Khắc phục chứng khó đọc ở trẻ: Những điều bố mẹ nên biết
Giao tiếp & Ngôn ngữ - 15/01/2020
Những phương pháp điều trị nào có thể được áp dụng cho trẻ mắc chứng khó đọc, nhằm giúp trẻ phát triển kỹ năng đọc và viết? Bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu các cách khắc phục chứng khó đọc ở trẻ nhé!
Nhiều bố mẹ có thể thắc mắc chứng khó đọc ở trẻ là gì, và không biết liệu con mình có những dấu hiệu của chứng khó đọc hay không. Rồi với những trẻ mắc chứng này, thì có những phương pháp nào để giúp trẻ cải thiện? Bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu cách khắc phục chứng khó đọc ở trẻ qua bài viết sau nhé!
Chứng khó đọc ở trẻ được chẩn đoán như thế nào?
Để có thể tìm ra chương trình phù hợp nhất giúp khắc phục chứng khó đọc ở trẻ, bác sĩ hoặc chuyên gia về giáo dục sẽ thực hiện các bài kiểm tra xem khả năng đọc và viết của trẻ ra sao. Ngoài ra, các bác sĩ cũng có thể kiểm tra xem các vấn đề về khả năng đọc của trẻ có do những nguyên nhân như bệnh tự kỷ hoặc trầm cảm không.
Sau đó, bố mẹ sẽ phối hợp với các bác sĩ, chuyên gia và giáo viên của trẻ để lên kế hoạch hỗ trợ trẻ tập đọc hiệu quả.
Các chương trình tập đọc cho trẻ
Trẻ mắc chứng khó đọc sẽ gặp khó khăn trong việc nhận ra cách đọc của các chữ cái và nghĩa của các từ. Vì vậy, trẻ cần được người lớn hỗ trợ nhiều để có thể học đọc và viết.
Bố mẹ có thể tìm thầy cô hoặc chuyên gia dạy đọc cho trẻ, để trẻ học được cách:
- Phát âm các chữ cái và các từ.
- Đọc nhanh hơn.
- Hiểu nhiều hơn những gì mà mình đọc.
- Viết rõ ràng hơn.
Hiện nay có hai chương trình tập đọc phổ biến để hỗ trợ trẻ mắc chứng khó đọc, là:
- Chương trình Orton-Gillingham: Dạy trẻ cách đọc từng chữ cái và đánh vần các từ.
- Giáo dục đa giác quan: Dạy trẻ cách tận dụng tất cả các giác quan (xúc giác, thị giác, thính giác, khứu giác và cả cử động) để học các kỹ năng mới. Ví dụ, trẻ có thể dùng ngón tay sờ những chữ cái được làm bằng giấy ráp để học cách đánh vần và viết.
Các “chiến lược” để hỗ trợ trẻ mắc chứng khó đọc
- Cho trẻ đọc ở những nơi yên tĩnh, không có yếu tố gây sao lãng.
- Cho trẻ nghe sách nói và bảo trẻ đọc theo.
- Chia các bài đọc thành nhiều đoạn nhỏ để trẻ đỡ cảm thấy quá tải.
- Nhờ giáo viên của trẻ giúp đỡ thêm.
- Cho trẻ tham gia các câu lạc bộ hay lớp học dành cho người mắc chứng khó đọc.
- Cho trẻ ăn những loại thực phẩm lành mạnh và nghỉ ngơi đầy đủ.
Ngoài ra, bố mẹ cũng nên giúp trẻ phát triển kỹ năng đọc ngay tại nhà bằng cách thường xuyên đọc sách cùng trẻ và giúp trẻ đánh vần những từ khó.
Khi lớn lên, trẻ sẽ dần kiểm soát được chứng khó đọc. Và trẻ mắc hội chứng này cũng vẫn có thể thể hiện xuất sắc ở trường và đạt được những thành công trong tương lai. Do đó, bố mẹ hãy giữ thái độ tích cực trong quá trình cố gắng khắc phục chứng khó đọc ở trẻ, để bản thân trẻ cũng kiên trì, không nản chí nhé!
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận