7 dấu hiệu cho thấy trẻ gặp vấn đề về kỹ năng đọc

Giao tiếp & Ngôn ngữ - 24/12/2019

Nếu đọc không tốt, trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn khi đi học cũng như trong cuộc sống thường ngày. Bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu 7 dấu hiệu sớm cho thấy trẻ gặp vấn đề về kỹ năng đọc nhé!

Nếu bố mẹ sớm nhận ra những dấu hiệu cho thấy trẻ gặp vấn đề về kỹ năng đọc thì trẻ sẽ có cơ hội được hỗ trợ tích cực, kịp thời. Từ đó, kỹ năng đọc của trẻ được cải thiện, giúp trẻ tự tin và có động lực học tập hơn.

>>> Tham khảo thêm: Kỹ năng đọc của trẻ: Các mốc phát triển theo độ tuổi

Dưới đây là 7 dấu hiệu sớm cho thấy trẻ có thể gặp vấn đề về kỹ năng đọc:

Không nhớ cách phát âm chữ cái

Nếu tiếp xúc với bảng chữ cái mãi rồi mà trẻ vẫn không thể nhớ được cách phát âm các chữ thì rất có thể trẻ có vấn đề về thính giác, hoặc về cách não bộ xử lý thông tin, hoặc một vấn đề gì đó khác trong việc học hỏi. Tất cả những điều này đều gây khó khăn cho quá trình tập đọc của trẻ.

Dễ nhầm những chữ cái có cách viết hoặc cách phát âm giống nhau

Trẻ mới làm quen với bảng chữ cái có thể hay nhầm chữ “b” và “d”, hoặc “p” và “q”. Đây là điều bình thường và trẻ sẽ hết nhầm lẫn khi lớn hơn một chút và hiểu ngôn ngữ tốt hơn.

Tuy nhiên, nếu tình trạng này vẫn kéo dài cho đến khi trẻ 7 tuổi, thì rất có thể trẻ đã mắc chứng khó đọc.

bé trai đọc sách trong thue viện, Tre Gap Van De Ve Ky Nang Doc 1
Trẻ gặp vấn đề về kỹ năng đọc dễ nhầm những chữ cái có cách viết hoặc cách phát âm giống nhau

Gặp khó khăn trong việc tìm những từ cùng vần

Kỹ năng tìm từ cùng vần (ví dụ: mèo, trèo…) cho thấy khả năng nghe ngôn ngữ của trẻ. Bố mẹ nên thường xuyên cùng trẻ chơi trò tìm những từ cùng vần với nhau để kỹ năng ngôn ngữ của trẻ được nâng cao. Tuy nhiên, nếu đã luyện tập tích cực mà trẻ vẫn gặp nhiều khó khăn, thì có thể khả năng xử lý âm thanh ngôn ngữ của trẻ không được tốt (mắc chứng khó đọc) hoặc do trẻ bị mất điều khiển lời nói chủ ý

Không nhớ những từ thông dụng

Từ thông dụng là những từ mà khi đã biết chữ thì trẻ dễ dàng nhận ra và có thể đọc lướt qua chúng rất nhanh (ví dụ: “thì”, “là”, “mà”...). Nếu sau khi học đi học lại mà trẻ vẫn chưa thể nhớ được những từ cơ bản này thì rất có thể trẻ mắc chứng khó đọc. Ngoài ra, cũng có thể trẻ gặp vấn đề về thính giác hoặc bị rối loạn tiếp nhận thông tin qua thị giác.

bé trai đọc sách, trẻ gặp vấn đề về kỹ năng đọc
Trẻ không nhớ những từ thông dụng.

Lược bỏ âm vị

Nếu trẻ phát âm rất khác với các bạn cùng tuổi, ví dụ, trẻ bỏ sót các phụ âm cuối (như đọc “con” thành “co”, “bàn” thành “bà”…), thì có thể trẻ bị mắc chứng khó đọc hoặc một kiểu rối loạn ngôn ngữ khác.

Trí nhớ kém

Trẻ không thể nhớ những gì mình đã đọc hoặc được nghe đọc trước đó, có thể do não trẻ xử lý thông tin chậm hoặc do trẻ gặp vấn đề về tập trung chú ý. 

Ngoài ra, những khác biệt trong các quá trình xử lý thông tin của trí nhớ ngắn hạn, dài hạn… đều có thể khiến trẻ không nhớ được những gì mình đã đọc. Và đây cũng có thể là dấu hiệu của chứng khó đọc.

bé gái đọc sách trên sàn nhà, trẻ gặp vấn đề về kỹ năng đọc
Trẻ trẻ gặp vấn đề về kỹ năng đọc không thể nhớ những gì mình đã đọc hoặc được nghe đọc trước đó.

Cùng một từ nhưng mỗi lần viết sai chính tả một kiểu

Trẻ nhỏ hay viết sai chính tả là chuyện bình thường. Nếu trẻ luôn viết sai chính tả theo cùng một kiểu (ví dụ, luôn viết “bác xĩ” thay vì “bác sĩ”) thì không đáng lo lắm. Tuy nhiên, nếu cùng một từ mà mỗi lần trẻ viết sai chính tả một kiểu (ví dụ, “bác sĩ” có thể thành “bác xĩ”, “bát sĩ”...), thì rất có thể trẻ mắc chứng khó đọc hoặc khó viết. 

Nếu thấy băn khoăn về kỹ năng đọc của trẻ, bố mẹ nên trò chuyện với giáo viên hoặc bác sĩ để tham khảo ý kiến và cho trẻ được kiểm tra sớm. ODPHUB hy vọng bài viết này đã đem đến cho bố mẹ nhiều thông tin hữu ích để có cách hỗ trợ trẻ hợp lý, nếu trẻ gặp vấn đề về kỹ năng đọc.

Nguồn tham khảo: readbrightly

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận