Những cột mốc phát triển não bộ của bé 1-3 tuổi
Trí não & Nhận thức - 19/08/2019
Con đã làm được nhiều việc lắm rồi, vậy con sẽ trải qua những cột mốc nào nhỉ?!
Giai đoạn này, bé tiếp thu, học và làm được rất nhiều thứ. Bố mẹ hãy để ý những cột mốc phát triển dưới đây nhé!
Biết vẽ nguệch ngoạc
Thông thường, bé sẽ bắt đầu biết viết những nét nguệch ngoạc khi tròn 12 tháng tuổi. Điều này cho thấy sự phát triển vượt bậc của kỹ năng vận động tinh, sự kết hợp tay-mắt và khả năng quản lý trực quan của bé. Ngoài ra, đây cũng là dấu hiệu cho thấy bé đang hiểu thêm về thế giới xung quanh.
Hiểu được rằng, lắc đầu có nghĩa là “không”
Ngoài nói chuyện, cử chỉ cũng là cách để bé giao tiếp trong giai đoạn đầu tiên của sự phát triển ngôn ngữ. Bé có thể hiểu hành động vẫy tay là “xin chào” hoặc gật đầu là đồng ý. Khả năng kết hợp cử chỉ và lời nói để truyền tải thông điệp sẽ phát triển từ khi bé còn nhỏ và duy trì suốt cả cuộc đời. Một em bé từ 12-18 tháng tuổi biết gật đầu để đồng ý hay lắc đầu để phản đối, cho thấy sự phát triển vượt bậc về mặt nhận thức.
Biết chỉ vào những đồ vật hay người khi nghe đọc tên
Bé 9 tháng đã có thể nhận ra đồ vật khi nhìn thấy hình ảnh của vật đó, dù bé chưa biết nói. Tuy nhiên, chỉ đến khi 12-18 tháng tuổi, bé mới có thể liên kết đồ vật với những từ để miêu tả đồ vật đó, và chỉ được vào chúng.
Biết chơi lắp ghép
Nhiều đồ chơi và hoạt động có thể giúp kích thích não bé phát triển. Trong đó, chơi lắp ghép sẽ giúp tăng trí thông minh về không gian của bé. Đây là kỹ năng được điều khiển bởi thùy chẩm của não. Thêm vào đó, các trò chơi này còn giúp bé nâng cao khả năng giải quyết vấn đề và làm toán. Thông thường, bé từ 15 tháng nên bắt đầu biết xếp hai hình khối và 18 tháng thì biết xếp ba khối.
Ghép từ
Khi 1 tuổi, số lượng cụm từ mà bé có sẽ nhiều gấp 4 lần so với thời điểm bé bắt đầu biết vài từ đầu tiên. Đó là do sự phát triển cực mạnh của não ở thời điểm này. Thông thường, bé 2-3 tuổi có số lượng khớp thần kinh nhiều gấp 2 lần người lớn. Đồng thời, khả năng tự nhận thức của bé cũng được cải thiện, nên bé có thể sử dụng ngôn ngữ theo những cách phức tạp và có ý nghĩa, đặc biệt là có thể dùng các đại từ để phân biệt mình với những người khác. Bé từ 18-24 tháng tuổi còn có thể tạo lập các câu mệnh lệnh như: “Cho con ăn thêm!” hay “Chơi với con!”.
Biết kể chuyện
Khả năng kể chuyện là một dấu hiệu tốt của sự phát triển não bộ. Não trái đóng vai trò như một bộ máy diễn giải thông tin, giúp sắp xếp các sự kiện trong quá khứ thành cấu trúc tự sự có ý nghĩa về cảm xúc. Chính vì thế, khả năng kể chuyện cho thấy bé đang phát triển khả năng tự nhận thức và điều chỉnh cảm xúc để đáp lại thế giới xung quanh. Thông thường, bé từ 2-2,5 tuổi sẽ có khả năng kể những câu chuyện đơn giản và đến khi 3-4 tuổi, bé sẽ kể được những câu chuyện phức tạp hơn về bản thân hoặc do bé tự nghĩ ra.
Bướng hơn
Sự bướng bỉnh là dấu hiệu tích cực trong sự phát triển của bé, bởi bé đang học cách sử dụng kỹ năng ngôn ngữ và khả năng tự nhận biết. Việc thích làm theo ý muốn của mình cho thấy bé thích tự khám phá và học hỏi được nhiều hơn. Bé cảm thấy mình là một thực thể độc lập và có thể tự làm mọi thứ. Điều này thường xảy ra khi bé được 2-3 tuổi, lúc thùy trán chưa phát triển mạnh, khiến trung tâm xử lý cảm xúc trong não bộ (hệ thống limbic) bị quá tải, khiến bé dễ nổi nóng.
Cố gắng độc lập hơn
Trẻ nhỏ cũng đã phát triển những kỹ năng để có thể tự lực khi ở thế giới bên ngoài. Từ khi bé được 8 tháng tuổi, đã có những dấu hiệu cho thấy vùng vỏ não trước trán của bé hoạt động mạnh mẽ. Đây là vùng não điều khiển khả năng lý luận và nhận thức. Tuy nhiên, bé ở độ tuổi này vẫn cần nhiều sự hỗ trợ của người khác. Đến khi 3 tuổi, bé sẽ phát triển đủ để tự nhận biết và có cảm nhận về bản thân, do đó, bé có thể cảm thấy thoải mái khi ở cùng người trông trẻ và tự khám phá thế giới xung quanh.
Biết nói cho người khác (ngoài gia đình) nghe hiểu
Số lượng khớp thần kinh ở vỏ não trước trán của bé lên 3 nhiều gấp hai lần so với não người lớn, đồng thời, các vùng não khác cũng phát triển. Do đó, bé biết liên kết các câu phức tạp hơn. Khi trò chuyện với bố mẹ, bé có thể hỏi nhiều và kể lại một ngày của mình. Bé 3 tuổi cần có khả năng nói để người lớn ngoài gia đình hiểu được 50% và đến khi bé 4 tuổi thì cần nói được để người khác hiểu hoàn toàn.
Xem thêm: 3 điều bí mật về não bộ và trí nhớ của trẻ
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận