Những vấn đề liên quan đến sức khỏe của trẻ tự kỷ mà bố mẹ cần biết (Phần 3)

Trí não & Nhận thức - 23/01/2020

Sức khỏe của trẻ tự kỷ thường không tốt và trẻ dễ bị đồng thời một hoặc một vài bệnh khác.

Trẻ tự kỷ dễ có thêm một số bệnh khác liên quan đến não bộ và hệ tiêu hóa. Bố mẹ hãy tìm hiểu thêm các vấn đề liên quan đến sức khỏe của trẻ tự kỷ nhé!

Thiểu năng trí tuệ và chậm phát triển

Trẻ dưới 6 tuổi bị coi là chậm phát triển khi nhận thức và ngôn ngữ của trẻ phát triển chậm hơn đáng kể so với các bạn cùng tuổi.

Những người bị thiểu năng trí tuệ có biểu hiện rất khác nhau. Trẻ tự kỷ bị thiểu năng trí tuệ thường phát triển các kỹ năng không đồng đều. Trẻ có thể rất giỏi một số việc nhưng có một số việc khác thì trẻ lại thấy vô cùng khó khăn. Trong đa số trường hợp, trẻ tự kỷ sẽ gặp nhiều vấn đề liên quan đến kỹ năng nói (trò chuyện, lắng nghe và thấu hiểu) hơn là các kỹ năng khác (vẽ, làm toán…).

Trẻ tự kỷ bị thiểu năng trí tuệ thường phát triển các kỹ năng không đồng đều
Trẻ tự kỷ bị thiểu năng trí tuệ thường phát triển các kỹ năng không đồng đều

Trước đây, tỉ lệ trẻ tự kỷ bị thiểu năng trí tuệ hoặc chậm phát triển được cho là 50-60%. Tuy nhiên, hiện tại thì con số này là 30-40%, còn khoảng 20-25% trẻ tự kỷ nằm trong ngưỡng gần thiểu năng trí tuệ với chỉ số IQ từ 71-58.

Lý do chính khiến tỷ lệ này giảm là bởi các bài kiểm tra IQ cho trẻ tự kỷ đã được cải thiện. Đồng thời, các biện pháp can thiệp và các chương trình giáo dục sớm cũng đáp ứng được nhu cầu học tập của trẻ tự kỷ. 

Một số trẻ tự kỷ bị chậm phát triển cũng trở nên khá hơn dần dần theo thời gian. Tuy nhiên, khi lớn lên thì hầu hết trẻ chậm phát triển cũng vẫn có chỉ số IQ thấp hơn trung bình.

Không có cách nào chữa được bệnh thiểu năng trí tuệ, nhưng bệnh vẫn có thể được kiểm soát và nhiều người bệnh vẫn có cuộc sống tương đối bình thường. Các chương trình can thiệp và giáo dục sớm cũng có thể rất có ích cho trẻ bị thiểu năng trí tuệ.

>>> Xem thêm: Những vấn đề liên quan đến sức khỏe của trẻ tự kỷ mà bố mẹ cần biết (Phần 1)

Các khó khăn trong vận động

Những trẻ gặp khó khăn trong việc vận động có thể bị hạn chế ở các kỹ năng vận động thô như khó giữ thăng bằng, vụng về, khó đi lại. Cũng có trẻ gặp khó khăn trong vận động tinh, như khó cầm nắm đồ vật, khó viết... Những khó khăn trong vận động còn có thể ảnh hưởng đến cử động miệng của trẻ, khiến trẻ khó nói được rõ ràng.

Vấn đề sức khỏe của trẻ tự kỷ là khó khăn trong việc vận động hoặc có thể bị hạn chế ở các kỹ năng vận động
Vấn đề sức khỏe của trẻ tự kỷ là khó khăn trong việc vận động hoặc có thể bị hạn chế ở các kỹ năng vận động

Nguyên nhân chính dẫn đến các khó khăn trong vận động là do trẻ bị yếu cơ, hoặc do có những bất thường ở các vùng não điều khiển vận động, làm ảnh hưởng đến các cơ của trẻ. 

Khoảng 80% trẻ tự kỷ gặp khó khăn trong vận động ở mức độ nào đó. Những khó khăn này thường xuất hiện từ trước khi các dấu hiệu của bệnh tự kỷ trở nên rõ ràng. Vì vậy, một số nhà khoa học cho rằng những khó khăn trong vận động có thể là các dấu hiệu sớm của bệnh tự kỷ.

Trẻ gặp khó khăn trong vận động thường được điều trị bằng vật lý trị liệu hoặc một số phương pháp trị liệu thể chất khác.

>>> Xem thêm: Những vấn đề liên quan đến sức khỏe của trẻ tự kỷ mà bố mẹ cần biết (Phần 2)

Khó ngủ

Khó ngủ cũng là một vấn đề về sức khỏe của trẻ tự kỷ mà bố mẹ cần lưu ý. Trẻ tự kỷ thường khó chìm vào giấc ngủ, không ngủ được sâu, hay gặp ác mộng và có thể bị mộng du. Có đến ⅔ số trẻ tự kỷ gặp vấn đề về giấc ngủ ở một vài thời điểm nào đó.

Khó ngủ cũng là một vấn đề về sức khỏe của trẻ tự kỷ mà bố mẹ cần lưu ý
Khó ngủ cũng là một vấn đề về sức khỏe của trẻ tự kỷ mà bố mẹ cần lưu ý

Để giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ của trẻ, bố mẹ nên:

  • Không cho trẻ uống các loại đồ uống có caffein vào chiều và tối.
  • Cho trẻ dậy sớm và tập thể dục hằng ngày.
  • Không để những đồ dễ gây sao lãng (như máy tính, tivi) trong phòng ngủ.
  • Có giờ đi ngủ tương đối ổn định, với những thói quen đều đặn trước khi đi ngủ.

Những việc trên nên được thực hiện đồng thời với các biện pháp can thiệp khác, như can thiệp hành vi hoặc dùng thuốc.

Các vấn đề liên quan đến đường ruột

Các vấn đề về sức khỏe của trẻ tự kỷ liên quan đến hệ tiêu hóa bao gồm: táo bón, tiêu chảy, đau bụng, đại tiện mất chủ động, trào ngược dạ dày thực quản và đầy hơi.

Hiện nay, vẫn chưa có lời giải đáp cụ thể rằng vì sao trẻ tự kỷ lại hay gặp các vấn đề về đường ruột. Một số nhà khoa học cho rằng có thể là do vi khuẩn đường ruột thay đổi, làm cho thức ăn tồn tại trong đường ruột lâu hơn, hoặc do trẻ ăn ít chất xơ.

Các vấn đề về sức khỏe của trẻ tự kỷ liên quan rất nhiều đến hệ tiêu hóa
Các vấn đề về sức khỏe của trẻ tự kỷ liên quan rất nhiều đến hệ tiêu hóa

Có rất nhiều lý do khiến trẻ mắc bệnh đường ruột nên bố mẹ cần cho trẻ kiểm tra toàn diện trước khi có biện pháp chữa trị cụ thể. 

Nhiều bố mẹ cho rằng chế độ ăn không đạm sữa và gluten có thể giúp đường ruột của trẻ tự kỷ tốt hơn, nhưng điều này chưa bao giờ được chứng minh. Tuy nhiên, cũng như một số trẻ phát triển bình thường, thì một số trẻ tự kỷ cũng có thể không dung nạp gluten hoặc bị dị ứng với những loại thực phẩm nhất định. Trong những trường hợp này thì bố mẹ cần áp dụng chế độ ăn riêng cho trẻ.

Động kinh

Động kinh là một rối loạn của hệ thần kinh, gây các cơn co giật đột ngột và lặp đi lặp lại, do hoạt động bất thường của não. Hoạt động bất thường này cũng gây ra những cảm nhận kỳ lạ, những hành vi và cử động khác thường hoặc co giật. Khi lên cơn động kinh, trẻ thường sẽ mất ý thức tạm thời, cơ thể co giật, có một số cử động bất thường hoặc có những khoảng thời gian ngắn chỉ nhìn chằm chằm.

Rất khó để phát hiện được bệnh động kinh ở trẻ tự kỷ do hai căn bệnh này có những dấu hiệu khá giống nhau (không đáp lại khi được gọi tên, có những cử động lặp đi lặp lại…).

20-30% trẻ tự kỷ có mắc bệnh động kinh, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi hoặc ở độ tuổi vị thành niên.

Rất khó để phát hiện được bệnh động kinh ở trẻ tự kỷ do hai căn bệnh này có những dấu hiệu khá giống nhau
Rất khó để phát hiện được bệnh động kinh ở trẻ tự kỷ do hai căn bệnh này có những dấu hiệu khá giống nhau

Những trẻ tự kỷ và bị thiểu năng trí tuệ từ trung bình đến nghiêm trọng, và những trẻ tự kỷ mắc thêm các bệnh về hệ thần kinh đều rất dễ bị động kinh.

Để điều trị động kinh, các bác sĩ thường cho người bệnh dùng thuốc. Nếu chẳng may con bị động kinh thì bố mẹ cần cho con uống thuốc đúng giờ, ngủ đủ và tránh các tình huống dễ gây căng thẳng.

sức khỏe của trẻ tự kỷ có thể không hoàn hảo nhưng bố mẹ cũng đừng vì thế mà nản lòng. Mong rằng với bài viết này của ODPHUB, bố mẹ sẽ cảm thấy tự tin hơn trong quá trình nuôi dạy và chăm sóc trẻ tự kỷ nhé!

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận