Bé thức khuya không chịu ngủ: Tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục
Thể chất & Dinh dưỡng - 19/04/2020
Bé thức khuya không chịu ngủ là vấn đề khiến nhiều bố mẹ phải “đau đầu”. Bố mẹ hãy cùng ODP tìm hiểu nguyên nhân và cách xử lý qua bài viết dưới đây nhé!
"Trẻ em thức khuya có tốt không?" là mối quan tâm của nhiều bố mẹ. Trên thực tế, ăn và ngủ vẫn luôn đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của trẻ nhỏ. Do đó, giấc ngủ chất lượng là rất cần thiết. Tuy nhiên, nếu bé thường xuyên gặp khó khăn khi đi ngủ, ví dụ như thức khuya, trằn trọc khó ngủ, thì bố mẹ đừng nên quát mắng và giận dữ với con. Trước hết, hãy cố gắng tìm hiểu nguyên nhân khiến bé thức khuya không chịu ngủ để từ đó tìm ra hướng xử lý phù hợp nhất.
Nguyên nhân khiến bé thức khuya không chịu ngủ
Không phải bé nào cũng có nhu cầu về giấc ngủ giống nhau
Trên thực tế, trẻ em cũng giống như người lớn, mỗi trẻ có nhu cầu về giấc ngủ khác nhau. Có bé chỉ cần ngủ 9 tiếng một đêm, có bé lại cần đến 11 tiếng, thậm chí nhiều hơn, thì mới được nạp đủ năng lượng và cảm thấy khỏe khoắn.
Bé đang quá vui vẻ, phấn khích nên không chịu ngủ
Nếu các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là các anh chị lớn hơn vài tuổi, vẫn đang thức, chơi đùa, trò chuyện hay xem tivi thì bé thường sẽ vẫn muốn thức cùng mọi người và không muốn đi ngủ.
Giấc ngủ trưa chưa hợp lý và bé chưa tiêu hao hết năng lượng của mình
Ở giai đoạn 2 tuổi trở đi, bé nên chỉ ngủ trưa đến khoảng 2 giờ chiều. Trong trường hợp bé ngủ trưa quá muộn hoặc ngủ nhiều, rất có thể việc này sẽ ảnh hưởng tới giờ đi ngủ vào buổi tối của con. Nếu ban ngày bé đã đủ “bận rộn” vui chơi và tiêu hao hết nguồn năng lượng của mình thì khi đến giờ đi ngủ, bé sẽ cảm thấy mệt ở mức vừa phải và buồn ngủ hơn.
Bé muốn khẳng định tính độc lập của mình
Khi đủ lớn, bé thường có cái tôi khá cao, từ đó muốn chứng tỏ tính tự lập của bản thân với người lớn. Do đó, con muốn tự mình kiểm soát giờ đi ngủ của mình. Nếu bố mẹ thường xuyên bắt ép hay thúc giục bé ngủ sớm hay đúng giờ, con có thể sẽ bất hợp tác. Lúc này, bố mẹ nên thiết lập những quy định cứng rắn về giờ giấc ngủ nghỉ của bé, tuy nhiên vẫn nên cho con quyền lựa chọn và tự do trong khuôn khổ.
Bé thức khuya vì đang bị lo âu, căng thẳng
Bé có thể gặp phải những lo lắng, căng thẳng liên quan đến những vấn đề xung quanh, ví dụ như những gì mình nghe và thấy (nội dung một bộ phim, một cuốn sách…), mối quan hệ bạn bè, trường lớp… Những trạng thái cảm xúc này cũng có thể là nguyên nhân gây ảnh hưởng tới giấc ngủ, khiến bé thức khuya không chịu ngủ.
Bố mẹ nên làm gì để cải thiện tình trạng bé thức khuya không chịu ngủ?
Bố mẹ có thể tham khảo những cách dưới đây để giúp bé ngủ dễ hơn và đi ngủ đúng giờ hơn. Tuy nhiên, nếu tình trạng thức khuya, khó ngủ của bé kéo dài, con thường xuyên bị rối loạn giấc ngủ thì bố mẹ nên đưa con tới gặp bác sĩ nhi khoa để được chẩn đoán bệnh và đưa ra các phương pháp chữa trị phù hợp, kịp thời.
>>> Tham khảo thêm:
- Bố mẹ cần biết về những hệ lụy lâu dài khi trẻ nhỏ ngủ quá ít
- 4 cách để bố mẹ xây dựng thói quen ngủ đúng giờ cho trẻ
Thiết lập một chuỗi thói quen trước khi đi ngủ cho bé
Bố mẹ hãy tạo dựng cho bé chuỗi thói quen trước khi đi ngủ đều đặn, ổn định để con có giấc ngủ chất lượng hơn. Bố mẹ có thể thiết lập và áp dụng ngay từ khi con được vài tháng tuổi, ví dụ như tắm, đọc sách, kể chuyện trước giờ đi ngủ.
Ngoài ra, bố mẹ cũng nên lưu ý tắt hết tất cả các thiết bị điện tử như tivi, máy tính bảng… ít nhất một tiếng trước giờ đi ngủ của bé. Trong trường hợp bé nhất định nói rằng con không buồn ngủ và không mệt, bố mẹ có thể chuyển sang hoạt động khác nhẹ nhàng hơn như cùng bé đọc sách hoặc bật cho con nghe những bản nhạc êm dịu, dễ ngủ.
Chú ý tới không gian ngủ của bé
Không gian ngủ đóng vai trò rất quan trọng đối với giấc ngủ của bé. Do đó, bố mẹ hãy lưu ý điều chỉnh ánh sáng và âm thanh phòng ngủ của bé sao cho phù hợp.
Hãy giảm ánh sáng phòng ngủ của bé, có thể để tối hẳn hoặc bật đèn ngủ với mức sáng vừa phải và giữ cho không gian yên tĩnh để con cảm thấy thư giãn nhất khi ngủ. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên lưu ý giữ cho nhiệt độ phòng ngủ của bé ở mức vừa phải, không quá lạnh hay quá nóng để tránh gây cản trở tới chất lượng giấc ngủ của con.
Giữ cho giờ ngủ của bé cố định
Bố mẹ nên đảm bảo bé luôn đi ngủ vào giờ cố định, dù là ngày thường hay cuối tuần. Khi luôn được đi ngủ đều đặn vào một khung giờ mỗi ngày, dần dần bé sẽ quen với lộ trình đó và dễ ngủ hơn khi tới giờ.
Không quá căng thẳng và kỳ vọng quá cao vào giấc ngủ của bé
Bố mẹ đừng nên so sánh con với các bạn khác cùng lứa tuổi hay mong con đi ngủ đúng giờ một cách hoàn hảo nhất, vì điều này có thể dễ khiến bố mẹ áp lực và cảm thấy thất vọng. Thay vì như vậy, hãy thư giãn và kiên nhẫn trong quá trình hỗ trợ cho giấc ngủ của bé. Một điều quan trọng nữa là bố mẹ cũng nên điều chỉnh giờ giấc sinh hoạt của mình, làm gương cho trẻ để cùng con thiết lập thói quen ngủ phù hợp với cả gia đình.
ODPHUB hy vọng qua bài viết trên, bố mẹ có thể tìm ra được nguyên nhân khiến bé thức khuya không chịu ngủ, từ đó áp dụng phương pháp xử lý, hỗ trợ phù hợp để giúp con cải thiện giấc ngủ của mình.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận