Hiểu đúng về trẻ chậm phát triển và những điều bố mẹ nên làm cho trẻ

Trí não & Nhận thức - 30/11/2019

Mỗi trẻ có tốc độ phát triển khác nhau, tuy nhiên, trẻ chậm phát triển sẽ có một số dấu hiệu tương đối rõ ràng. Bố mẹ hãy cùng ODP tìm hiểu để có cách can thiệp kịp thời cho con nhé!

Nghe đến cụm từ “chậm phát triển”, nhiều bố mẹ sẽ cảm thấy lo lắng cho tương lai của trẻ. Tuy nhiên, nếu được quan tâm và can thiệp đúng cách thì rất có khả năng trẻ sẽ bắt kịp các bạn cùng trang lứa.

Chậm phát triển là gì?

Các bác sĩ nhi khoa dùng khái niệm chậm phát triển để nói đến những trẻ không đạt được các mốc phát triển về mặt vận động, ngôn ngữ, khả năng nói, trong phạm vi được coi là bình thường theo độ tuổi.

Bốn kiểu chậm phát triển thường gặp là chậm phát triển khả năng ngôn ngữ, khả năng nói (giao tiếp và diễn đạt), khả năng vận động tinh và khả năng vận động thô.

Ví dụ, hầu hết trẻ sẽ biết đi khi được 12-14 tháng tuổi và biết nói một vài từ khi được 15 -18 tháng tuổi. Nếu qua hai giai đoạn trên mà trẻ vẫn không cố gắng tập đi hoặc không nói gì thì đây có thể là dấu hiệu của sự chậm phát triển. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, trẻ có thể phát triển sớm ở một khả năng và chậm ở một khả năng khác. Chẳng hạn, có trẻ 1 tuổi đã biết đi và hiểu lời mẹ nói, nhưng có thể lại ngại tập nói.

Cũng có một số trẻ chậm phát triển đáng kể không chỉ ở một mà ở hai hoặc nhiều khả năng. Ví dụ, trẻ hơn 2 tuổi mà không biết đi cũng không giao tiếp. Tuy nhiên, để biết rằng mức độ chậm phát triển của trẻ nghiêm trọng thế nào thì bố mẹ cần để bác sĩ nhi khoa đánh giá cụ thể.

Rất nhiều dấu hiệu của chậm phát triển khiến bố mẹ bị nhầm lẫn.
Rất nhiều dấu hiệu của chậm phát triển khiến bố mẹ bị nhầm lẫn.

Nguyên nhân của tình trạng chậm phát triển

Hiện nay, các nhà khoa học chưa xác định được nguyên nhân cụ thể dẫn đến sự chậm phát triển của trẻ. Trên thực tế, các vùng não điều khiển những khả năng ngôn ngữ hay vận động của trẻ có thể hoàn toàn bình thường, trừ một số trường hợp như trẻ bị tiếp xúc với các chất độc hại hoặc bị suy dinh dưỡng. Còn ngoài ra, tình trạng chậm phát triển thường có yếu tố di truyền.

Chưa có một nghiên cứu chính xác về các nguyên nhân của chậm phát triển.
Chưa có một nghiên cứu chính xác về các nguyên nhân của chậm phát triển.

Khi nào bố mẹ cần can thiệp?

Nếu thấy lo lắng về bất kỳ điều gì liên quan đến sự phát triển của trẻ, bố mẹ cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ. Trong một số trường hợp, do quá lo lắng, bố mẹ có thể nhầm lẫn về mức độ phát triển của trẻ. Chẳng hạn, một số trẻ hơi ít nói nhưng khả năng hiểu ngôn ngữ vẫn tốt, không hề thua kém các bạn đồng trang lứa thì không gọi là chậm phát triển. Dù sao, trẻ cũng nên được bác sĩ đánh giá các mốc phát triển khi đạt 9 tháng, 18 tháng, 24 tháng và 30 tháng tuổi. 

Xem thêm: Bé 2 tuổi cần có những mốc phát triển nào?

Nếu trẻ thực sự bị chậm phát triển, bố mẹ nên can thiệp càng sớm càng tốt, bằng cách làm theo đúng phác đồ mà bác sĩ đưa ra. Một số trẻ có thể sẽ cần được trị liệu lâu dài nên bố mẹ hãy kiên nhẫn nhé! Nếu trẻ đã đi học, bố mẹ có thể trao đổi với giáo viên và nhà trường để tạo cho trẻ một môi trường phát triển phù hợp.

Dù trẻ có chậm phát triển hay không, tình yêu thương của bố mẹ vẫn là điều quan trọng nhất với trẻ.
Dù trẻ có chậm phát triển hay không, tình yêu thương của bố mẹ vẫn là điều quan trọng nhất với trẻ.

Dù thế nào, bố mẹ cũng cần lưu ý rằng, mỗi trẻ là một cá thể khác biệt và có tốc độ phát triển khác nhau. Bố mẹ hãy luôn thương yêu và đồng hành cùng trẻ nhé.

Xem thêm: Những cột mốc phát triển não bộ của bé 1-3 tuổi

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận