3 điều bí mật về não bộ và trí nhớ của trẻ
Trí não & Nhận thức - 10/09/2019
Có những điều rất thú vị về não bộ và trí nhớ của trẻ mà có lẽ ít bậc bố mẹ đã biết. Việc hiểu những điều này sẽ giúp bố mẹ có những cách tác động để con phát triển toàn diện, đồng thời, kiên nhẫn hơn với con trẻ nữa.
Dường như trẻ con có cách tiếp nhận và ghi nhớ thông tin khác hẳn người lớn. Liệu trẻ có nhớ được lâu không? Liệu tính hay quên có khiến trẻ “học trước quên sau” không? Những “bí mật” thú vị dưới đây có lẽ sẽ giúp bố mẹ có được câu trả lời, và biết được rằng mình nên tác động đến con như thế nào, vào thời điểm nào là hợp lý...
Trẻ có hai giai đoạn trí nhớ
Trẻ có hai giai đoạn trí nhớ chính: vô ý thức và có ý thức. Thông thường, từ 0-3 tuổi, trẻ tiếp thu thông tin và kiến thức một cách vô ý thức. Những hoạt động như đi, đứng, ngồi đều được trẻ học hỏi thông qua việc bắt chước. Chính vì thế, bố mẹ sẽ có ảnh hưởng đến hành vi và cách ứng xử của trẻ, do trẻ thường lấy bố mẹ làm gương.
Từ 3-6 tuổi, trẻ bắt đầu tiếp thu về cuộc sống xung quanh một cách có ý thức hơn. Trẻ vẫn tiếp nhận thông tin một cách dễ dàng nhưng lại có khả năng phân tích những thông tin mà trẻ muốn tìm hiểu. Trẻ có xu hướng học những thứ như trật tự, trình tự, toán học, âm nhạc và âm thanh chữ cái. Đây là giai đoạn mà bố mẹ có thể giúp con xây dựng các kỹ năng cơ bản về toán học, đọc và viết.
6 năm đầu là thời điểm vàng cho sự phát triển não bộ của trẻ
Khác với não bộ của người trưởng thành, trẻ từ sơ sinh đến 6 tuổi có khả năng tiếp thu một khối lượng thông tin khổng lồ. Bất kỳ điều gì trẻ tiếp xúc mỗi ngày sẽ không chỉ được trẻ ghi nhớ, mà còn tác động đến cá tính, hành vi hay cách ứng xử của trẻ. Theo nhà giáo dục Maria Montessori, cấu trúc não của trẻ có thể hoàn thiện 85% trước khi trẻ 5 tuổi. Chính vì thế, 6 năm đầu đời được coi là thời điểm vàng để bố mẹ cung cấp cho trẻ thông tin chọn lọc về thế giới xung quanh, cũng như hướng dẫn con cách tiếp nhận và xử lý thông tin, để giúp trẻ hình thành nhận thức và tư duy.
Trẻ có thể quên hết mọi thứ trước 7 tuổi
Ở trẻ nhỏ, có một hiện tượng kỳ lạ gọi là chứng hay quên thời thơ ấu. Trẻ có thể nhớ các sự kiện trước 3 tuổi nhưng khi lớn lên một chút, khoảng 7 tuổi, thì những ký ức đó sẽ không còn. Điều này là hoàn toàn bình thường do cấu trúc thần kinh phải trải qua rất nhiều giai đoạn phát triển. Trẻ hình thành ký ức, nhưng thông qua các quá trình tự nhiên, chúng bị mờ dần và không thể tìm lại được. Để trẻ có thể lưu giữ những ký ức tốt đẹp thời thơ ấu, bố mẹ nên thường xuyên nhắc lại cũng như đặt câu hỏi kích thích trẻ kể lại những kỷ niệm đó. Thậm chí, bố mẹ có thể ghi chép lại để kể cho con nghe. Những việc này sẽ giúp trẻ ghi nhớ mọi thứ một cách hiệu quả hơn, thậm chí là hình thành thói quen có phương pháp ghi nhớ sâu sắc, rất có ích cho trẻ sau này.
Nguồn tham khảo: Montessori
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận