Mối quan hệ thân thiết đem lại lợi ích gì cho sự phát triển của trẻ?

Trí não & Nhận thức - 17/03/2020

Mọi mối quan hệ xung quanh trẻ đều có tác động nhất định tới sự phát triển của trẻ. Chính vì thế, bố mẹ cần chú trọng xây dựng mối quan hệ gắn bó và lành mạnh với trẻ.

Những năm đầu đời là khoảng thời gian trẻ ưa khám phá nhất. Mọi thứ xung quanh con đều là những điều thú vị và mới mẻ, thế nhưng trẻ vẫn cần sự khích lệ để có thể tự tin tìm tòi thỏa mãn trí tò mò của mình. Chính vì thế, trẻ rất cần bố mẹ ở bên để dẫn dắt, hỗ trợ sự phát triển của trẻ về mọi mặt.

Để làm được điều đó, điều đầu tiên bố mẹ cần làm chính là nuôi dưỡng tình cảm và xây dựng mối quan hệ gắn bó với con.

Bố mẹ hãy đọc bài viết dưới đây của ODPHUB để tìm hiểu thêm nhé!

Tầm quan trọng của mối quan hệ “bố mẹ - con” đối với sự phát triển của trẻ

Trẻ học những điều mới và khám phá thế giới chủ yếu bằng cách bắt chước hành động của người lớn, chính vì vậy, các mối quan hệ xung quanh trẻ giúp định hình thế giới quan và có ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ về mọi mặt.

Trong một mối quan hệ, trẻ thể hiện những mong muốn của bản thân thông qua tiếng khóc, nụ cười, qua một ngàn câu hỏi vì sao, rồi nhận về những cái ôm vỗ về, ánh mắt âu yếm và những lời giải đáp từ người lớn. Nhờ đó, trẻ có cơ hội tiếp nhận những thông tin rất đáng giá để trẻ hiểu thêm về cách đối nhân xử thế, học thêm những kỹ năng quan trọng như: tư duy, phân tích, giao tiếp, cách hành xử, thể hiện cảm xúc và phát triển các kỹ năng xã hội.

Đặc biệt, khi trẻ nhận được tình yêu thương từ bố mẹ, trẻ vừa học được cách giao tiếp, hành xử và thể hiện cảm xúc đúng mực, vừa cảm thấy yên tâm và an toàn. Việc bồi đắp tình yêu thương sẽ giúp cho mối quan hệ giữa bố mẹ và trẻ trở nên khăng khít, bền vững. Nhờ đó, trẻ cảm thấy tự tin hơn và sẵn sàng khám phá thế giới xung quanh mình, bởi vì trẻ biết rằng bố mẹ sẽ luôn ở bên cạnh hỗ trợ, khích lệ và dẫn dắt trẻ lớn lên từng ngày.

mối quan hệ gắn bó tình cảm giữa bố mẹ và trẻ giúp thúc đẩy sự phát triển của trẻ về mọi mặt
Mối quan hệ gắn bó và đầy tình cảm giữa bố mẹ và trẻ có ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của trẻ về mọi mặt.

Mối quan hệ giữa bố mẹ và mọi người xung quanh cũng có vai trò quan trọng

Không chỉ mối quan hệ giữa bố mẹ và trẻ mới cần được bồi đắp, mà cả những mối quan hệ giữa bố mẹ và những người khác

Mối quan hệ giữa bố mẹ và những người xung quanh cũng có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Trẻ thường quan sát cách mà bố mẹ đối xử, giao tiếp với người khác để hiểu và học các kỹ năng xã hội cơ bản. Vì vậy, thông qua việc đối xử tử tế, tôn trọng mọi người, bố mẹ có thể dạy cho trẻ cách xây dựng một mối quan hệ chất lượng và bền vững.

Tầm quan trọng của việc chơi với trẻ

Trong những năm tháng đầu đời, cách trẻ tiếp thu và học hỏi để phát triển chủ yếu thông qua việc chơi.

Chơi là cách hiệu quả nhất để trẻ vui vẻ tiếp nhận thông tin, học mà không hề cảm thấy áp lực. Qua các trò chơi, trẻ có cơ hội khám phá, trải nghiệm, quan sát để rồi tìm ra được cách xử lý vấn đề cũng như rút kinh nghiệm từ những vấp ngã. Và trong quá trình chơi, trẻ cũng học được những kỹ năng cần thiết như khả năng vận động, giao tiếp thông qua việc nói chuyện, lắng nghe, quan sát và tương tác với bố mẹ. Từ đó, trẻ cũng hiểu hơn về bản thân, dần khám phá ra sở thích và hoạt động phù hợp với mình.

bố chơi với trẻ để thúc đẩy sự phát triển của trẻ
Trẻ có thể dễ dàng tiếp thu những điều mới hơn khi được tạo điều kiện học như chơi cùng với bố mẹ.

Mặc dù trẻ rất cần nhận được sự hỗ trợ và khích lệ của bố mẹ để có thể vừa chơi vừa học một cách hiệu quả, thế nhưng bố mẹ vẫn nên cân đối giữa việc hỗ trợ và cho trẻ cơ hội được “mắc sai lầm”. Bởi vì, “thất bại là mẹ của thành công", hãy để trẻ đứng lên từ chính những sai lầm của mình để tìm ra giải pháp tốt hơn cho từng vấn đề, thay vì bố mẹ đứng ra giải quyết hết cho trẻ.

Ngoài ra, hoạt động chơi cũng là cách rất tốt để bồi đắp tình cảm, giúp cho mối quan hệ giữa trẻ và bố mẹ trở nên gắn bó hơn. Khi bố mẹ dành nhiều thời gian để chơi với trẻ, trẻ có thể hiểu rằng trong lòng bố mẹ, trẻ có một vị trí vô cùng quan trọng. 

>>>Tham khảo thêm:

Xây dựng mối quan hệ từ trò chơi tương tác

Trò chơi “Ú òa" là một cách rất hiệu quả để bố mẹ kết hợp việc chơi, tăng cường gắn kết và thúc đẩy sự phát triển của trẻ về mọi mặt.

Cách chơi trò này là bố mẹ lấy tay che mặt, tới khi bỏ tay xuống thì kêu “Ú òa" với trẻ. Khi bố mẹ che mặt, trẻ có thể sẽ vươn tay ra để chạm vào bố mẹ, mỉm cười hoặc cười khúc khích thành tiếng. Đó là cách bé bày tỏ sự thích thú của mình và muốn nói với bố mẹ rằng “Trò chơi này rất vui và con muốn chơi tiếp!”. Bố mẹ càng tiếp tục ú òa, bé càng cười vui vẻ. Nhưng chỉ một lúc thôi, bé có thể quay đi chỗ khác ngay, đó là cách bé thể hiện rằng bé đã chơi đủ rồi để bố mẹ hiểu rằng giờ bé cần nghỉ ngơi. Thông qua những hành động tương tác với bố mẹ khi chơi, kỹ năng vận động và giao tiếp của trẻ được rèn luyện.

“Ú òa" không chỉ giúp trẻ phát triển kỹ năng xã hội và cảm xúc lành mạnh, mà còn thúc đẩy tư duy của trẻ, sau nhiều vòng lặp lại của trò chơi “Ú òa", trẻ có thể nâng cao khả năng suy đoán logic của mình.

Khi bố mẹ phản ứng trước những dấu hiệu cho thấy nhu cầu chơi hoặc nghỉ ngơi của trẻ, trẻ sẽ cảm nhận được tình cảm của bố mẹ, thấy an tâm và hiểu rằng mình có thể tin tưởng vào bố mẹ. Từ đó, sự tự tin cũng dần hình thành trong trẻ và giúp trẻ mạnh dạn khám phá thế giới xung quanh.

mẹ chơi ú òa với trẻ, thúc đẩy sự phát triển của trẻ về mọi mặt
Trò chơi "Ú òa" là một cách điển hình của việc vừa chơi vừa học - thúc đẩy sự phát triển của trẻ về mọi mặt từ rất sớm.

Lợi ích đến từ mối quan hệ gắn bó

Tình cảm ấm áp và những tương tác trong mối quan hệ giữa bố mẹ và trẻ có khả năng thúc đẩy, phát triển những kỹ năng cần thiết như khả năng giao tiếp, thái độ tự tin cũng như khả năng thích nghi. Nhờ đó trẻ có đủ “hành trang" để có thể đối phó với những vấn đề xảy ra trong cuộc sống như kỹ năng xử lý vấn đề, đối phó với căng thẳng, xây dựng những mối quan hệ lành mạnh.

Sự phát triển của trẻ về mọi mặt đều được hưởng lợi từ những mối quan hệ gắn bó, đặc biệt là sức khỏe tinh thần. Các mối quan hệ thân thuộc tạo điều kiện cho trẻ phát triển tâm lý khỏe mạnh và ít gặp những vấn đề về hành vi khi lớn lên. Chính vì vậy, để tạo nền tảng vững chắc cho trẻ, bố mẹ hãy chú trọng việc bồi đắp tình cảm và xây dựng mối quan hệ tích cực với trẻ nhé.

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận