Cơn cáu giận của trẻ: 3 dạng thường gặp và những cách xử lý hiệu quả
Cảm xúc & Kết nối xã hội - 19/12/2019
Các chuyên gia cho rằng có thể chia những cơn cáu giận của trẻ thành ba loại. Khi hiểu được mục đích của từng loại thì bố mẹ có thể xử lý dễ dàng hơn nhiều.
Không phải tất cả các cơn cáu giận của trẻ đều giống nhau. Bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu về 3 kiểu cáu giận thường gặp ở trẻ để áp dụng các phương pháp ngăn chặn hoặc xử lý phù hợp nhé!
Cơn cáu giận để đòi hỏi
Trẻ hay nằng nặc đòi thứ gì đó (thường là đồ ăn, kẹo bánh) khi ở trong bếp hoặc lúc đi siêu thị. Điều này cũng dễ hiểu, vì ở siêu thị có rất nhiều thứ kích thích thị giác và trí tò mò của trẻ. Trong khi đó, bố mẹ lại mải mua sắm nên ít chú ý tới trẻ. Vì vậy, cửa hàng, siêu thị có thể khiến trẻ bị choáng ngợp và căng thẳng, do đó cũng dễ cáu bẳn hơn.
Cách ngăn chặn: Khi ở nhà, bố mẹ hãy cất kỹ những thứ mà trẻ hay đòi, để trẻ khỏi nhìn thấy. Trước khi đi mua sắm, bố mẹ hãy đảm bảo rằng trẻ đã được nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ. Bố mẹ cũng nên mang theo một món đồ chơi tương tác hoặc một cuốn sách để dỗ trẻ. Khi vào cửa hàng, bố mẹ hãy bảo trẻ giúp mình chọn một vài món đồ cần thiết nữa nhé!
Trẻ thường ăn vạ khi bị bố mẹ từ chối mua cho thứ gì đó. Trong trường hợp này, bố mẹ có thể sử dụng phương pháp ghi chú: Bố mẹ hãy mang theo giấy bút, rồi mỗi khi trẻ đòi mua gì, hãy bảo: “Chúng ta ghi lại rồi lát sẽ chọn nhé!”. Bố mẹ cứ ghi tất cả lại thành một danh sách, rồi đến cuối chuyến mua sắm thì đọc lên vài lựa chọn tốt, rồi cho trẻ chọn 1-2 thứ. Riêng việc lập danh sách đã có thể khiến trẻ quên cơn cáu giận rồi. Ngoài ra, trẻ cũng sẽ cảm thấy bản thân quan trọng, lại còn được bố mẹ hứa là có phần thưởng, nên trẻ sẽ giữ được bình tĩnh.
Cơn cáu giận để được chú ý
Rất nhiều trẻ có thói quen là cứ “bày trò” mỗi khi mẹ bận! Ví dụ điển hình là trẻ đang chơi một mình rất bình thường, nhưng mẹ vừa phải trả lời điện thoại thì trẻ bắt đầu làm gì đó để được chú ý!
Cách ngăn chặn: Phương pháp hiệu quả nhất là đưa ra cảnh báo trước. Bố mẹ hãy thử nhắc trẻ: “Mẹ đang nói chuyện điện thoại, con vào trong phòng chơi và nói nhỏ thôi nhé. Mẹ xong sẽ vào chơi tô màu với con”. Bố mẹ cũng nên cất riêng một vài món đồ chơi đặc biệt, mà chỉ khi nào bố mẹ bận nghe cuộc điện thoại quan trọng thì mới đưa cho trẻ chơi để trẻ không quấy rầy. Thậm chí, bố mẹ cũng có thể phải cho trẻ xem một video hoạt hình nào đó để trẻ ngồi yên một chút.
Trẻ nhỏ rất dễ thay đổi tâm trạng và sự chú ý của mình. Nên bố mẹ có thể “cắt” cơn cáu giận của trẻ bằng những lời đề nghị thật ngắn gọn, dễ hiểu và dễ thực hiện. Những lời đề nghị này càng cụ thể thì càng hiệu quả. Ví dụ: “Mình cùng tô màu nhé!” thay vì “Ngoan nào!”. Hoặc việc đổi địa điểm cũng có thể giúp trẻ hạ hỏa, ví dụ: “Mẹ với con ra sân tưới cây đi!”.
Cơn cáu giận để chống đối
Trẻ có thể nổi đóa lên để chống đối bố mẹ, khẳng định bản thân, chẳng hạn như lúc trẻ không chịu đi ngủ dù bố mẹ nhắc.
Cách ngăn chặn: Bố mẹ không nên nhượng bộ trẻ, vì trẻ sẽ nhận thấy rằng cứ nổi cáu là có được điều mình muốn. Trong những trường hợp này, trẻ muốn được kiểm soát, nên bố mẹ có thể cho trẻ một vài lựa chọn trong giới hạn cho phép. Ví dụ: “Con muốn làm gì trước nào: đánh răng trước hay là tết tóc lại trước?”.
Trẻ không thích những điều bất ngờ, vì vậy, bố mẹ có thể hạn chế những cơn bùng nổ cảm xúc của trẻ bằng cách thông báo trước. Khi được biết những điều sắp xảy ra, trẻ sẽ thấy yên tâm hơn. Ví dụ, bố mẹ nên nói: “Con đạp xe thêm 2 vòng nữa đi, rồi mình về nhà nhé!”. Tránh những lời hứa như: “Con có thể đạp xe thêm 5 phút nữa!”. Hầu hết trẻ nhỏ chưa hiểu rõ khái niệm thời gian, nên khi 5 phút trôi qua, trẻ có thể sẽ cảm thấy như mình bị lừa!
Bên cạnh đó, còn có một giải pháp rất đơn giản và có thể có hiệu quả chỉ sau 2-3 lần áp dụng. Đó là bố mẹ hãy giải thích trước cho trẻ rằng, nếu trẻ không chịu làm việc gì đó theo lời bố mẹ, thì bố mẹ sẽ đếm đến 3. Nếu trẻ vẫn không làm, thì bố mẹ sẽ cầm tay trẻ để làm việc đó. Và bố mẹ hãy thực hiện đúng như lời mình cảnh báo. Trẻ rất ghét kiểu này, vì thấy đây là sự thách thức đối với khả năng độc lập, tự chủ của mình. Tuy nhiên, trẻ sẽ nghe lời để tránh bị bố mẹ cầm tay, bắt làm theo yêu cầu.
>>>Tham khảo thêm: 5 cách để bố mẹ xử lý khi trẻ nổi cơn cáu giận
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận