạy trẻ thói quen đánh răng
Tạo thói quen đánh răng cho trẻ sẽ giúp con có một hàm răng khỏe mạnh.

Khi răng của trẻ mọc lên và dần khít các kẽ răng, bố mẹ nên sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch răng cho trẻ. Bố mẹ chỉ nên cho trẻ sử dụng chỉ nha khoa khi kỹ năng vận động tinh của trẻ đã tốt hơn (khi trẻ được khoảng 10 tuổi).

Ngoài ra, việc thường xuyên đi khám nha khoa cũng là thói quen tốt cần được chú trọng để đảm bảo răng của trẻ luôn chắc khỏe.

Thoa kem chống nắng thường xuyên

Nếu làn da phải chịu quá nhiều tổn thương từ ánh nắng mặt trời thì sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư da. Chính vì lý do này, bố mẹ nên dặn dò trẻ luôn phải bảo vệ da của mình khỏi ánh nắng trực tiếp bằng cách mặc áo che kín da, đội mũ nón và chơi ở dưới bóng râm. Quan trọng nhất, bố mẹ hãy hướng dẫn trẻ thoa kem chống nắng có chỉ số chống nắng ít nhất là SPF 30.

Bảo vệ thân thể khi tham gia giao thông

Dây an toàn trên oto, máy bay hay mũ bảo hiểm xe máy đều được ra đời với mục đích bảo vệ mạng sống của chúng ta khi di chuyển bằng những phương tiện này. Thế nên bố mẹ cần rèn luyện cho trẻ sử dụng những trang bị đó như một thói quen. Trước tiên, bố mẹ cần làm gương cho trẻ, luôn thắt dây an toàn, đội mũ bảo hiểm tùy theo phương tiện sử dụng. Sau đó đảm bảo rằng trẻ cũng đeo những trang bị bảo hộ này.

Chăm chỉ vận động rèn luyện cơ thể

Từ khi trẻ còn rất nhỏ, bố mẹ hãy hướng dẫn cho trẻ cách chăm sóc và rèn luyện cơ thể của mình. Khi hướng dẫn và định hình thói quen vận động cho trẻ, hãy nói những lời tích cực như “Chúng ta cùng chạy bộ để rèn luyện đôi chân khỏe mạnh nhé!” hoặc “Tập thể dục rất tốt cho cơ thể của mình”. Hạn chế tối đa việc dọa trẻ với những lời nói tiêu cực như “Đừng ăn mấy cái đồ ăn nhanh này nếu không con sẽ bị béo đấy!”. Trẻ nhỏ không hiểu hết được hậu quả của bệnh thừa cân béo phì, nên những lời đe dọa như vậy hầu như không có hiệu quả. Thế nên bố mẹ hãy tập trung phát triển một cơ thể và tinh thần khỏe mạnh cho trẻ nhé!

Một trong những điều bố mẹ cần hướng dẫn khi dạy trẻ thói quen lành mạnh đó là tạo thói quen tập thể dục.
Một trong những điều bố mẹ cần hướng dẫn khi dạy trẻ thói quen lành mạnh đó là tạo thói quen tập thể dục.

Dạy trẻ thói quen lành mạnh từ nhỏ có thể giúp trẻ hình thành ý thức bảo vệ sức khỏe và chăm sóc bản thân tốt hơn, đồng thời cũng tránh được các nguy cơ bệnh tật. Thế nên ODPHUB hy vọng rằng bài viết trên có thể giúp bố mẹ phần nào trong việc định hình các thói quen tốt cho trẻ.

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận

Bài viết liên quan

Tại sao trẻ không ngủ trưa và bố mẹ nên làm gì để tạo thói quen ngủ lành mạnh cho trẻ?

Thể chất & Dinh dưỡng - 03/09/2020

Tại sao trẻ không ngủ trưa và bố mẹ nên làm gì để tạo thói quen ngủ lành mạnh cho trẻ?

Giấc ngủ trưa có vai trò quan trọng đối với sức khỏe, thế nhưng không phải trẻ nào cũng ngủ trưa. Vậy tại sao trẻ không ngủ trưa? Bố mẹ cùng tìm hiểu nhé!

Định hướng hành vi của trẻ bằng cách xây dựng các thói quen

Cảm xúc & Kết nối xã hội - 19/11/2019

Định hướng hành vi của trẻ bằng cách xây dựng các thói quen

Bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu cách tạo thói quen hằng ngày cho trẻ nhé, bởi đây là một cách rất hiệu quả để định hướng hành vi của trẻ đấy!

4 cách để bố mẹ xây dựng thói quen ngủ đúng giờ cho trẻ

Thể chất & Dinh dưỡng - 15/11/2019

4 cách để bố mẹ xây dựng thói quen ngủ đúng giờ cho trẻ

Xây dựng thói quen ngủ đúng giờ cho trẻ không phải là việc dễ dàng nhưng lại rất cần thiết để giúp trẻ ngủ đủ và ngủ ngon.