Tâm lý trẻ 3 tuổi: Bí quyết xử lý khủng hoảng tuổi lên 3 cho cha mẹ

Cảm xúc & Kết nối xã hội - 20/02/2020

Tâm lý trẻ 3 tuổi có rất nhiều thay đổi, trong đó, khủng hoảng tuổi lên 3 chính là điều khiến bố mẹ lo lắng nhất. Nhưng chỉ cần bố mẹ kiên nhẫn và thấu hiểu tâm lý của trẻ thì mọi vấn đề đều có thể dễ dàng giải quyết.

Tâm lý trẻ 3 tuổi tưởng chừng rất khó đoán vì lúc này trẻ vẫn chưa có đủ vốn từ để diễn tả được hết ý muốn của mình, vì vậy không ít bố mẹ và trẻ đã xảy ra bất đồng trong giai đoạn này. Thế nhưng nếu bố mẹ hiểu được nguyên lý hoạt động của cảm xúc trẻ lúc này thì bố mẹ sẽ dễ dàng đồng hành cùng trẻ vượt qua giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3. 

Bố mẹ hãy tham khảo bài viết dưới đây của ODPHUB để hiểu hơn về tâm lý trẻ tuổi lên 3 nhé!

Đặc điểm tâm lý trẻ 3 tuổi

Bố mẹ có thể dễ dàng nhận thấy đặc điểm tâm lý của trẻ 3-4 tuổi là những cơn thịnh nộ vô cớ, thái độ bướng bỉnh ở trẻ diễn ra rất thường xuyên. Với kỹ năng ngôn ngữ và vận động vẫn còn khá hạn chế, nên dù trẻ có rất nhiều nhu cầu tự lập và ham học hỏi, nhưng tới khi có cơ hội được tự làm một việc gì đó thì trẻ khó hoàn thiện một cách hoàn hảo. Điều này dẫn tới những khó khăn trong việc đối phó với sự thất vọng của trẻ, do đó trẻ sẽ dễ mất kiểm soát và có những hành vi, cảm xúc tiêu cực.

Dưới đây là một số cột mốc quan trọng trong tâm lý trẻ 3 tuổi:

  • Trẻ bắt đầu biết cách thể hiện cảm xúc của mình và hiểu được cảm xúc của mọi người xung quanh.
  • Mong muốn tự lập và tự làm mọi việc giống như người lớn. Đây cũng là lúc “cái tôi” của trẻ hình thành.
  • Trẻ luôn tò mò, thích tìm tòi, khám phá về những điều mới lạ trong cuộc sống và thế giới xung quanh. Lúc này trong đầu trẻ có cả ngàn thắc mắc và vạn câu hỏi vì sao được đưa ra khiến cho phụ huynh vô cùng đau đầu.
  • Trẻ bắt đầu học những điều mới bằng các quan sát và bắt chước cử chỉ, hành động, lời nói của những người xung quanh, đặc biệt là bố mẹ - người gần gũi nhất với trẻ.

tâm lý trẻ 3 tuổi dễ cáu gắt, khủng hoảng tuổi lên 3, gào thét, khóc lóc, ăn vạ
Tâm lý trẻ 3 tuổi rất dễ bị khủng hoảng, dẫn tới những biểu hiện bướng bỉnh, hay cáu gắt,...

Nguyên nhân khủng hoảng tuổi lên 3

Nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng tâm lý trẻ tuổi lên 3 là do mâu thuẫn giữa nhu cầu và năng lực của trẻ, theo tiến sĩ tâm lý Đinh Thị Kim Thoa.

Tiến sĩ Kim Thoa đã phân tích rằng các bé ở độ tuổi này đã dần hình thành được một số kỹ năng nhất định như khả năng vận động, ngôn ngữ và khả năng tự phục vụ (tự ăn, tự dọn đồ chơi,...).

Lúc này, trong tâm lý trẻ 3 tuổi có xu hướng vô thức tự so sánh mình với những người lớn ở xung quanh và muốn tự làm được mọi việc như họ. Tuy nhiên, trái ngược với nhu cầu thể hiện sự độc lập thường trực thì khả năng của trẻ lại có hạn. Trẻ dù đã hình thành được nhiều kỹ năng nhưng vẫn chưa đủ thành thục để có thể tự làm mọi việc một cách trôi chảy, hoặc thường xuyên bị bố mẹ ngăn cản (vì lý do an toàn là chủ yếu) nên dễ dẫn tới xung đột giữa ý muốn và khả năng thực hiện.

Ở tuổi này, khả năng ngôn ngữ của trẻ cũng chưa phát triển hoàn thiện, do đó trẻ chưa biết cách truyền tải hết mong muốn của mình tới bố mẹ.

Chính vì những lý do trên, trẻ thường xuyên cảm thấy ức chế và bực bội, dẫn tới thái độ cáu kỉnh và hay la hét, đập phá đồ vật xung quanh.

>>> Tham khảo thêm:

trẻ hay cáu giận khi bị khủng hoảng tâm lý tuổi lên 3
Nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng tâm lý trẻ 3 tuổi chính là do mâu thuẫn giữa nhu cầu và khả năng của trẻ.

Làm sao để xử lý khủng hoảng tuổi lên 3 ở trẻ?

Bố mẹ có thể rất bối rối khi con đang từ một đứa bé ngoan hiền, dễ bảo, bỗng trở nên bướng bỉnh, không chịu nghe lời người lớn. Nhưng đó lại là một dấu mốc hết sức bình thường và tất yếu trong quá trình phát triển và lớn khôn của trẻ. Vì vậy, bố mẹ hãy giữ bình tĩnh và thông cảm cho con, đừng rầy la, hoặc tệ hơn là đánh con, vì con cũng có những điều ức chế mà không thể bày tỏ ra hết được. Con không hư, chỉ là chưa biết cách kiểm soát cảm xúc mà thôi!

Những hình phạt xâm lấn về thể xác của trẻ chỉ càng khiến tâm lý trẻ 3-4 tuổi càng thêm căng thẳng, đầy sợ hãi, ức chế. Chính những cảm xúc tiêu cực này sẽ dẫn đến thái độ chống đối của trẻ, và vòng luẩn quẩn cứ thế lặp đi lặp lại.

Để có thể đồng hành với con vượt qua giai đoạn khủng hoảng tâm lý trẻ 3 tuổi, bố mẹ hãy tham khảo một số cách dưới đây:

Tạo cơ hội cho con được thể hiện tính độc lập

Trẻ cần một khoảng thời gian dài để có thể học được tính tự lập, vì vậy bố mẹ cần kiên nhẫn cả với trẻ và chính bản thân mình.

Cách đơn giản nhất để bắt đầu giúp con tự lập đó chính là để con giúp đỡ, san sẻ những việc nhà phù hợp với lứa tuổi và vừa sức với trẻ. Nhờ vậy, bố mẹ cũng đỡ vất vả hơn, còn trẻ thì có cơ hội để nhận ra được giá trị của bản thân đối với gia đình, từ đó trẻ cũng sẽ tự tin và tự lập hơn.

Bên cạnh đó, bố mẹ cũng có thể hướng dẫn con tự chăm sóc bản thân như tự xúc ăn, tự thay quần áo, tự đi vệ sinh, dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi,...

tâm lý trẻ 3 tuổi thích thể hiện tính độc lập, tự làm việc cá nhân mà không cần bố mẹ giúp đỡ
Hãy cho con cơ hội được thể hiện tính độc lập bằng cách tự làm những việc cá nhân vừa với sức nhé!

Tôn trọng con

Hãy tôn trọng những sở thích và cảm xúc của con, nhìn nhận và đối xử với con như một người lớn với đầy đủ quyền cá nhân và riêng tư. Có như vậy, khi bố mẹ muốn yêu cầu con làm gì thì mới có thể nhận lại thái độ hợp tác của con.

Tâm lý của trẻ 3 tuổi dễ nổi cơn cáu giận nếu bị ức chế, vì vậy bố mẹ hãy luôn nói chuyện nhẹ nhàng với con, đưa ra những yêu cầu thật cụ thể rõ ràng và tuyệt đối không nên ra lệnh, bắt ép con. Thay vì áp đặt và cấm đoán, bố mẹ hãy kiên nhẫn giải thích và hướng dẫn cho con.

Cùng con chia sẻ cảm xúc

Trẻ lên 3 vẫn chưa có khả năng kiểm soát cảm xúc của mình, vì vậy con rất dễ bị bối rối khi có những cảm xúc mạnh và tiêu cực. Những lúc như vậy, bố mẹ nên hỏi thăm con và cùng giúp con nhận diện cảm xúc để con không bỡ ngỡ trước những cảm xúc này về sau.

Bố mẹ có thể hỏi con rằng “Con có ổn không?”, “Con đang thấy buồn vì bạn búp bê bị hỏng phải không?”. Sau đó hãy thường xuyên chia sẻ về những điều xảy ra trong cuộc sống thường ngày của cả bố mẹ và con. Trẻ sẽ cảm thấy được chào đón và được khuyến khích chia sẻ cảm nhận cá nhân, và nhờ đó, bố mẹ cũng có thể hiểu rõ về con hơn.

tâm lý trẻ 3 tuổi rất dễ bị khủng hoảng nên bố mẹ cần thông cảm và kiên nhẫn dạy trẻ cách kiểm soát cảm xúc
Bố mẹ hãy luôn kiên nhẫn và cùng chia sẻ cũng như dạy cho trẻ hiểu hơn về cách kiểm soát cảm xúc của mình.

Luôn sẵn sàng ứng phó với những hành vi khủng hoảng tuổi lên 3

Khi trẻ “làm mình làm mẩy”, nếu có thể, bố mẹ hãy lờ đi hành vi đó của trẻ. Tuy nhiên, trước khi làm lơ những lúc trẻ nổi cơn cáu giận, bố mẹ cần đảm bảo rằng mình đã thiết lập được không gian an toàn cho con. Bên cạnh đó, bố mẹ hãy giữ khoảng cách vừa phải với trẻ, đủ gần để trẻ không có cảm giác bị bỏ rơi, nhưng đủ xa để trẻ hiểu rằng việc trẻ khóc ăn vạ sẽ không gây ảnh hưởng đến quyết định của bố mẹ.

Tâm lý trẻ 3 tuổi hay bất cứ tuổi nào cũng vậy, đều có những thay đổi. Giữa từng mốc phát triển, trẻ nào cũng phải trải qua giai đoạn khủng hoảng trước khi thích nghi được với những thay đổi, tiến bộ của mình. Chính vì vậy, bố mẹ hãy thật kiên nhẫn, đồng cảm và trở thành người bạn đồng hành với con trên con đường trưởng thành nhé!

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận