Những vấn đề liên quan đến sức khỏe của trẻ tự kỷ mà bố mẹ cần biết (Phần 1)

Trí não & Nhận thức - 17/01/2020

Không chỉ gặp khó khăn trong việc hòa nhập với cộng động, sức khỏe của trẻ tự kỷ cũng thường có những vấn đề nhất định. Đặc biệt, trẻ thường đồng thời mắc một số bệnh tâm lý nữa.

Sức khỏe của trẻ tự kỷ thường không tốt bằng các bạn cùng trang lứa. Gần 3/4 số trẻ tự kỷ có mắc thêm một, hoặc một vài bệnh lý khác, cả về thể chất lẫn tâm lý. Dưới đây là một số bệnh tâm lý hay xuất hiện ở trẻ tự kỷ:

Hội chứng rối loạn lo âu

Người bình thường bị rối loạn lo âu có thể sẽ căng thẳng, bồn chồn, hiếu động, lo lắng và sợ hãi. Còn khi trẻ tự kỷ bị rối loạn lo âu, trẻ sẽ thực hiện những hành vi lặp đi lặp lại thường xuyên hơn. Trẻ có thể hỏi đi hỏi lại một hai câu, tự làm đau bản thân hoặc rất khó ngủ.

Hội chứng rối loạn lo âu là một vấn đề phổ biến liên quan đến sức khỏe của trẻ tự kỷ. Khoảng 40%-60% trẻ tử kỷ mắc phải hội chứng này. Trong đó, hội chứng sợ xã hội là thường gặp nhất, vì trẻ tự kỷ vốn đã hay gặp khó khăn trong giao tiếp xã hội, khiến trẻ rất căng thẳng và lo lắng.

Để điều trị chứng rối loạn lo âu ở trẻ, các bác sĩ có thể cho trẻ uống thuốc, hoặc áp dụng phương pháp trị liệu hành vi, trị liệu nhận thức hành vi hay các kỹ thuật giúp thư giãn.

Rối loạn lo âu là một trong những vấn đề sức khỏe của trẻ tự kỷ bố mẹ cần lưu ý.
Rối loạn lo âu là một trong những vấn đề sức khỏe của trẻ tự kỷ bố mẹ cần lưu ý.

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)

Trẻ nhỏ thường khó tập trung, khó ngồi yên và thường hành động mà không suy nghĩ kỹ. Tuy nhiên, trẻ mắc hội chứng ADHD thường thể hiện những điều đó một cách thái quá, làm ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của mình.

Trẻ bị bệnh tự kỷ và trẻ mắc ADHD có một số biểu hiện giống nhau, như: có vẻ không lắng nghe người khác nói, hay ngắt lời, không biết tôn trọng không gian riêng tư của người khác. Nhiều trẻ tự kỷ có các hành vi rất giống hội chứng ADHD.

Hiện nay chưa có cách chữa ADHD, nhưng để hạn chế sự ảnh hưởng của hội chứng này thì trẻ có thể được trị liệu hành vi, dùng thuốc, hoặc áp dụng cả hai phương pháp.

Một vấn đề sức khỏe của trẻ tự kỷ khác mà trẻ thường gặp phải đó là rối loạn tăng động giảm chú ý.
Một vấn đề sức khỏe của trẻ tự kỷ khác mà trẻ thường gặp phải đó là rối loạn tăng động giảm chú ý.

Rối loạn lưỡng cực

Rối loạn lưỡng cực là một bệnh tâm lý mà người mắc phải thường có sự bất ổn về cảm xúc. Họ có thể trải qua cả những đợt hưng cảm (cảm xúc cực kỳ hưng phấn) và trầm cảm.

Người bệnh lúc trầm cảm thường có những biểu hiện khá rõ ràng, như ủ rũ, thiếu động lực, khó ngủ, ăn kém... Còn giai đoạn hưng cảm thì kém rõ ràng hơn. Khi hưng cảm, người bệnh có thể quá tự mãn, giảm nhu cầu ngủ, nói nhiều và hoạt động nhiều hơn bình thường.

Trẻ bị rối loạn lưỡng cực thường có những sự thay đổi nhanh chóng, bất ngờ về cảm xúc và hành vi. Những lúc đó, trẻ thường khó tập trung và có thể cư xử không đúng đắn. Cũng có trẻ tự kỷ bị mắc cả chứng rối loạn lưỡng cực, nhưng tỷ lệ này không cao.

Việc điều trị rối loạn lưỡng cực thường kéo dài. Bệnh nhân sẽ phải dùng thuốc và được trị liệu hành vi.

Nhiều trẻ tự kỷ cũng mắc phải hội chứng rối loạn lưỡng cực.
Nhiều trẻ tự kỷ cũng mắc phải hội chứng rối loạn lưỡng cực.

Trầm cảm

Một số dấu hiệu rõ rệt của bệnh trầm cảm là chán nản, ăn ngủ kém, hay cáu gắt, thiếu động lực... Trẻ nhỏ bị trầm cảm thường tỏ ra cáu kỉnh nhiều hơn là buồn bã hoặc ủ rũ..

Trầm cảm cũng là một vấn đề phổ biến liên quan đến sức khỏe của trẻ tự kỷ, đặc biệt là ở những trẻ tự kỷ nhẹ, vốn biết rằng mình gặp khó khăn trong các vấn đề xã hội. Trẻ tự kỷ cũng dễ có các triệu chứng trầm cảm hơn nếu trẻ có nhiều biểu hiện nghiêm trọng hơn của bệnh tự kỷ, hoặc khi trẻ lớn hơn và hiểu ngôn ngữ tốt hơn.

Để điều trị trầm cảm, các chuyên gia y tế thường kết hợp sử dụng thuốc với các phương pháp điều trị tâm lý như điều trị nhận thức hành vi. Hiệu quả của việc điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như mức độ tích cực của bệnh nhân, khả năng bệnh nhân kiểm soát các yếu tố gây căng thẳng... Ngoài ra, việc người bệnh đã bị trầm cảm lâu chưa, và được gia đình hỗ trợ thế nào… cũng quyết định hiệu quả điều trị.

Xem thêm: Thể dục thể thao giúp trẻ giảm nguy cơ mắc bệnh trầm cảm

Riêng phương pháp trị liệu nhận thức hành vi có thể sẽ không hiệu quả với nhiều trẻ chưa biết hoặc không biết nói, do nó là trị liệu bằng cách trò chuyện.

Nhiều trẻ tự kỷ cũng có dấu hiệu của bệnh trầm cảm.
Nhiều trẻ tự kỷ cũng có dấu hiệu của bệnh trầm cảm.

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là một thể của rối loạn lo âu. Những người mắc hội chứng này thường có những suy nghĩ mà họ không muốn có, nhưng lại cũng không thể thoát khỏi chúng. Điều này khiến họ hay có những hành vi lặp đi lặp lại nhằm giải quyết những suy nghĩ đó. Ví dụ, họ có thể rửa tay liên tục hoặc đếm đồ dùng theo những kiểu nhất định, nhằm cố thay các ý nghĩ xấu bằng các ý nghĩ tốt.

Do trẻ tự kỷ cũng hay có những hành động lặp đi lặp lại, nên việc phát hiện chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ tự kỷ là rất khó. Hội chứng này thường xảy ra phổ biến ở những trẻ tự kỷ nhỏ tuổi. Nó có thể được điều trị bằng phương pháp trị liệu hành vi, trị liệu nhận thức, thuốc, hoặc kết hợp cả ba.

Sức khỏe của trẻ tự kỷ có thể không hoàn hảo, nhưng vẫn luôn có cách trị liệu cho trẻ. Mong rằng sau bài viết này của Odphub.com, bố mẹ sẽ hiểu hơn về trẻ tự kỷ và những bệnh đồng mắc mà trẻ có thể có. Và nếu chẳng may con mắc những hội chứng như trên, thì bố mẹ cũng sẽ có cách chăm sóc và hỗ trợ con thật phù hợp.

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận