Chứng mất điều khiển lời nói chủ ý ở trẻ em: Những điều bố mẹ cần biết

Giao tiếp & Ngôn ngữ - 29/12/2019

Bố mẹ có thể thấy hơi lạ lẫm với cái tên “chứng mất điều khiển lời nói chủ ý”. Tuy nhiên, có không ít trẻ em gặp phải chứng rối loạn này. Vậy bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu nhé!

Chứng mất điều khiển lời nói chủ ý là một tình trạng rối loạn vận động lời nói, khiến trẻ gặp khó khăn trong việc nói ra các âm thanh và từ ngữ. Nếu trẻ mắc chứng này, bố mẹ cần rất kiên nhẫn để hỗ trợ trẻ cải thiện khả năng ngôn ngữ và giao tiếp.

Cơ chế của chứng mất điều khiển lời nói chủ ý

Để trẻ nói được, thì não bộ của trẻ cần gửi tín hiệu tới miệng, khiến các cơ ở đây hoạt động để phát ra âm thanh. Với những trẻ mắc chứng mất điều khiển lời nói chủ ý (hay còn gọi là bệnh mất phối hợp động tác trong việc nói), thì những tín hiệu trên không được truyền tải một cách chuẩn xác. Do đó, có trẻ không thể cử động môi và lưỡi đúng cách, dù các cơ của trẻ không hề yếu. Cũng có trẻ còn không nói được gì mấy.

mẹ trò chuyện với con trai, Chung Mat Dieu Khien Loi Noi Chu Y 1
Vấn đề nằm ở cách não bộ của trẻ chỉ đạo các cơ vùng miệng hoạt động.

Những trẻ mắc chứng mất điều khiển lời nói chủ ý đều biết rằng mình muốn nói gì. Tức là, vấn đề ở đây không phải do cách tư duy của trẻ, mà là do cách não chỉ đạo các cơ vùng miệng hoạt động. 

Đây không phải chứng bệnh có thể tự mất đi khi trẻ lớn lên. Kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp của những trẻ mắc chứng này chỉ có thể được cải thiện khi trẻ được hỗ trợ và điều trị đúng cách. 

Nguyên nhân, biểu hiện và cách kiểm tra

Chứng mất điều khiển lời nói chủ ý có thể xảy ra do một vấn đề gì đó trong não bộ, bắt nguồn từ một rối loạn gen hoặc chấn thương. Tuy nhiên, trong phần lớn các trường hợp thì chứng bệnh này không có nguyên nhân rõ ràng. 

Bố mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu trẻ đã hơn 3 tuổi và có những biểu hiện sau: 

  • Cùng một từ nhưng mỗi lần lại nói một kiểu khác nhau.
  • Đọc sai hoặc thay đổi âm của các từ. 
  • Nói những câu ngắn rõ ràng hơn câu dài. 

Ngoài ra, trẻ mắc chứng mất điều khiển lời nói chủ ý cũng có thể gặp phải các vấn đề khác như: 

  • Kém phát triển các kỹ năng vận động tinh.
  • Chậm nói.
  • Gặp khó khăn khi đọc, đánh vần và viết.

Khi bố mẹ cho trẻ đi khám, bác sĩ trị liệu sẽ kiểm tra kỹ năng nói của trẻ, ví dụ như:

  • Kỹ năng vận động cơ miệng và ngữ điệu khi nói của trẻ.
  • Cách trẻ phát âm từng từ, cụm từ và câu. 
  • Độ rõ ràng của lời nói: Người khác có hiểu những gì trẻ nói không.

bác sĩ khám lưỡi cho bé, Chung Mat Dieu Khien Loi Noi Chu Y 2
Bác sĩ sẽ kiểm tra kỹ năng vận động cơ miệng và ngữ điệu khi nói của trẻ.

Bố mẹ cũng nên đưa trẻ đi kiểm tra thính giác, vì thính lực kém cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ gặp khó khăn khi tập nói.

Bố mẹ có thể hỗ trợ trẻ ra sao?

Bố mẹ nên hỗ trợ trẻ bằng các cách sau: 

  • Dạy trẻ ngôn ngữ ký hiệu vì việc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho quá trình phát triển ngôn ngữ và giao tiếp của trẻ.  
  • Luyện tập cùng trẻ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
  • Cố gắng làm cho những buổi luyện tập trở nên thú vị nhất có thể.
  • Cho trẻ nghỉ ngơi khi trẻ mệt chứ không thúc ép trẻ.

mẹ chơi cùng bé gái, chứng mất điều khiển lời nói chủ ý
Có nhiều cách đơn giản mà bố mẹ có thể áp dụng tại nhà để hỗ trợ trẻ cải thiện kỹ năng nói.

ODPHUB hy vọng bài viết trên đã đem đến cho bố mẹ những thông tin hữu ích về chứng mất điều khiển lời nói chủ ý ở trẻ em. Bố mẹ hãy kiên nhẫn đồng hành với trẻ, trong trường hợp trẻ mắc chứng bệnh này nhé.

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận