Trẻ tự kỷ và những điều cơ bản bố mẹ cần biết và lưu ý
Trí não & Nhận thức - 20/12/2019
Nhiều bố mẹ vẫn thường băn khoăn không biết một số biểu hiện nhất định ở con mình có phải là do con bị tự kỷ hay không. Vậy bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu về hội chứng này nhé!
Bệnh tự kỷ ở trẻ em là một chứng rối loạn phát triển, làm ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ. Tuy có biểu hiện khá khác nhau, nhưng những trẻ tự kỷ đều có thể có một số đặc điểm chung như:
- Gặp khó khăn trong giao tiếp, không hoặc ít giao tiếp bằng ánh mắt, hiểu ngôn ngữ không tốt.
- Sở thích bị bó hẹp - ví dụ, trẻ chỉ thích sưu tầm những cái que hoặc chỉ chơi với khủng long chứ không chơi gì khác.
- Lặp đi lặp lại hành vi - ví dụ, trẻ có thể liên tục tạo ra một kiểu âm thanh (tiếng rít, tiếng làu bàu…) hay thực hiện một số hành động động như bấm công tắc đèn rất nhiều lần.
Ngoài ra, trẻ tự kỷ còn có thể thiếu nhạy cảm hoặc nhạy cảm quá mức với hương vị, sự động chạm, hình ảnh hoặc âm thanh. Ví dụ, trẻ sẽ dễ buồn khi nghe một số âm thanh nhất định, hay chỉ thích ăn một vài loại thức ăn ít ỏi. Trẻ cũng có thể thích những đồ vật có độ rung như máy giặt, hoặc thích lấy tay che mắt rồi lại bỏ ra để có cảm giác là ánh sáng xung quanh đang nhấp nháy.
Nguyên nhân gây ra bệnh tự kỷ ở trẻ em
Hiện chưa có một kết luận cụ thể nào về nguyên nhân của hội chứng này.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, sự phát triển não của trẻ tự kỷ có thể quá nhanh và quá sớm. Do đó, các vùng khác nhau của não không kết nối với nhau theo cách thông thường.
Cũng có những bằng chứng cho thấy hội chứng tự kỷ là do gene. Nhưng như thế không có nghĩa là có một gene cụ thể nào đó gây ra chứng tự kỷ. Rất có thể sự kết hợp hoạt động của nhiều gene mới là “thủ phạm”. Các nhà nghiên cứu cũng đã tìm ra nhiều gene có thể góp phần tạo nên hội chứng tự kỷ.
Dù sao, cách nuôi dạy, chăm sóc của bố mẹ (bố mẹ đã làm gì hoặc đã không làm gì đó) cũng không phải là nguyên nhân gây ra bệnh tự kỷ ở trẻ em.
Dấu hiệu của trẻ tự kỷ theo độ tuổi
Bằng việc quan sát mức độ phát triển giao tiếp của trẻ trong hai năm đầu đời, bố mẹ có thể nhận ra được những dấu hiệu sớm của bệnh tự kỷ ở trẻ em.
Ví dụ, ở năm đầu đời của trẻ, dấu hiệu của chứng tự kỷ là trẻ ít tỏ ra hứng thú với mọi người xung quanh. Nhiều trẻ tự kỷ không nhìn vào mắt bố mẹ khi được bế hoặc thay tã. Ngoài ra, việc trẻ ít cười, ít có các cử chỉ cũng có thể cho thấy sự phát triển não bộ của trẻ không bình thường.
Đến khi trẻ được hai tuổi, dấu hiệu của chứng tự kỷ có thể là trẻ không phản ứng khi được gọi tên hoặc chỉ thích chơi theo một kiểu nhất định (như sắp xếp đồ chơi thành hàng).
Các dấu hiệu của bệnh tự kỷ thể hiện rõ nhất khi trẻ 1-3 tuổi, bởi đây là lúc trẻ bình thường sẽ bắt đầu biết đi và chơi với các bạn cùng tuổi. Trẻ tự kỷ có thể không thích chơi với trẻ khác, hoặc nói theo cách khác thường, chẳng hạn nói giọng đều đều như robot.
Tùy vào từng giai đoạn, bố mẹ sẽ thấy trẻ tự kỷ có những biểu rõ rệt nhất định, khó có thể bỏ qua.
Khi lớn hơn một chút, trẻ tự kỷ có thể khó thích nghi với các tình huống xã hội mới. Chẳng hạn, khi đi học, trẻ sẽ khó tập trung, khó hiểu và làm theo các hướng dẫn, khó kết bạn hoặc ít có những sở thích phù hợp với độ tuổi so với các bạn đồng trang lứa.
Xem thêm: Bệnh tự kỷ ở trẻ em và những ảnh hưởng nghiêm trọng trong cuộc sống
Cách chẩn đoán hội chứng tự kỷ
Hội chứng tự kỷ có thể được phát hiện từ khi trẻ hai tuổi. Để được đánh giá đúng, trẻ có thể sẽ cần gặp nhiều chuyên gia khác nhau, bao gồm bác sĩ nhi khoa, bác sĩ tâm lý, chuyên gia ngôn ngữ...
Các chuyên gia thường sẽ đánh giá tình trạng của trẻ dựa trên những việc như:
- Quan sát cách trẻ chơi và tương tác với mọi người (mức độ phát triển của trẻ ở thời điểm hiện tại).
- Phỏng vấn bố mẹ.
- Xem lịch sử phát triển của trẻ (mức độ phát triển của trẻ trong quá khứ).
Sau đó, bác sĩ có thể sẽ đưa ra lộ trình điều trị và gợi ý những việc bố mẹ nên làm.
Nếu bố mẹ lo lắng về sự phát triển của trẻ thì nên đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt. Vì như vậy, việc điều trị và hỗ trợ trẻ sẽ hiệu quả hơn nhiều. Dù thế nào bố mẹ cũng hãy nhớ, việc trẻ bị tự kỷ hoàn toàn không phải do cách chăm sóc và nuôi dạy của bố mẹ. Vì vậy, bố mẹ không nên quá buồn bã mà hãy cùng con vượt qua mọi khó khăn phía trước nhé.
Mong rằng với bài viết này của ODP, bố mẹ đã có những thông tin cơ bản về trẻ tự kỷ cũng như tìm được lời giải đáp cho câu hỏi "Bệnh tự kỷ ở trẻ em là gì?" để có thể tìm cách hỗ trợ con, nếu con có những biểu hiện của hội chứng này.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận