Dạy con tự lập theo tinh thần Montessori mà bố mẹ nào cũng nên biết
Trí não & Nhận thức - 01/03/2020
Một em bé tự lập bao giờ cũng tự tin vào bản thân và luôn vui vẻ. Chính vì thế ngay từ những năm tháng đầu đời, bố mẹ nên dạy con tự lập để con phát triển toàn diện.
“Làm thế nào dạy con tự lập?” là trăn trở của rất nhiều bậc phụ huynh trong quá trình nuôi dạy trẻ. Có rất nhiều cách dạy con tự lập tuy nhiên không phải phương pháp nào cũng hiệu quả và có cơ sở nghiên cứu khoa học.
Trải qua nghiên cứu tâm lý và sự phát triển của trẻ, nhà giáo dục người Ý Maria Montessori đã đưa được cách dạy con tự lập từ nhỏ có thể áp dụng được ngay trong gia đình.
Dạy con tự lập từ những kỹ năng cơ bản trong cuộc sống
Khi tiếp xúc và làm việc với trẻ nhỏ, tiến sĩ Maria Montessori đã nhận thấy rằng “Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có khả năng tự học tuyệt vời”. Trẻ có thể học hỏi và bắt chước rất nhanh nếu được bố mẹ làm gương và hướng dẫn. Vì vậy, ngay từ khi trẻ mới 1-2 tuổi, bố mẹ đã có thể hướng dẫn trẻ một số kỹ năng cơ bản như:
- Giữ vệ sinh: Bố mẹ nên dạy trẻ về việc giữ vệ sinh cá nhân và môi trường xung quanh để trẻ tự lập hơn. Hãy bắt đầu bằng việc làm gương cho trẻ hằng ngày. Ví dụ, bố mẹ vứt rác đúng nơi quy định, dọn dẹp nhà cửa sau khi bày ra. Khi nhìn thấy bố mẹ làm như vậy, trẻ sẽ học theo.
- Giúp đỡ người khác: Ở giai đoạn 2-6 tuổi, bố mẹ có thể giảng giải và dạy cho trẻ hiểu giúp đỡ người khác là việc nên làm bằng cách cho trẻ hỗ trợ một số công việc nhà dễ dàng như lấy bát đĩa, nhặt rau hay lấy hộ đồ đạc. Khi trẻ được giúp đỡ, trẻ cũng cảm thấy bản thân mình hữu ích hơn và luôn muốn làm bố mẹ tự hào.
- Tự chăm sóc bản thân: Nhiều bố mẹ thường có thói quen làm hộ những công việc vệ sinh cá nhân cho trẻ vì nghĩ chúng còn nhỏ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục Montessori, trẻ 2-6 tuổi có thể tự mình thực hiện một số việc cá nhân như: mặc quần áo, đi giày, tự đánh răng hay tự treo đồ. Để tạo điều kiện cho trẻ tự làm mọi việc, bố mẹ nên bắt đầu bằng cách sắp xếp hoặc đặt để đồ dùng, thiết bị trong gia đình như giá để giày, móc treo quần áo, chậu rửa mặt,… vừa tầm với trẻ giúp trẻ giảm bớt độ khó khi phải thực hiện những hoạt động này.
>>> Xem thêm:
- Phương pháp Montessori là gì và những điều bố mẹ cần biết
- Cha mẹ Nhật dạy con tự lập và những điều bố mẹ Việt nên học hỏi
Xây dựng bảng phân công công việc trong gia đình
Các bố mẹ Việt Nam thường cho rằng trẻ còn nhỏ nên sẽ làm hết mọi việc của trẻ. Tuy nhiên, theo quan điểm của các chuyên gia giáo dục và cách dạy con tự lập của người Nhật, sự tự lập của trẻ được phát huy cao độ cũng từ chính những công việc đơn giản, nhỏ bé. Để phát huy được tinh thần này, bố mẹ nên lập một bảng phân công việc nhà cho từng thành viên trong gia đình. Trong đó, bố mẹ sẽ quy định rõ đâu là công việc của bản thân, đâu là công việc của trẻ. Việc cho trẻ tham gia vào các công việc nhà để xây dựng tổ ấm sẽ khiến trẻ vui vẻ và hãnh diện, tự hào hơn vì trở nên có ích.
Tạo môi trường gần gũi, an toàn để trẻ phát huy tính tự lập của bản thân
Khi được tạo điều kiện và khuyến khích, đứa trẻ nào cũng có khả năng tự lập. Để làm được điều đó, bố mẹ nên tạo một môi trường gần gũi và an toàn để trẻ phát huy được tính tự lập của bản thân.
Bố mẹ có thể bắt đầu từ việc xây dựng không gian ngăn nắp, trật tự. Các vật dụng trong nhà nên được làm từ các nguyên vật liệu lành tính như gỗ tự nhiên, hạn chế tối đa những va chạm nguy hiểm với trẻ nhỏ. Ngay trong ngôi nhà nhỏ của mình, bố mẹ cũng cần phân rõ các khu vực vui chơi tự do, nhà bếp, phòng khách để trẻ sử dụng đúng.
Bản thân bố mẹ sẽ phải làm theo những quy tắc đã đề ra trong gia đình. Ví dụ, ăn thì cả gia đình sẽ phải ngồi vào bàn, quần áo phơi xong phải gập gọn như nào. Nhờ đấy, trẻ sẽ ý thức được công việc, hoạt động nên làm dù không có bố mẹ ở bên.
Giảm nhẹ yêu cầu, khích lệ, động viên khi trẻ làm việc tốt
Dù trẻ nhỏ có khả năng tự lập nhưng trong giai đoạn 2-6 tuổi, trẻ rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Chính vì thế, bố mẹ nên hạn chế việc đặt ra quá nhiều yêu cầu đối với trẻ. Cố tình hay vô ý nhưng những lời chê bài và cái nhíu mày không hài lòng của bố mẹ có thể khiến trẻ cảm thấy buồn chán và lo lắng.
Thay vào đó, dù trẻ có làm tốt hay không, bố mẹ cũng cứ khích lệ trẻ nhé. Những lời động viên của bố mẹ chính là liều thuốc giúp trẻ hình thành những thói quen tốt, luôn biết cố gắng, nỗ lực để đạt được thành tựu mà còn hạn chế tối đa những suy nghĩ tiêu cực, tổn thương ở trẻ. Tuy nhiên, việc khích lệ hay khen ngợi trẻ đúng cách cũng đòi hỏi bố mẹ phải khéo léo và không "làm quá' lời khen của mình, có như vậy thì việc khen ngợi mới phát huy tác dụng tích cực của nó.
Bản thân bố mẹ phải bản lĩnh và hiểu biết
Không có một quy chuẩn nào đúng về việc dạy con có thể áp dụng với mọi đứa trẻ. Chính vì thế, bản thân bố mẹ phải luôn tìm hiểu những thông tin khoa học cũng như biết sử dụng những kiến thức đó sao cho phù hợp với trẻ nhỏ.
Trong bất kỳ trường hợp nào, bố mẹ cũng hãy kiên nhẫn chờ đợi trẻ thực hiện và để trẻ được tự làm những công việc theo khả năng. Trong suốt quá trình dạy con tự lập, bố mẹ nhớ dành thời gian đặc biệt cho trẻ để lắng nghe những gì trẻ nói cũng như xem xét những gì trẻ làm. Chỉ có như vậy, trẻ mới cảm thấy được bố mẹ tôn trọng và tự tin hơn.
Làm cha mẹ là cả một quá trình học tập và hoàn thiện. Mong rằng với những thông tin mà ODPHUB cung cấp, bố mẹ đã hiểu và biết cách dạy con tự lập hiệu quả.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận