Cách loại bỏ thói quen xấu của trẻ em
Cảm xúc & Kết nối xã hội - 29/09/2020
Bố mẹ hẳn không ít lần phải nhắc nhở trẻ về những thói quen xấu của con. Vậy làm sao để loại bỏ những thói quen xấu ở trẻ em?
Cắn móng tay, mút tay, ngoáy mũi… là những thói quen xấu của không ít trẻ. Tuy nhiên, không phải bố mẹ nào cũng biết cách loại bỏ những thói quen xấu ở trẻ em nhẹ nhàng và hiệu quả.
Thói quen là gì?
Thói quen là hành vi trẻ làm đi làm lại nhiều lần. Thói quen xấu của trẻ thường là những hành động chạm hoặc nghịch ngợm các bộ phận trên khuôn mặt hoặc trên cơ thể. Đôi khi trẻ nhận thức được thói quen của mình, nhưng đôi khi con cũng làm trong vô thức.
Trẻ nhỏ có rất nhiều thói quen xấu, chẳng hạn như:
- Mút ngón tay (thường là ngón cái).
- Cắn móng tay.
- Giật tóc.
- Ngoáy mũi.
- Bóc da môi.
- Cắn hoặc nhai các đồ vật xung quanh (như bút chì, quần áo).
- Nghiến răng.
Tại sao trẻ có những thói quen xấu đó?
Với trẻ nhỏ, những thói quen đó có thể khiến con cảm thấy thoải mái. Ví dụ, với trẻ trong giai đoạn 1-3 tuổi (khi vừa trải qua giai đoạn sơ sinh), mút tay có thể là một cách giúp con cảm thấy được dỗ dành.
Đôi khi, thói quen cũng có thể hình thành khi trẻ cảm thấy buồn chán. Lúc này, thói quen chỉ làm một phương thức tự giải trí đối với trẻ nhỏ. Chẳng hạn, trẻ vừa xem tivi vừa cắn móng tay.
Ngoài ra, thói quen cũng có thể bắt đầu vì một hoàn cảnh khách quan nào đó, nhưng vẫn tiếp diễn dù hoàn cảnh đó đã kết thúc. Ví dụ, khi bị cảm lạnh, trẻ thường ngoáy mũi để làm sạch. Sau khi khỏi ốm, trẻ vẫn tiếp tục duy trì thói quen đó.
Hơn nữa, bố mẹ vẫn luôn là hình mẫu để trẻ nhỏ học hỏi theo. Do đó, khi thấy trẻ bắt đầu có một thói quen xấu nào đó, bố mẹ hãy kiểm tra lại xem đó liệu có phải trẻ đã học thói quen đó từ mình hay không.
Nhiều trẻ tự đem lại cảm giác thoải mái cho mình bằng những hành động không phổ biến như lắc lư cơ thể, lộn người… Tuy nhiên, đa phần trẻ đều bỏ thói quen này khi lên 5 tuổi.
Tuy nhiên, trẻ cũng có thể xuất hiện những hành động do nguyên nhân về sức khỏe mà đôi khi bố mẹ lầm tưởng đó là thói quen xấu. Ví dụ, nếu trẻ hay kéo tai hoặc vỗ vào tai thì cũng có khả năng con bị nhiễm trùng tai.
Làm thế nào để giúp trẻ bỏ thói quen xấu?
Phần lớn các thói quen của trẻ đều có thể dần dần tự biến mất theo thời gian. Tuy nhiên, nếu thói quen của trẻ ảnh hưởng tới việc sinh hoạt thường ngày, trở nên thái quá hay thậm chí gây hại cho sức khỏe và cuộc sống của trẻ, bố mẹ nên hỗ trợ để giúp con loại bỏ thói quen xấu.
Chẳng hạn, mút tay là thói quen của không ít trẻ nhỏ. Tuy nhiên, bố mẹ cần can thiệp nếu lúc nào trẻ cũng mút tay và việc mút tay ảnh hưởng tới quá trình ăn uống và trò chuyện của con.
Bố mẹ có thể tham khảo một vài “mẹo” đơn giản dưới đây:
- Nhẹ nhàng nhắc nhở con về thói quen xấu đó. Ví dụ trẻ đang ngậm tay áo, bố mẹ có thể nói: “Con đừng ngậm áo nữa nhé, không đẹp đâu con”.
- Cố gắng khích lệ trẻ làm một việc nào đó khác. Ví dụ, bố mẹ cho phép trẻ vừa xem tivi vừa chơi đồ chơi để con không mút tay.
- Tìm hiểu lý do tại sao trẻ lại có thói quen đó. Chẳng hạn như, khi muốn đi vệ sinh, trẻ cựa quậy người chứ không vào nhà vệ sinh ngay. Lúc này, bố mẹ có thể nói: “Con muốn đi vệ sinh đúng không? Cứ nói cho bố mẹ biết nhé”.
- Thói quen này có thể đi kèm với thói quen khác, ví dụ như vừa mút tay vừa kéo tóc. Do vậy, bố mẹ có thể tìm cách loại bỏ một thói quen, sau đó thói quen còn lại cũng có thể tự biến mất.
Ngoài ra, bố mẹ cũng nên thường xuyên khen ngợi trẻ mỗi khi con thực hiện đúng theo yêu cầu của bố mẹ.
Khi nào thói quen xấu của trẻ trở thành vấn đề đáng lo ngại?
Khi trẻ lên 3 tuổi, mút tay có thể ảnh hưởng tới sức khỏe răng miệng của con. Nếu trẻ vẫn tiếp tục duy trì thói quen xấu này khi con trên 3 tuổi, bố mẹ nên hỏi ý kiến của bác sĩ để được tư vấn cách khắc phục hiệu quả hơn.
Nếu thói quen của trẻ hình thành do lo âu, bố mẹ cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân dẫn tới lo âu để hỗ trợ trẻ hiệu quả hơn. Trong trường hợp này, bố mẹ nên gặp bác sĩ tâm lý để được đưa ra lời khuyên.
ODPHUB hy vọng bài viết trên đã đem đến cho bố mẹ những thông tin hữu ích nhất về những thói quen xấu của trẻ em.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận