Trẻ sơ sinh ngủ ngáy có sao không?
Thể chất & Dinh dưỡng - 13/10/2020
Tại sao trẻ sơ sinh ngủ ngáy? Trẻ sơ sinh ngủ ngáy có sao không? Khi nào nên đưa trẻ tới gặp bác sĩ? Bố mẹ cùng ODPHUB tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Trẻ sơ sinh phát ra tiếng ồn khi ngủ là hiện tượng xảy ra khá phổ biến. Mặc dù đa phần tình trạng trẻ sơ sinh ngủ ngáy sẽ tự hết khi con lớn lên, nhưng nếu đi kèm với các biểu hiện khác, rất có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe cua trẻ. Vậy tại sao lại có hiện tượng này? Trẻ sơ sinh ngủ ngáy có sao không?
Tại sao trẻ sơ sinh ngủ ngáy?
Khi trẻ sơ sinh ngủ ngáy, đường thở ở cổ họng của con bị tắc nghẽn. Lúc này, không khí đi vào cổ họng sẽ làm rung các mô ở khu vực này và tạo ra âm thanh. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trẻ sơ sinh ngáy khi ngủ, trong đó bao gồm:
Nghẹt mũi
Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến trẻ sơ sinh ngủ có tiếng ngáy là do mũi con bị nghẹt vì ứ đọng dịch tiết trong mũi. Để khắc phục tình trạng này, bố mẹ có thể chỉ cần áp dụng các biện pháp đơn giản như sử dụng nước muối sinh lý để nhỏ mũi cho con. Tình trạng nghẹt mũi có thể sẽ được cải thiện khi trẻ lớn hơn và hốc mũi phát triển rộng hơn.
Trẻ sinh non
Ở những trẻ sinh non (chào đời trong tuần thứ 28 - 37 của thai kỳ), hệ hô hấp của con chưa được hoàn thiện. Do đó khi ngủ, trẻ sẽ phát ra tiếng ngáy.
Mềm sụn thanh quản
Các mô thanh quản khi bị mềm sẽ ảnh hưởng tới hình dạng cấu trúc thanh quản, gây ra hiện tượng tắc nghẽn tại đường hô hấp và khiến trẻ phát ra âm thanh khi ngủ. Thông thường, tình trạng mềm sụn thanh quản ở trẻ sơ sinh sẽ tự hết khi trẻ được 18-20 tháng tuổi.
Viêm amidan
Dù không phải là tình trạng phổ biến ở trẻ sơ sinh, nhưng viêm amidan cũng có thể là một nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh ngủ ngáy. Lúc này, hệ hô hấp của trẻ bị nhiễm trùng, ảnh hưởng đến quá trình hít thở của trẻ, đặc biệt là trong khi ngủ.
Vách ngăn mũi bị lệch
Đây là một loại dị tật đường hô hấp, xảy ra khi vách ngăn phân chia khoang mũi không nằm đúng vị trí của mình. Lúc này, trẻ sẽ ngáy trong khi ngủ.
Trẻ sơ sinh ngủ ngáy có nguy hiểm?
Trong nhiều trường hợp, tình trạng ngủ ngáy ở trẻ sơ sinh có thể sẽ tự hết mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu thấy trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào dưới đây, bố mẹ nên sớm đưa con tới gặp bác sĩ để được khám và đưa ra phương pháp hỗ trợ phù hợp và kịp thời.
- Trẻ ngáy nhiều, tiếng ngáy lớn.
- Hơi thở bất thường, ngưng thở khi ngủ.
- Giấc ngủ bị gián đoạn.
Bố mẹ phải làm sao khi trẻ sơ sinh ngủ ngáy?
Để cải thiện tình trạng ngủ ngáy ở trẻ sơ sinh, bố mẹ có thể tham khảo một vài cách đơn giản dưới đây:
Vệ sinh mũi cho trẻ
Bố mẹ có thể vệ sinh mũi cho trẻ bằng các dụng cụ hỗ trợ hút mũi ở trẻ sơ sinh để loại bỏ chất dịch nhầy và giúp thông đường mũi. Ngoài ra, nếu muốn dùng thuốc xịt mũi cho trẻ, bố mẹ nên tham khảo trước ý kiến của bác sĩ để được hướng dẫn sử dụng đúng cách và đúng liều lượng.
>>> Tham khảo thêm: Có nên hút mũi cho trẻ sơ sinh hay không và 4 điều bố mẹ cần lưu ý
Đặt máy tạo ẩm trong phòng trẻ
Nếu sử dụng máy lạnh trong phòng của trẻ, bố mẹ cũng có thể cân nhắc đặt thêm máy tạo ẩm để duy trì độ ẩm phòng ở mức phù hợp nhất.
Ngăn cản các tác nhân gây dị ứng
Hãy đảm bảo phòng ngủ của trẻ luôn sạch sẽ, không bụi bẩn để hạn chế nguy cơ trẻ bị cảm lạnh, dẫn tới nghẹt mũi và các vấn đề hô hấp khác, khiến trẻ ngáy khi ngủ.
ODPHUB hy vọng bài viết trên đã đem đến cho bố mẹ những thông tin hữu ích nhất về vấn đề: “Trẻ sơ sinh ngủ ngáy có sao không?”.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận